Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp gấp rút tìm thị trường mới

09:03, 30/03/2020

Từ đầu tháng 4-2020, nhiều doanh nghiệp (DN) là khách hàng, đối tác của các DN xuất khẩu của Đồng Nai tại Mỹ, châu Âu tạm dừng nhập khẩu hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm thêm những thị trường khác thay thế để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu.

Từ đầu tháng 4-2020, nhiều doanh nghiệp (DN) là khách hàng, đối tác của các DN xuất khẩu của Đồng Nai tại Mỹ, châu Âu tạm dừng nhập khẩu hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện các DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tìm thêm những thị trường khác thay thế để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo Cục Hải quan Đồng Nai, khảo sát ở những DN xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy đa số DN đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, song nhiều DN vẫn cố gắng mở rộng thị trường nhằm ổn định sản xuất, vượt qua “sóng gió”.

* Có thể tạm dừng nhập hàng một thời gian

Hiện nay, nhiều DN ngành dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ tại Đồng Nai đang phải ứng phó với nhiều khó khăn cùng lúc. Đầu tiên là phòng, chống dịch bệnh tốt để đảm bảo sản xuất. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hạn chế đi lại nhưng các DN vẫn phải xúc tiến thương mại, tìm thêm đối tác khác trong nước, nước ngoài để đầu ra không bị ách tắc khi nhiều DN Mỹ, châu Âu tạm ngưng nhập hàng. Đây là thử thách lớn với các DN trên những lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các ngành chủ lực.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu. Mới đây, các DN ký hợp đồng với công ty đều thông báo sẽ tạm ngưng nhập hàng, lý do là dịch Covid-19 khiến thị trường những nước trên tiêu thụ hàng hóa rất chậm. Hiện công ty đang tìm thêm những đối tác mới để tiếp tục duy trì sản xuất đảm bảo thu nhập cho người lao động”.

Theo ông Hoàng, Công ty CP Đồng Tiến có hơn 9 ngàn cán bộ, công nhân viên, áp lực đảm bảo thu nhập đời sống cho họ rất lớn. Vì thế, nếu Chính phủ kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ cho DN lúc này sẽ tiếp thêm sức mạnh để DN vượt qua khó khăn.

Mỹ và châu Âu là hai thị trường lớn của Đồng Nai, chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, tìm những thị trường khác thay thế trong một thời gian ngắn cũng là thách thức với các DN. Tuy nhiên, các DN Đồng Nai có lợi thế là hàng hóa xuất được sang Mỹ, châu Âu vốn dĩ đòi hỏi rất cao về chất lượng nên khi tìm những đối tác ở nước khác sẽ thuận lợi hơn. Theo đó, hàng hóa của Đồng Nai có thể chuyển hướng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Canada...

Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Đại Nam (H.Long Thành) Ông Duy Dịu chia sẻ: “Hầu hết các khách hàng từ châu Âu, Mỹ đã thông báo tạm ngưng nhập khẩu sản phẩm gỗ của công ty và nhiều công ty khác. Công ty đang phải tìm đối tác ở những thị trường khác nhằm duy trì sản xuất, xuất khẩu. Sản phẩm của công ty đã bán được ở thị trường châu Âu, Mỹ nên cũng dễ hơn một chút trong việc tìm đối tác ở các nước khác”.

* Vững vàng đối mặt với khó khăn

Hàng hóa của Đồng Nai hiện đã xuất khẩu vào được 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng lâu nay chỉ tập trung ở những thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Dịp này cũng là lúc để các DN trên địa bàn tỉnh xem xét điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, xuất khẩu với các thị trường cho phù hợp để tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường lớn. Vì vậy, các DN đang gấp rút khai thác thêm những thị trường lâu nay chưa chú trọng để tăng khả năng tiêu thụ. Bên cạnh đó, có những DN quan tâm hơn đến thị trường ở nội địa. 

Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Nguyễn Phúc Thọ cho biết: “Trong 15 DN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh chỉ có Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 và Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (H.Long Thành) là ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn lại hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng”. Cũng theo ông Thọ, hiện Cục Hải quan Đồng Nai đang hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục xuất nhập khẩu để các DN có thể dễ dàng nhập khẩu nguyên liệu và mở rộng được thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Quốc Bảo, Quản lý sản xuất Công ty CP giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khách hàng phía Mỹ và châu Âu thông báo tạm dừng đơn hàng từ cuối tháng 4-2020. Vì thế, công ty đang tiến hành đàm phán với những khách hàng ở nước khác để có thêm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, giày dép xuất khẩu qua mỗi thị trường đều có những đặc điểm riêng, do đó công ty phải nhanh chóng tìm hiểu  để điều chỉnh cho phù hợp”.

Theo ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương, Sở đã gửi hơn 200 mẫu thống kê cho các DN, Hiệp hội DN trên địa bàn tỉnh và yêu cầu báo cáo khó khăn, vướng mắc và những đề xuất. Các mẫu thống kê đã được gửi cách đây 2 tuần và Sở đang tổng hợp phân loại những khó khăn, kiến nghị của DN để trình UBND tỉnh và Bộ Công thương để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ DN.

Hương Giang

Tin xem nhiều