Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

09:05, 18/05/2020

Đồng Nai có nhiều loại nông sản chủ lực như: tiêu, cà phê, điều, cây ăn trái đặc sản... đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, chất lượng tốt, nhưng đầu ra ổn định vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Đồng Nai có nhiều loại nông sản chủ lực như: tiêu, cà phê, điều, nhiều loại cây ăn trái đặc sản... đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, chất lượng tốt nhưng đầu ra ổn định vẫn là bài toán chưa có lời giải.

Sản phẩm trứng gà của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: B.Nguyên
Sản phẩm trứng gà của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi Thanh Đức (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: B.Nguyên

Thời kỳ hậu nông thôn mới, Đồng Nai định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho nhãn hàng hóa và khâu quảng bá với mục tiêu tạo những tên tuổi, thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện.

* Cần nhanh nhạy đón đầu xu hướng

Nhằm lựa chọn được các mặt hàng nông lâm sản chủ lực có sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững, Đồng Nai đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Một trong những nội dung được đề án trên chú trọng là nghiên cứu về thị trường Đồng Nai, thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài tiềm năng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh. Đây là cơ sở để định hướng cho nông dân sản xuất đúng với nhu cầu của thị trường.

Để sản xuất nông nghiệp bắt đúng nhu cầu thị trường, điều quan trọng nhất còn là nông dân phải bỏ lối tư duy chạy theo phong trào trong đầu tư. Ngoài ra, họ cần được cung cấp thông tin đầy đủ cả về đầu vào và đầu ra của thị trường nông sản để đầu tư cho đúng.

Chia sẻ nguyên nhân khiến nông dân mãi luẩn quẩn trong vòng trồng - chặt - trồng, ông Trần Văn Vũ, nông dân tại xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) than thở: “10 năm qua, tôi đã chuyển đổi 3 loại cây trồng, bỏ cây cà phê sang trồng tiêu rồi lại chặt tiêu trồng bưởi da xanh. Hiện tôi lại lo đầu ra cho trái bưởi vì diện tích cây trồng này tăng quá nhanh khiến giá bán thấp hơn nhiều so với vài năm trước. Nông dân chúng tôi khó thoát vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng vì không có điều kiện nắm bắt một cách đầy đủ và đúng thông tin thị trường”.

Cùng nỗi lo, ông Phan Văn Danh, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú (H.Xuân Lộc) nhận xét, các nước trên thế giới họ có hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ về hoạt động đầu tư cũng như nhu cầu thị trường của các loại nông sản nên dự đoán trước được chuyển động của thị trường; thậm chí dự báo khá chính xác sự tăng, giảm cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khi đó, ở Việt Nam, nông dân rất thiếu các kênh thông tin đầy đủ và chính xác về các mặt hàng nông sản nên sản xuất vẫn còn chạy theo phong trào. “Nhà nước cần quan tâm tổ chức lại nguồn dữ liệu thông tin về từng ngành hàng nông sản. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư lớn cũng như nông dân điều chỉnh sản xuất, cân đối cán cân cung cầu” - ông Danh bày tỏ mong muốn.

* Đầu tư cho thương hiệu

Đồng Nai đã triển khai chương trình khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của chương trình là đến cuối năm 2020 có khoảng 200 đơn vị, doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trong nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ngoài nước, kiểu dáng công nghiệp... 

Theo Sở KH-CN, giai đoạn năm 2016-2018, toàn tỉnh có 192 đơn vị được hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 6,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở KH-CN đã tiếp nhận đăng ký của hơn 30 đơn vị tham gia chương trình. Hiện các đơn vị đăng ký đang trong giai đoạn chờ khảo sát, hướng dẫn điều chỉnh các thông tin đăng ký và bổ sung thông tin theo yêu cầu của chương trình để được lập các thủ tục hỗ trợ. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương đã được hỗ trợ đăng ký làm nhãn hàng, nhãn hiệu. Các HTX, nông dân cũng dần chú trọng làm nhãn hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các nông sản địa phương.

H.Xuân Lộc là một trong những địa phương đi đầu trên địa bàn tỉnh trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Tính đến nay, huyện đã hỗ trợ cho 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; 14/14 xã đảm bảo yêu cầu “mỗi xã có ít nhất một nhãn hiệu hàng hóa được chứng nhận”.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc cho biết: “Nhờ được quan tâm đầu tư, nhiều nông sản thế mạnh của địa phương đã được thị trường nhận diện. Đặc biệt, huyện đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, toàn tỉnh có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao thì có 1 sản phẩm là của Xuân Lộc”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, phát triển sản xuất là điều cốt lõi cho ngành nông nghiệp cũng như trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của tỉnh thời gian tới là phát triển sản xuất quy mô hàng hóa lớn, có đầu ra bền vững. Tỉnh đã quy hoạch, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô hơn 50 ngàn hécta các cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, sầu riêng, chôm chôm...

Lê Quyên

Tin xem nhiều