Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: 'Cứu cánh' sau đại dịch

09:05, 25/05/2020

Theo Bộ Công thương, dự kiến đầu tháng 7-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực. Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng EVFTA sẽ là "cứu cánh" để Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Công thương, dự kiến đầu tháng 7-2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực. Chính phủ và các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng EVFTA sẽ là “cứu cánh” để Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường EU của Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: U.Nhi
Sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường EU của Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: U.Nhi

Với Đồng Nai, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn nên các DN cũng rất chờ đợi hiệp định thương mại tự do (FTA) này chính thức có hiệu lực. Như vậy, các dòng thuế xuất khẩu sẽ giảm ngay hoặc giảm dần về 0%, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt tại thị trường EU. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư từ EU vào Đồng Nai sẽ tăng trong thời gian tới.

* EVFTA sẽ sớm có hiệu lực

Ngày 20-5, phát biểu trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA từ giữa tháng 2-2020 và được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào cuối tháng 3-2020. Cuối tháng 4-2020, Hội đồng châu Âu đã gửi thông báo với Việt Nam là EU đã hoàn tất thủ tục về Hiệp định EVFTA. Theo đó Hiệp định EVFTA chỉ đợi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là có hiệu lực với cả 2 bên.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực phía Việt Nam sẽ xóa bỏ 48,5% dòng thuế với hàng hóa của EU, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU và sau 10 năm sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành để chuẩn bị vực dậy nền kinh tế sau dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong thời gian tới sẽ là động lực, cứu cánh để các DN khôi phục sản xuất, xuất khẩu sau dịch để bù lại những thiệt hại trong thời gian qua. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 trên thế giới với gần 2,3 ngàn tỷ USD/năm.  Mức độ mở cửa Hiệp định EVFTA khá cao nên khi có hiệu lực 85,6% dòng thuế sẽ giảm về 0%.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: “Sản phẩm may mặc của công ty xuất khẩu vào EU khá nhiều nên rất mong Hiệp định EVFTA sớm có hiệu lực, thuế về 0% hàng may mặc sẽ tăng được sức cạnh tranh so với mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia khác”.

Hiện Đồng Nai đang xuất khẩu nhiều mặt hàng dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và linh kiện, nông sản vào thị trường EU. Trong EU có 28 nước, song các DN Đồng Nai mới chỉ tập trung vào thị trường Anh, Pháp, Đức, Ý còn các nước khác tuy có giao thương nhưng kim ngạch không nhiều. Vì thế, đây sẽ là cơ hội để DN Đồng Nai mở rộng giao thương với các nước còn lại. EU đang là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai.

* EU đầu tư gần 2,3 tỷ USD vào tỉnh

Đến cuối tháng 5-2020, có 10 quốc gia thuộc EU đã đầu tư vào Đồng Nai gần 2,3 tỷ USD, trong đó dẫn đầu là Hà Lan với gần 759 triệu USD, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ hơn 660 triệu USD và Thụy Sĩ hơn 560 triệu USD. Gần đây, nhiều nhà đầu tư EU đã đến Đồng Nai tìm cơ hội mở rộng và đầu tư mới để đón đầu Hiệp định EVFTA. Trong đó có Tập đoàn Bosch, Tập đoàn Meggitt, Tập đoàn Schaeffer... đã nâng vốn đầu tư thêm vài chục triệu USD để mở rộng sản xuất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, các DN đến từ EU hầu hết có công nghệ hiện đại đáp ứng được những yêu cầu tỉnh đang mời gọi đầu tư. Quan hệ của các công ty có vốn từ EU với người lao động cũng khá tốt, ít xảy ra tranh chấp. Ngoài mở rộng xuất khẩu vào EU thì Đồng Nai cũng xúc tiến đầu tư để mời gọi các DN EU vào tỉnh thực hiện các dự án về công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật...

Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam cũng như Đồng Nai hấp dẫn thêm các nhà đầu tư đến từ những nước khác, vì đây là một trong 2 FTA thế hệ mới lớn nhất của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 20% trong năm nay, năm 2025 tăng gần 43% và năm 2030 hơn 44%. Dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ giúp cho GDP của Việt Nam tăng thêm 2,2-3,2% từ nay đến năm 2023, tăng 4,6-5,3% trong giai đoạn 2024-2028 và còn tiếp tục tăng trong các giai đoạn sau.

Việt Nam dự tính sẽ tiến hành đàm phán FTA song phương với Anh để khi nước này rời khỏi EU thì giao thương giữa 2 nước sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo Bộ Tài chính, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 85,6% các dòng thuế của hàng hóa Việt Nam, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực sẽ xóa bỏ 99,2% thuế cho hàng Việt Nam vào EU, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều