Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải làm chuẩn từ con ốc vít

04:05, 07/05/2020

Xác định tư duy "làm ăn lớn", mạnh dạn đổi mới công nghệ, làm đúng quy chuẩn sản xuất tiên tiến, kể cả từ con ốc vít trở đi, là giải pháp mà ông Trương Quốc Cường (50 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Tương lai (H.Long Thành) thực hiện để đưa sản phẩm của doanh nghiệp (DN) mình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xác định tư duy “làm ăn lớn”, mạnh dạn đổi mới công nghệ, làm đúng quy chuẩn sản xuất tiên tiến, kể cả từ con ốc vít trở đi, là giải pháp mà ông Trương Quốc Cường (50 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Tương lai (H.Long Thành) thực hiện để đưa sản phẩm của doanh nghiệp (DN) mình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc Công ty TNHH Tương lai Trương Quốc Cường (bìa trái) giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp với “ông vua ô tô” Trần Bá Dương (giữa)
Giám đốc Công ty TNHH Tương lai Trương Quốc Cường (bìa trái) giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp với “ông vua ô tô” Trần Bá Dương (giữa)

Hiện nay, các sản phẩm hàng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Công ty TNHH Tương lai đã cung ứng được cho nhiều DN trong nước và xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu. Không chỉ vậy, công ty còn vinh dự là một trong 25 DN của Việt Nam tham gia vào chương trình cung ứng toàn cầu do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

* “Theo đuổi” ngành CNHT

Công ty của ông Cường tiền thân là một HTX cao su từ những năm 1980, 1990 do cha ông làm chủ nhiệm, chuyên sản xuất theo kế hoạch các sản phẩm như: vỏ, ruột xe và một số mặt hàng kim khí điện máy... Sau này, HTX làm ăn khó khăn, rút lại quy mô sản xuất thành xưởng nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng.

Tiếp quản cơ sở sản xuất của cha từ năm 2000, sau khi đi “tu nghiệp” làm việc cho nhà máy sản xuất xe máy thuộc Tập đoàn SYM, ông Cường đã có sự thay đổi trong nhận thức, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất ngành hàng CNHT. Kinh nghiệm từ khâu sản xuất lắp ráp đến việc chọn lọc và sử dụng linh kiện từ các nhà máy vệ tinh trong hệ thống tập đoàn SYM giúp ông hiểu rằng ngành CNHT sẽ trở nên rất quan trọng. Từ đó, ông sản xuất và bán các sản phẩm linh kiện nhỏ cho xe máy. Khi thị trường xe máy trong nước bắt đầu bùng nổ với nhiều hãng lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc “nhảy” vào thì ông lại sản xuất túi đồ nghề kèm theo xe, bao gồm các sản phẩm cơ khí đơn giản như: cờ lê, mỏ lết, tuốc nơ vít… để cung cấp ra thị trường. 

Dần dần, ông đầu tư vào sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn từ nhựa, cao su, tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia và thậm chí trở thành một trong số ít những DN CNHT của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng đi Nhật Bản. Hiện mỗi năm, DN sản xuất được 2 triệu sản phẩm, linh kiện. Hơn 80% trong số đó là tiêu thụ nội địa với đối tác là các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp và một số nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, xe ô tô, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.

* Muốn vươn ra thế giới, phải sản xuất đúng quy chuẩn

Theo ông Cường, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố “sống còn” của DN, do vậy công ty đã đầu tư lớn để nhập máy móc hiện đại để sản xuất đúng quy chuẩn mà các đối tác lớn cần. Chỉ tính riêng năm 2019, DN đã đầu tư 50 tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị: máy móc nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm. “Hiện công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Triển vọng để công ty có thể đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành một trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn của thế giới là rất lớn” - ông Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, các tập đoàn lớn yêu cầu rất khắt khe, chính vì vậy ít DN CNHT Việt Nam vào được các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi DN nhỏ thì nguồn vốn mua máy mới 100%, rồi việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý và vận hành tối tân nhất theo yêu cầu của các tập đoàn lớn là rất khó để xoay xở.

Có sản phẩm tốt thôi chưa đủ, mà qua việc tiếp xúc, làm việc với hàng trăm đối tác nước ngoài, vị giám đốc này còn nhận ra rằng bên cạnh chất lượng sản phẩm tốt còn có hàng loạt các thứ liên quan như cách vận hành, máy móc phải bài bản, các tiêu chí về lao động, về ISO, quan hệ với các đối tác... Chính những vấn đề đó còn được coi là yếu tố đầu tiên, thể hiện uy tín của DN nếu muốn làm ăn, hợp tác với đối tác lớn nước ngoài.

Đối với CNHT Việt Nam, ông Trương Quốc Cường cho rằng điểm yếu lớn nhất vẫn là chất lượng nguồn nhân lực của ngành chưa đáp ứng được nhu cầu. Để có thể đạt được các tiêu chuẩn cao, ông phải mất nhiều thời gian và công sức đào tạo. Để làm ra những sản phẩm tinh tế và có chất lượng đòi hỏi những nhân sự có tay nghề cao. May mắn là DN đã xây dựng được hệ thống, quy trình, mã hóa toàn bộ sản phẩm... đảm bảo sản xuất hàng loạt nhưng sản phẩm luôn đạt chất lượng. Đồng thời, công ty có đội ngũ kỹ sư, người lao động có tay nghề kỹ thuật cao để vận hành, kiểm soát những quy trình trên trong khả năng tốt nhất có thể.

Theo kế hoạch năm nay của Sở Công thương, ngành sẽ tiến hành khảo sát các DN thuộc lĩnh vực CNHT trên địa bàn để thực hiện công tác phát triển, hỗ trợ DN theo quy định của Nhà nước. Mục tiêu là hướng dẫn DN thực hiện thủ tục xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho 3 dự án. Đồng thời, hỗ trợ 4 DN nhỏ và vừa ngành CNHT được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 200/2019/NQ-HĐND ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh quy định về việc hỗ trợ chi phí sử dụng hạ tầng, chi phí thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp. Cao su Tương Lai cũng sẽ là một trong số ít DN được ngành Công thương tiến hành khảo sát trong năm 2020.

Văn Gia

Tin xem nhiều