Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi doanh nghiệp đầu tư cho ''sân nhà''

03:03, 06/03/2020

Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu.

Là một nước có nền kinh tế mở, sự tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá trị xuất khẩu hàng hóa hằng năm. Với hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đang có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu.

Ngành gỗ Đồng Nai đang nỗ lực phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Đ.LÊ
Ngành gỗ Đồng Nai đang nỗ lực phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Đ.LÊ

[links()]Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp (DN) quá chú trọng tới thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa lại đang có phần bị hàng ngoại lấn át. Với gần 100 triệu dân, Việt Nam vẫn là thị trường lớn, đầy tiềm năng để DN Việt chiếm lĩnh, khẳng định thương hiệu, đặc biệt khi xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại.

* Bỏ quên… “miếng bánh” lớn

Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam đạt quy mô xuất, nhập khẩu trên trên 514 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là 262,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 248,5 tỷ USD, những con số này tạo cột mốc mới của nền kinh tế.

Ông Phidsanu Pongwatana, Tổng giám đốc điều hành chuỗi siêu thị MM Mega Market:

Trước hết, cần tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa

Với tư cách là chuỗi bán lẻ hàng hóa lớn ở Việt Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại hệ thống 19 trung tâm MM Mega Market trên cả nước. Bên cạnh đó, MM Mega Market cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt sang các thị trường mà tập đoàn đang hoạt động kinh doanh. Sự hợp tác với các đối tác là minh chứng cho chiến lược phát triển kinh doanh bền vững và cam kết gắn bó lâu dài của chúng tôi tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, phải nói thật rằng những nhà sản xuất ở Việt Nam cần hiểu điều tiên quyết để hàng hóa đến được thị trường thế giới thì buộc phải chinh phục thị trường nội địa trước đã. Chỉ khi bạn đã có thế vững chắc ở trong nước thì chắc chắn sẽ có nhiều DN, tập đoàn thế giới chủ động đến hợp tác.

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng thực tế, nhập khẩu cũng bám sát xuất khẩu với sự chênh lệch 11 tỷ USD, chứng tỏ quy mô thị trường hàng hóa của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà sản xuất đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đó là chưa kể thị phần do các DN, nhà sản xuất nội địa cung ứng cho một thị trường gần 100 triệu dân, có nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước hết, phải kể đến mặt hàng vốn được coi thế mạnh của Việt Nam là nông lâm, thủy sản. Năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 40 tỷ USD, song nhập khẩu nông sản của Việt Nam cũng đạt hơn 30 tỷ USD. Riêng với nhóm hàng rau củ quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD thì trị giá nhập khẩu cũng đã bằng một nửa với hơn 1,75 tỷ USD.

Và dù có xuất khẩu được đi các nước trên thế giới thì thực tế là đến hơn 60% giá trị xuất khẩu lại phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Cứ mỗi khi thị trường này có biến động cũng là lúc “điệp khúc” giải cứu nông sản ở nước ta lại bắt đầu. Đó là chưa nói đến, xuất khẩu được số lượng nhiều nhưng giá trị lợi nhuận mang lại chẳng bao nhiêu, nông sản Việt vẫn rất lép vế khi cạnh tranh với các nước, ngay cả những nước lân cận như Thái Lan.

Tương tự, với ngành gỗ, quy mô dân số gần 100 triệu dân được các chuyên giá kinh tế đánh giá thị trường của Việt Nam tương đương thị trường 5-7 nước ở châu Âu gộp lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, kéo theo đó là sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là các căn hộ khiến nhu cầu tiêu dùng nội thất tăng cao. Hiện, quy mô thị trường tiêu dùng nội thất trong nước ước tính trị giá khoảng 5 tỷ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đang là “miếng bánh ngon” mà nhiều DN nội thất nước ngoài nhắm đến.

Trong khi đó, không ít DN chế biến gỗ, sản xuất nội thất của Việt Nam chỉ tập trung cho xuất khẩu mà bỏ ngỏ lượng lớn khách hàng ngay tại sân nhà.

Quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng tại nhà máy sữa của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa) Ảnh: HẢI QUÂN
Quy trình sản xuất sữa tươi thanh trùng tại nhà máy sữa của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa). Ảnh: HẢI QUÂN

“Ngành sản xuất gỗ trước nay có một nghịch lý là hầu hết các công ty có quy mô lớn một chút đều sản xuất cho nước ngoài, còn người dân thì chưa thực sự được hưởng những sản phẩm tốt, giá tốt. DN xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài trong khi người dân phải mua lại với giá cao” - ông Trần Nhân Giáp, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng kiến trúc nội thất truyền thông Gold Home (TP.Biên Hòa) cho hay.

Câu chuyện nêu trên cũng lặp lại với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như quần áo, giày dép. Ngoại trừ một số đơn vị sản xuất lớn có thương hiệu ở nội địa, hầu hết các DN của Việt Nam cũng như Đồng Nai đều đang chủ yếu làm gia công xuất khẩu. Ngay cả các DN cung cấp hàng ở thị trường nội địa cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài. Bởi đi cùng với các FTA, để thực hiện các cam kết, thị trường nội địa ngày càng mở cửa rộng hơn cho hàng ngoại, đồng nghĩa sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Đó là chưa kể tình trạng hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan lại được gắn mác là hàng Việt, hàng hiệu…

* Tìm cách chiếm lĩnh lại thị trường nội địa

Trong những ngày “điêu đứng” với nông sản khi không xuất khẩu được sang Trung Quốc vì dịch Covid-19, Bộ Công thương đã phải họp khẩn để tìm cách kết nối các DN phân phối lớn với các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, đây là giải pháp tình thế, nhưng cũng phải là chiến lược lâu dài. Với việc kết nối tiêu thụ nông sản, trước khi thúc đẩy xuất khẩu, cần tập trung vào thị trường trong nước với sức mua của 100 triệu dân đầy tiềm năng. Bộ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt và cung cấp thông tin thị trường, giá cả, chủng loại, chất lượng, số lượng từng mặt hàng để DN, thương nhân phân phối, bán lẻ thuận tiện trong việc chuẩn bị nguồn hàng.

Liên quan đến thị trường trong nước, GS-TS.Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận xét, bất cứ mỗi DN nào cũng đều phải tính toán kỹ tới nhu cầu thực sự ở thị trường trong nước. Với sản phẩm nông nghiệp, đừng nghĩ trong nước có yêu cầu với sản phẩm thấp, bởi như vậy là sai lầm. Hiện nay các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, rất cần DN, nhà sản xuất dành hàng ngon, ưu tiên phục vụ trước hết cho thị trường trong nước.

“Muốn tiếp cận tốt nội địa, DN phải cho người tiêu dùng thấy sản phẩm Việt Nam an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính nên hoàn toàn có thể yên tâm. Bên cạnh đó cần xúc tiến thương mại ngay tại nội địa để hàng hóa đến được người tiêu dùng” - ông Sơn cho biết.

* Hàng Việt phải đủ sức cạnh tranh

Nâng cao giá trị hàng Việt ngay tại thị trường nội địa, phải bán những mặt hàng tốt nhất có thể cho người tiêu dùng Việt Nam cũng là cách mà ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình Minh (H.Vĩnh Cửu) thực hiện với nhãn hiệu giày Prowin.

Theo ông Vũ, giày dép Việt Nam cạnh tranh rất lớn với giày dép ngoại, ngay cả các tên tuổi lớn cũng khá chật vật trong việc giữ và phát triển thị trường. Chính vì vậy, trong khi phát triển thị trường nội địa, DN của ông Vũ vẫn nhận thêm các đơn hàng gia công từ nước ngoài, vừa giúp tăng doanh thu, vừa là cơ hội học hỏi, cập nhật thêm công nghệ, cách thức sản xuất mới từ những thương hiệu lớn. Hiện sản lượng giày tại xưởng đã đạt hơn 500 ngàn đôi/năm, sản phẩm nhanh chóng “phủ sóng” khắp các tỉnh, thành cả nước vì khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã với các dòng hàng từ trung bình đến cao cấp.

Trong ngành gỗ, mục tiêu của các DN gỗ nội Đồng Nai là sẽ cân bằng hơn thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước bởi hiện nay hàng trăm đơn vị sản xuất đang chú trọng xuất khẩu hơn nội địa. Không chỉ vậy Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) đang muốn biến tham vọng “kéo thế giới gỗ về Đồng Nai” trở thành hiện thực.

Để làm được việc đó, nhiệm vụ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững đang được Dowa đặt lên hàng đầu. Theo đó, sẽ có các trung tâm triển lãm hàng hóa và năng lực sản xuất của DN; phát triển đầu mối đưa hàng hóa của DN ra thị trường nội địa bằng cách thiết lập các trung tâm phân phối và kênh tiêu thụ trong nước.

“Chủ trương của Dowa trong những năm tới là “kéo thế giới gỗ về Việt Nam”, mục tiêu là tăng lực của các DN trong hiệp hội, liên kết DN từ cung ứng nguyên liệu, máy móc đến sản xuất, phân phối sản phẩm” - ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai kỳ vọng.     

Đào Lê

Tin xem nhiều