Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa cung, gà công nghiệp lại rớt giá

04:02, 10/02/2020

Khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá gà công nghiệp liên tục giảm và hiện đang ở mức 13-14 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Khoảng 10 ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá gà công nghiệp liên tục giảm và hiện đang ở mức 13-14 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Ngoài việc phải gồng mình gánh lỗ, người chăn nuôi đang đứng trước rủi ro lớn về nguy cơ dịch cúm gia cầm.

Giá vịt cũng giảm sâu do thị trường tiêu thụ đang chựng lại trong khi người chăn nuôi lại ồ ạt tăng đàn vịt trong thời gian qua. Trong ảnh: Trại nuôi vịt công nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh:B.Nguyên
Giá vịt cũng giảm sâu do thị trường tiêu thụ đang chựng lại trong khi người chăn nuôi lại ồ ạt tăng đàn vịt trong thời gian qua. Trong ảnh: Trại nuôi vịt công nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh:B.Nguyên

Chỉ trong vòng vài tháng, giá gà công nghiệp đã có 2 lần giảm sâu, 2 lần giảm giá này có cùng nguyên nhân là bị khủng hoảng thừa do người chăn nuôi tăng đàn ồ ạt.

* Thịt gà “dội” chợ

Theo người chăn nuôi, trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường là giai đoạn thấp điểm của thị trường gà công nghiệp do các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học nghỉ Tết. Năm nay, thời gian nghỉ Tết kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra khiến đầu ra của gà công nghiệp bị “chựng” lại. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng thừa của gà công nghiệp chủ yếu do thời gian qua, tổng đàn gia cầm tăng quá nhanh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến cuối tháng
12-2019, tổng đàn gia cầm của Đồng Nai đạt gần 27,8 triệu con, tăng trên 20,6% so cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn gà đạt gần 25,7 triệu con, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng là do trước đó, gà công nghiệp bán được với giá cao vì nhu cầu tiêu thụ thịt gà ngoài thị trường tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. 

Ông Nguyễn Văn Nhẫn, chủ trại nuôi gà công nghiệp tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) lo lắng, vài tuần nay, gà, vịt công nghiệp đều giảm dưới giá thành sản xuất nhưng thương lái hầu như ngừng mua vì các bếp ăn công nghiệp, trường học chưa hoạt động trở lại. Hiện nhiều trại đang ùn ứ gà, vịt đến tuổi xuất chuồng khiến người chăn nuôi lo lắng. Nhiều trang trại đang giảm cho gà ăn để kéo dài lứa xuất chuồng tiếp theo nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời không mấy hiệu quả.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nhận xét, tình hình người chăn nuôi hiện nay rất bi đát vì vài tháng trước đó, họ phải chịu  một đợt thua lỗ lớn do giá gà xuống thấp, nay chưa kịp gượng lại thì phải đối mặt với cơn khủng hoảng thừa mới. Dự báo thời gian tới, thị trường tiêu thụ cũng như giá các mặt hàng gia cầm, đặc biệt là gà công nghiệp khó khôi phục ngay vì diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) ngày càng phức tạp.

* Rủi ro dịch bệnh lớn

Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa ban hành Công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Dịch cúm gia cầm hiện đang lây lan ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng đã xuất hiện 1 ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh vào đầu năm nay và kết quả xét nghiệm trong cả nước, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là trên 37,7%, trong đó có nhiều mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1 và A/H5N6.

Gà công nghiệp lại rơi vào cơn khủng hoảng thừa mới. Ảnh: Trại gà công nghiệp tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên
Gà công nghiệp lại rơi vào cơn khủng hoảng thừa mới. Ảnh: Trại gà công nghiệp tại huyện Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Mặt khác, hiện nay tổng đàn gia cầm trong cả nước rất lớn, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; việc tổ chức tiêm vaccine cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ nên nguy cơ bùng phát cúm gia cầm là rất lớn.

Do tổng đàn gia cầm tăng cao, một số địa phương của Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn về nguồn vaccine hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi gia cầm. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất chia sẻ, cuối năm 2019, tổng đàn gia cầm của huyện tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái nên địa phương đã báo lên tỉnh về tình hình thiếu nguồn vaccine dự phòng, đặc biệt là với dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, đến nay, địa phương vẫn chưa được cấp thêm nguồn vaccine bổ sung khiến công tác phòng dịch, bệnh trên gia cầm gặp không ít khó khăn.

Cùng nỗi lo, ông Bùi Công Dũng, chủ trại nuôi gà tại xã Bình An (huyện Long Thành) cho biết, thường các hộ chăn nuôi nhận được vaccine phòng dịch do Nhà nước hỗ trợ vào 2 đợt đầu năm và cuối năm. Nhưng đầu năm nay, nguồn vaccine hỗ trợ này được cấp trễ hơn mọi năm. Ông Dũng lo lắng: “Trang trại tôi sắp nhập lứa gà giống mới. Với tình hình dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm phức tạp như hiện nay, chúng tôi rất mong sớm được nhận vaccine hỗ trợ để bảo vệ đàn gà trước rủi ro dịch bệnh”.

Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ khuyến cáo: “Ngoài tiêm phòng, người chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh. Nguồn cung gà, vịt hiện đang lớn hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, người chăn nuôi nên chủ động điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích