Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đã hết dịch tả heo châu Phi

04:03, 28/03/2020

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản công bố 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi. Công bố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản công bố 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi. Công bố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Người chăn nuôi bắt đầu tái đàn, khôi phục sản xuất khi dịch tả heo châu Phi được khống chế. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) tái đàn. Ảnh: B.Nguyên
Người chăn nuôi bắt đầu tái đàn, khôi phục sản xuất khi dịch tả heo châu Phi được khống chế. Trong ảnh: Một hộ chăn nuôi heo ở xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) tái đàn. Ảnh: B.Nguyên

Với việc khống chế được dịch tả heo châu Phi, các địa phương của Đồng Nai cũng đang tích cực tái đàn, đầu tư để khôi phục chăn nuôi trên cơ sở đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế rủi ro tái phát dịch này.

* Tạo thuận lợi cho tiêu thụ thịt heo

Khi trên địa bàn tỉnh xảy ra dịch tả heo châu Phi, việc tổ chức tiêu thụ heo cũng gặp nhiều khó khăn. Các trang trại, doanh nghiệp muốn bán heo phải lấy mẫu xét nghiệm và chỉ khi có giấy xét nghiệm âm tính với dịch tả heo châu Phi mới đủ điều kiện bán heo ra thị trường. Thời gian qua, do dịch tả heo châu Phi xảy ra trên diện rộng, việc xét nghiệm mẫu dịch tả heo châu Phi chỉ có một số đơn vị đủ điều kiện thực hiện nên xảy ra hiện tượng quá tải, người chăn nuôi mất nhiều thời gian và chi phí để có được giấy xét nghiệm chứng nhận heo không bị dịch.

Theo Sở NN-PTNT, các trang trại muốn tái đàn hiện phải đăng ký với chính quyền địa phương và chỉ được tái đàn khi đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn, nhất là chăn nuôi trong khu dân cư, ngành nông nghiệp khuyến khích họ chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác phù hợp hơn.

Ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trường Giang Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây, hộ chăn nuôi nhỏ muốn bán ra thị trường 10 con heo cũng phải lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh heo không bị dịch tả và thông thường nếu nhanh cũng mất cả tuần mới có kết quả xét nghiệm nên gặp rất nhiều khó khăn. Người chăn nuôi đã khốn khó vì thiệt hại do dịch lại càng khó khăn trong tiêu thụ do quy định xét nghiệm này. Việc Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi mang lại thuận lợi rất lớn cho các cơ sở chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) cho biết, ngay khi UBND tỉnh ban hành quyết định công bố hết dịch tả heo châu Phi, hiện thịt heo tiêu thụ trong nội tỉnh đã không cần phải có giấy xét nghiệm dịch tả. “Văn bản Đồng Nai công bố hết dịch cũng là cơ sở rất tốt để doanh nghiệp làm việc lại với các hệ thống siêu thị về việc bỏ yêu cầu phải có xét nghiệm dịch tả heo châu Phi, góp phần giảm chi phí và khó khăn cho doanh nghiệp” - bà Hương nói.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (H.Xuân Lộc), hiện trung bình mỗi ngày có hơn 10 xe (tương đương từ 1.500-2.000 con) heo giống và heo thịt từ Đồng Nai cung cấp cho các tỉnh miền Trung. Khi có văn bản Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi, hồ sơ, thủ tục xuất heo của tỉnh không yêu cầu phải có giấy xét nghiệm về dịch này. Tuy nhiên, một số tỉnh nhập heo vẫn yêu cầu thương lái, doanh nghiệp cung cấp giấy xét nghiệm không bị nhiễm dịch, Đồng Nai nên gửi văn bản công bố hết dịch tả heo châu Phi cho các tỉnh, thành khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương lái trong việc vận chuyển, tiêu thụ heo ngoại tỉnh.

* Giữ an toàn sinh học khi tái đàn

Cùng với việc dịch tả heo châu Phi được khống chế, các cơ sở, người chăn nuôi đang tính đến việc tái đàn, trong đó, đi đầu là các doanh nghiệp lớn. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh, hiện tổng đàn heo của tỉnh đạt trên 1,8 triệu con, tăng hàng trăm ngàn con so với giai đoạn cao điểm dịch tả heo châu Phi.

Huyện Xuân Lộc là một trong những địa phương không bị thiệt hại quá nặng nề do dịch tả heo châu Phi nên khi tình hình dịch bệnh được khống chế, hàng chục cơ sở chăn nuôi đã tái đàn. Với tổng đàn heo hiện trên 385 ngàn con, địa phương này đã tăng hàng ngàn con so với cao điểm xảy ra dịch.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, từ cuối năm 2019, Xuân Lộc đã khống chế được toàn bộ các ổ dịch tả heo châu Phi đồng thời công bố hết dịch. Tuy nhiên, địa phương vẫn tập trung cho công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, hạn chế thấp nhất rủi ro tái phát dịch bệnh này. Việc tái đàn khôi phục sản xuất được địa phương đặc biệt quan tâm, tuy nhiên chỉ khuyến khích những cơ sở đảm bảo an toàn sinh học.

Cùng quan điểm, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, công tác tái đàn, phục hồi chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi được địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư tái đàn hiện chủ yếu ở các trang trại lớn; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tái đàn do không đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều