Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Nỗ lực hơn trên chặng đường dài

04:05, 23/05/2020

Sau hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng hóa trong nước đã có nhiều tiến bộ rõ rệt về chất lượng, giá cả, công nghệ, mẫu mã… để cạnh trạnh "sòng phẳng" với những mặt hàng ngoại nhập, hàng liên doanh sản xuất trong nước.

[links()]Sau hơn 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng hóa trong nước đã có nhiều tiến bộ rõ rệt về chất lượng, giá cả, công nghệ, mẫu mã… để cạnh trạnh “sòng phẳng” với những mặt hàng ngoại nhập, hàng liên doanh sản xuất trong nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của H.Định Quán tại một triển lãm quảng bá các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai. Ảnh: H.Quân
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của H.Định Quán tại một triển lãm quảng bá các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai. Ảnh: H.Quân

Cuộc vận động này đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận, suy nghĩ của người dân về hàng Việt, từ chỗ cần “vận động” ưu tiên chọn hàng Việt để ủng hộ doanh nghiệp (DN) trong nước thì đến nay, rất nhiều người tiêu dùng đã mua hàng Việt Nam theo cách tự nguyện mà không cần “vận động”.

Tuy nhiên, để người Việt ngày càng yêu thích, tin dùng hàng Việt vẫn còn là một chặng đường dài, rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền, cũng như những nỗ lực không ngừng của các DN trong nước…

* Doanh nghiệp Việt vượt lên chính mình

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, đại diện Phòng Pháp chế của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa cần quan tâm đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, xuất xứ hàng hóa… để không bị “thất thế” ở thị trường nội địa cũng như tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu.

Tăng cường thông tin cho hàng Việt

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã nhấn mạnh, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều đơn vị, người dân trong tỉnh tham gia.

Để cuộc vận động tiếp tục mang lại hiệu quả cao hơn nữa, các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương liên quan, các cơ quan báo chí cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, DN về cuộc vận động này; lực lượng quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều DN Việt đã tiến hành đầu tư thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm theo hướng hội nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu của sản phẩm trong nước.

Theo đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa), công ty đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa theo công nghệ châu Âu ở P.Tam Phước
(TP.Biên Hòa) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 400 tỷ đồng, đạt công suất gần 30 ngàn tấn sữa/năm.

Tương tự, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) chia sẻ, thị trường nội địa vẫn đang là thị trường chính của công ty. Nhiều năm liền công ty đều đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây được xem thước đo cho sự tín nhiệm của người tiêu dùng trong nước với sản phẩm của công ty. Bên cạnh đó, công ty còn xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ… Để không ngừng nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm, mỗi năm công ty chi khoảng 7-8 tỷ đồng để cải tiến trang thiết bị, máy móc, cập nhật những công nghệ mới vào sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước nói chung và DN ở Đồng Nai nói riêng hiện cũng quan tâm đến xu hướng sản xuất xanh, tạo ra các dòng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Dinh Dưỡng - Nutriworld (H.Thống Nhất) chuyên cung cấp các sản phẩm nấm mèo đóng gói cho hay, trong thời gian qua, công ty chú trọng sử dụng các phương pháp sơ chế theo tự nhiên, hạn chế tối đa việc tác động hóa chất vào quá trình sản xuất. Công ty cũng đã triển khai việc sử dụng bao bì giấy để dần thay thế cho các loại bao bì ny-lông...

Ông Vũ Thanh Tân, Trưởng bộ phận Truyền thông của hệ thống siêu thị BigC nhận định, hiện nay nhiều thương hiệu Việt được bày bán ở các siêu thị của BigC ngày càng quan tâm tới xu hướng sản xuất - tiêu dùng xanh, sạch. Các loại bánh kẹo, đặc sản vùng miền sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, những sản phẩm organic, các loại rau hữu cơ… trở nên phổ biến hơn trên các kệ hàng.

* Đa dạng hóa các kênh kết nối

Những năm qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, nâng cao giá trị thương hiệu cho hàng Việt trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho hàng Việt, sản phẩm địa phương...

Sản xuất trứng gà tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm trứng gà được chọn là sản phẩm OCOP của Đồng Nai
Sản xuất trứng gà tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm trứng gà được chọn là sản phẩm OCOP của Đồng Nai

Sở Công thương đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho nhiều DN, HTX trong tỉnh với các địa phương khác, cũng như nhiều hệ thống bán lẻ, nhất là đối với các mặt hàng thế mạnh của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Công thương Trương Thị Mỹ Dung, trong thời gian tới, Sở sẽ cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xúc tiến thương mại trong khu vực và tham tán ở một số nước, hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, cũng như các sở, ngành, hiệp hội, DN trong tỉnh để mở rộng và phát triển hệ thống phân phối, xuất khẩu; tạo điều kiện hỗ trợ DN đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến chất lượng cao, sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai.

Bên cạnh đó, với sự phát triển công nghệ và sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử, các DN Việt nên ứng dụng công nghệ để tận dụng tối đa việc phân tích xu hướng, hành vi mua sắm mới nhất của người tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, thúc đẩy mua sắm... Đây được xem là một kênh bán hàng tiềm năng, có nhiều điều kiện phát triển.

Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) chia sẻ, bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống, việc hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu hiện nay còn hướng tới phát triển trên các kênh thương mại điện tử.

Sắp tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, lên danh sách các trang thương mại điện tử uy tín để thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình kết nối, khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt, hỗ trợ DN trong tỉnh phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm...

Hải Quân

Tin xem nhiều