Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển kinh tế chia sẻ ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

04:03, 28/03/2020

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với trước đây. Cùng với các quá trình này, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 và internet vạn vật lại càng góp phần phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những cơ hội kinh doanh mới ở những phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với trước đây. Cùng với các quá trình này, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 và internet vạn vật lại càng góp phần phát triển các mô hình kinh doanh mới, trong đó có kinh tế chia sẻ.

Triip.me sử dụng mô hình như Airbnb, dùng nguồn lực của cộng đồng để xây dựng các tour du lịch trên toàn thế giới
Triip.me sử dụng mô hình như Airbnb, dùng nguồn lực của cộng đồng để xây dựng các tour du lịch trên toàn thế giới

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu phát triển một số ngành sản xuất và dịch vụ tiên tiến. Chính vì vậy, khu vực này đã và đang có nhiều tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ kinh tế chia sẻ.

* Kỳ vọng đem lại vô vàn cơ hội trong nhiều lĩnh vực

Theo TS Trần Minh Tâm, Khoa Lãnh đạo học và chính sách công thuộc Học viện Chính trị khu vực II (TP.HCM), các mô hình kinh tế chia sẻ đều có bản chất là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Thực tế tại thị trường Việt Nam, đã có sự góp mặt của các công ty như: Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob - những mô hình kinh tế chia sẻ được nhiều người sử dụng.

Dù mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng kinh tế chia sẻ đã, đang được kỳ vọng sẽ đem lại vô vàn cơ hội thổi bùng “ngọn lửa” sáng tạo cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Grab là một ứng dụng định vị tự động dùng để đặt và điều phối xe taxi trên điện thoại thông minh. Grab hướng tới mục tiêu cải tiến thị trường taxi địa phương bằng khởi đầu đơn giản, chi phí hiệu quả cho cả hai bên cung (công ty vận tải) và cầu (hành khách). Với công nghệ này, Grab tối ưu hóa quá trình kết hợp với công ty taxi và hành khách.

Airbnb cũng xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014 và nở rộ tại TP.HCM, phát triển sang các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận từ việc cho thuê phòng, nhà. Tại TP.HCM, cùng với một số tỉnh, thành khác, số lượng phòng ngủ, nhà cho thuê đạt trên 1 ngàn phòng.

Bên cạnh đó, một số dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: dịch vụ cung cấp nền tảng cho phép người dùng tự xây dựng tour cung cấp cho khách du lịch khắp nơi trên thế giới (Triip.me), dịch vụ ăn uống, lao động, hàng hóa tiêu dùng; dịch vụ cung cấp ứng dụng điện thoại kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ như: sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng…

 Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức đầy đủ về mô hình kinh tế chia sẻ tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng sự phát triển và những tiện ích của nó mang lại là không thể phủ nhận.

* Vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế số

Kinh tế chia sẻ len lỏi vào nhiều ngành nghề kinh doanh ở mọi lĩnh vực của đời sống, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: xung đột lợi ích với mô hình kinh doanh truyền thống, cạnh tranh không công bằng, tập trung kinh tế, lao động - việc làm, an sinh - xã hội… và nhất là kiểm soát các nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cung cấp dịch vụ.

Chẳng hạn khi thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với một số doanh nghiệp taxi công nghệ báo lỗ, ngành chức năng đã truy thu hàng trăm tỷ đồng. Hay như đối với hoạt động cho vay ngang hàng, một số sàn cho vay hiện nay ấn định lãi vay cao, tiềm ấn nguy cơ “tín dụng đen” núp bóng...

Để phát triển kinh tế chia sẻ bền vững và tận dụng các lợi thế, cơ hội của nó, TS Trần Minh Tâm cho rằng Nhà nước cần công nhận kinh tế chia sẻ là một xu hướng tất yếu trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin. Để làm được điều đó, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp lý và kiểm soát chặt chẽ loại hình kinh doanh mới này tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần phải tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế chia sẻ phát triển đi kèm với các mô hình kinh tế chia sẻ phát triển vì mục đích xã hội. Đồng thời, cần có những đánh giá tác động của từng loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế để có cơ chế quản lý phù hợp.

Phát triển kinh tế chia sẻ không thể không nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2020-2025; xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh tế chia sẻ và truyền thống; đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo thông tin trên môi trường mạng được thực hiện tốt trong bối cảnh kinh tế chia sẻ tăng lên nhanh chóng...

Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, kinh tế chia sẻ với ý nghĩ tích cực và tiềm năng rất lớn được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có thể tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới có phần tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Lâm Viên

Tin xem nhiều