Báo Đồng Nai điện tử
En

Chờ đợi gì ở gói hỗ trợ đợt dịch Covid-19 lần 2?

08:08, 24/08/2020

Một gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ dành cho doanh nghiệp (DN) và các đối tượng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ước tính khoảng 70-90 ngàn tỷ đồng, đang được các bộ, ngành chức năng bàn bạc và dự kiến từ tháng 9 sẽ bắt đầu giải ngân.

Một gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ dành cho doanh nghiệp (DN) và các đối tượng gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ước tính khoảng 70-90 ngàn tỷ đồng, đang được các bộ, ngành chức năng bàn bạc và dự kiến từ tháng 9 sẽ bắt đầu giải ngân.


Người dân đến nhận gói hỗ trợ của Chính Phủ tại Bưu điện Khu công nghiệp Biên Hòa (TP.Biên Hòa)
Người dân đến nhận gói hỗ trợ của Chính Phủ tại Bưu điện Khu công nghiệp Biên Hòa (TP.Biên Hòa)

 

Trong khi đó, các chính sách, gói hỗ trợ để đối phó với đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 1 dù đã được triển khai từ nhiều tháng qua nhưng theo nhiều đánh giá là chưa thể hiện được hiệu quả “cứu trợ” một cách tốt nhất. Làm thế nào để gói hỗ trợ lần 2 này được triển khai một cách nhanh, hiệu quả là điều đáng phải bận tâm.

Thực tế, đợt dịch Covid-19 thứ hai ập đến khiến cho nền kinh tế đang bị tác động nghiêm trọng của đợt dịch trước đã tiếp tục gánh chịu những tổn thất lớn. Thậm chí, tác động của đợt dịch lần này được dự báo có thể gây tổn thất lớn hơn. DN đứng trước nguy cơ phá sản, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng nhanh chóng so với nhiều năm trở lại đây. Cuộc sống của hầu hết mọi tầng lớp nhân dân bị đảo lộn. Trong bối cảnh như vậy, việc xem xét, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ DN, người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 cần sớm được thực hiện, nếu không cả nền kinh tế có nguy cơ bị đánh quỵ.

Nhưng, cũng từ thực tế các chính sách hỗ trợ đợt 1 dù có nguồn lực để thực hiện không nhỏ, song hiệu quả mang lại chưa thực sự được như kỳ vọng. Ngoài vấn đề gia hạn nộp các loại thuế, phí có thể thực hiện được ngay thì hầu hết DN cho rằng họ chưa “với” tới được các chính sách hỗ trợ vì những quy định cụ thể khá ngặt nghèo, đơn cử như việc vay tiền để trả lương cho người lao động trong lúc khó khăn. Điều đó buộc DN phải tự tìm mọi cách xoay xở trước khi có thể hưởng lợi từ chính sách nếu không muốn bị lâm vào tình trạng đóng cửa, phá sản mà việc giải ngân nguồn tiền 180 ngàn tỷ đồng theo các nhóm hỗ trợ thì chỉ được một phần nhỏ. 

Do vậy, theo các chuyên gia và cộng đồng DN, khi xây dựng chính sách hỗ trợ lần này, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của DN để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đến đúng đối tượng hơn.

Đặc biệt, cần hỗ trợ mạnh về lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế như: chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa... Bởi, việc hỗ trợ lần này không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn vực dậy thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch đi qua.

Văn Gia

Tin xem nhiều