Báo Đồng Nai điện tử
En

Mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả

04:07, 24/07/2020

Mô hình dùng men vi sinh IMO để xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải sinh hoạt, phân trong chăn nuôi đang được nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi trên địa bàn H.Vĩnh Cửu áp dụng. Ưu điểm của loại men này là người dùng tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có.

Mô hình dùng men vi sinh IMO để xử lý mùi hôi từ nước thải, rác thải sinh hoạt, phân trong chăn nuôi đang được nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi trên địa bàn H.Vĩnh Cửu áp dụng. Ưu điểm của loại men này là người dùng tự chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu sẵn có.

Ủ men vi sinh IMO tại điểm UBND xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:H. Lộc
Ủ men vi sinh IMO tại điểm UBND xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu). Ảnh:H. Lộc

Theo đánh giá của Sở TN-MT, đây là mô hình mới, khá hiệu quả trong xử lỳ mùi hôi và chế tạo phân bón. Sở sẽ tiến hành đánh giá và nhân rộng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí hiện nay.

* Nuôi heo không mùi hôi

Hơn 1 năm nay, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn H.Vĩnh Cửu được “giải cứu” mùi hôi nhờ sử dụng men vi sinh theo hướng dẫn của Phòng NN-PTNT và Phòng TN-MT huyện. Ban đầu, họ được cấp phát men vi sinh tại UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa ấp. Về sau, các hộ và trang trại tự làm men vi sinh tại nhà.

Mô hình dùng men vi sinh IMO để xử lý mùi hôi chất thải, sản xuất phân bón và thuốc trừ sâu đang triển khai tại H.Vĩnh Cửu do một chuyên gia nông nghiệp thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao từ cuối năm 2018. Mô hình này ban đầu được thí điểm ở một số trang trại, khu dân cư, sau đó được nhân rộng ra các khu dân cư, trường học, bệnh viện, trang trại chăn nuôi, vùng sản xuất nông nghiệp của 12 xã, thị trấn.

Công thức tạo men vi sinh IMO bao gồm: nước men giống, cám gạo, đường nâu và nước sạch. Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này có thể pha loãng với nước sạch làm nước xịt khử mùi hôi trong không khí; có thể dùng ủ phân bón vi sinh hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Ông Bùi Văn Duyên (ấp 3, xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước đây mặc dù đã dùng nhiều cách như: trộn men vi sinh vào thức ăn, xây hầm biogas, xịt rửa thường xuyên nhưng mỗi lần họp ấp, người dân đều yêu cầu “đóng cửa” trại heo hơn 300 con của ông vì mùi bay khắp xóm. Đó là thực trạng của 2 năm về trước. Từ khi dùng men vi sinh huyện hướng dẫn, mùi hôi giảm hẳn, người dân không còn ý kiến. Đồng thời, mỗi ngày ông Duyên tiết kiệm được 50 ngàn đồng tiền cám men.

Tại xã Tân Bình, từ một điểm ban đầu, đến nay xã triển khai được 7 điểm ủ men và cung cấp men giống cho khoảng 300 hộ dân, trang trại trên địa bàn. Ông Lê Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, từ nguồn men giống xã làm, người dân đã lấy về chế ra 3 loại là: men vi sinh khử mùi hôi rác thải và phân gia súc, gia cầm; ủ phân bón hữu cơ cho cây trồng; chế thuốc bảo vệ thực vật sinh học. “Các ấp, khu dân cư kiểu mẫu của xã đều đang áp dụng cách làm này để xử lý mùi rác, mùi nước thải các cống rãnh” - ông Tài nói.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Phó phòng TN-MT H.Vĩnh Cửu cho biết, mô hình dùng men vi sinh để xử lý mùi hôi của rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi đã được triển khai ở 12 xã, thị trấn. Phòng TN-MT tổ chức tập huấn cho bà con, các trang trại trồng trọt và chăn nuôi công thức, quy trình ủ men tại nhà, cách sử dụng.

Men vi sinh kết hợp với các loại phụ phẩm khác nhau cho ra những sản phẩm công dụng khác nhau. Chẳng hạn gia đình, trang trại chăn nuôi muốn khử mùi hôi thì dùng men giống ủ với cám gạo, đường mía, sữa chua; hộ làm vườn muốn ủ phân bón hữu cơ thì dùng men ủ với cá, vỏ tôm, xác thực vật, thức ăn dư thừa; muốn có thuốc trừ sâu bằng sinh học thì ủ với gừng, sả, tỏi, ớt.

* “Biến” rác thành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, xu hướng sử dụng các chế phẩm sinh học làm phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp được nhiều người quan tâm. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật, giảm bạc màu đất mà còn đảm bảo sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.

Cán bộ môi trường huyện, xã hướng dẫn người dân ủ men vi sinh tại nhà
Cán bộ môi trường huyện, xã hướng dẫn người dân ủ men vi sinh tại nhà. Ảnh:H. Lộc

Anh Trần Thanh Tùng (ấp 2, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho biết, hơn 1 năm nay, anh không tốn tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 6ha lan và bưởi. Được sự hỗ trợ của Phòng NN-PTNT huyện, anh tự làm phân hữu cơ bằng cách dùng nước men vi sinh ủ với thân cây chuối, vỏ và thân cây đậu phộng, bẹ bắp cải, thêm cá, trứng vịt để tạo phân dạng nước tưới cây. Đối với thuốc trừ sâu, anh làm tương tự nhưng ủ với tỏi, ớt, gừng và phun trực tiếp lên lá, thân cây. “Tôi tiết kiệm được 70% chi phí so với dùng phân và thuốc hóa học” - anh Tùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT H.Vĩnh Cửu cho biết, mô hình ứng dụng men vi sinh xử lý mùi hôi chất thải, làm phân bón, thuốc trừ sâu mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Đó là giảm tối đa chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật; chủ động nguồn đầu tư hàng năm; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn.

Về phương diện môi trường, các phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng hết, giảm phát thải; môi trường đất, nước ít bị tác động; giảm ô nhiễm môi trường không khí ở vùng trồng trọt, chăn nuôi, khu dân cư. “Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp H.Vĩnh Cửu năm 2020 đặt mục tiêu cuối năm nay có 50% hộ dân, trang trại sử dụng men sinh học trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền để mô hình này ngày càng nhân rộng” - ông Lộc thông tin.               

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều