Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP

04:03, 04/03/2020

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Đồng Nai khởi động vào cuối tháng 3-2019. Đến nay, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được Đồng Nai khởi động vào cuối tháng 3-2019. Đến nay, toàn tỉnh có 17 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Sản xuất trứng gà tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm trứng gà được chọn là sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Ảnh: H. Quân
Sản xuất trứng gà tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (H.Xuân Lộc) - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm trứng gà được chọn là sản phẩm OCOP của Đồng Nai. Ảnh: H. Quân

Chương trình OCOP góp phần khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng của các đặc sản nông thôn, hướng tới xây dựng những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.

* Nâng cao giá trị cạnh tranh

Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải chọn đúng sản phẩm độc đáo, đặc trưng của Đồng Nai cũng như đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, đặc biệt là các tiêu chuẩn về chất lượng, tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, sản xuất an toàn…

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP phát triển hệ thống phân phối đồng bộ khi tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng các mô hình liên kết gắn chặt giữa sản xuất và tiêu thụ, liên kết hợp tác kinh doanh phát triển thị trường, xây dựng hệ thống đại lý bán hàng, xây dựng mạng lưới cửa hàng nhượng quyền thương mại.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, H.Định Quán) - công ty có sản phẩm là một trong 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của Đồng Nai chia sẻ, sản phẩm của công ty ngay từ đầu đã đi theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại Đồng Nai và xuất khẩu tốt. Bên cạnh việc đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng các công nghệ mới để cải tiến mẫu mã của sản phẩm cũng được công ty chú trọng, tiến hành liên tục để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của thị trường.

“Trong thời gian tới, doanh nghiệp đang tiếp tục bỏ vốn đầu tư cho cả khâu sản xuất cũng như nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế” - ông Khanh nhấn mạnh.

Tương tự, ông Trần Quang Trung, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú) cho biết, sau khi được chọn tham gia chương trình OCOP của địa phương, HTX đang chú trọng phát triển mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 40 ha. HTX hướng đến hoạt động sản xuất hiện đại, khép kín để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững.

* Mở rộng các kênh tiêu thụ bền vững

Theo một số doanh nghiệp, cơ sở tham gia chương trình OCOP, để chương trình được nhân rộng, chính quyền địa phương nên có chính sách đồng bộ trong việc quản lý, chọn lọc đúng doanh nghiệp thực sự chú trọng vào khâu sản xuất theo hướng bền vững, tránh những trường hợp sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, thiếu định hướng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm có các khu, cụm công nghiệp về chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị cạnh tranh, tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn đối với các loại nông sản đặc trưng, thế mạnh của địa phương.

Du khách nước ngoài chọn mua các sản phẩm bột ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) -  một trong doanh nghiệp có sản phẩm bột ca cao được chọn là sản phẩm OCOP đạt chuấn 4 sao của Đồng Nai. (Ảnh: Hải Quân)
Du khách nước ngoài chọn mua các sản phẩm bột ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) - một trong doanh nghiệp có sản phẩm bột ca cao được chọn là sản phẩm OCOP đạt chuấn 4 sao của Đồng Nai. (Ảnh: Hải Quân)

Hơn thế nữa, Đồng Nai đang tập trung phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, hình thành, phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “4 có”: có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao. Hoạt động sản xuất, phân phối sản phẩm gắn với việc thực hiện chương trình OCOP.

Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở Chế biến hạt sen Trường Phát (xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho biết, trước đây cơ sở chủ yếu “bỏ mối” sản phẩm cho các đại lý lớn. Khi được chọn phát triển nhóm sản phẩm theo chương trình OCOP của địa phương gồm: sen sấy, trà hạt sen, trà củ sen. Cơ sở đang chuẩn bị đầu tư dây chuyền sản xuất mới khoảng 1 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đóng gói sản phẩm theo hướng hiện đại để hướng tới phát triển thêm các kênh tiêu thụ mới, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đồng thời, cơ sở đã hoàn thành việc thay đổi mẫu logo, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm.

Ông Trần Quang Trung chia sẻ thêm, vấn đề xây dựng đầu ra cho sản phẩm OCOP là mối quan tâm lớn của HTX, nhất là tìm kiếm các thị trường tiêu thụ, kênh bán hàng bền vững cho các sản phẩm sạch, đạt chất lượng tốt. Do đó, HTX mong muốn có thêm nhiều hoạt động kết nối giao thương với các thị trường lớn, tiềm năng, cũng như có thêm các cầu nối để đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn.

Sở Công thương cho biết, sẽ huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, kinh doanh các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đủ điều kiện vào các kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử.

Hải Quân

Tin xem nhiều