Báo Đồng Nai điện tử
En

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Yêu cầu cấp bách

03:02, 28/02/2020

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam đang nỗ lực để từng bước đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường...

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam đang nỗ lực để từng bước đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một số bạn hàng truyền thống, thị trường lớn. Kết quả của nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là nước ta đã và đang ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các đối tác quốc tế. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt mốc 500 tỷ USD năm 2019.

Nông sản Việt vẫn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu ra thế giới
Nông sản Việt vẫn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: V.Gia

[links()]Cơ hội mở rộng thị trường thông qua các FTA là rất lớn, song theo khuyến cáo của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cần thận trọng, đánh giá đúng nhu cầu thị trường và lựa chọn đối tác xuất khẩu uy tín để tránh rơi vào tranh chấp thương mại, thậm chí lừa đảo khi làm ăn với quốc tế.

* Rủi ro khi quá phụ thuộc một vài thị trường

Đầu năm 2020, nông sản của Việt Nam phải liên tục kêu gọi “giải cứu”  do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), Trung Quốc đóng cửa một số cửa khẩu. Hàng loạt mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu, chuối, bưởi... rớt giá thảm hại. Suốt 1 tháng trời, nhà nhà, người người “giải cứu” nông sản, từ siêu thị đến doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội đều kêu gọi “giải cứu”.

Trong nhiều năm trước nữa, năm nào ngành nông sản Việt Nam cũng gặp tình trạng được mùa mất giá do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thực tế đó cho thấy, nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam xét về mặt vĩ mô vẫn chưa phát triển bền vững. Toàn bộ nền kinh tế có quy mô chỉ hơn 260 tỷ USD nhưng hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc đã ở 100 tỷ USD, chiếm tỷ lệ lớn so với tổng GDP. Nói cách khác, mức độ phụ thuộc của kinh tế Việt Nam khá cao. Một khi đất nước 1,4 tỷ dân này bị “hắt hơi sổ mũi” như vừa qua thì kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá lớn.

Nông sản Việt vẫn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu ra thế giới Ảnh: VĂN GIA
Nông sản Việt vẫn gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu ra thế giới Ảnh: VĂN GIA

Không chỉ nông sản mà hầu như phần lớn các nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp ở nước ta đang phụ thuộc phần lớn ở thị trường Trung Quốc. Đơn cử như ngành may mặc, nếu tình hình dịch Covid-19 kéo dài còn làm sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến cả thị trường thứ 3. Sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Liên minh châu Âu (EU), Mỹ nhưng phần lớn nguyên, vật liệu dệt may lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Dịch tác động cả trực tiếp và gián tiếp, kể cả xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới và cả thương mại nội địa.

Trên bình diện địa phương, năm 2019, Đồng Nai xuất khẩu khoảng 19,5 tỷ USD hàng hóa ra các nước trên thế giới. Những ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai là giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Năm 2020, kế hoạch của Đồng Nai với các mặt hàng chủ lực sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 12,2 tỷ USD, chiếm gần 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng chủ lực năm nay dự tính sẽ tăng thêm hơn 1 tỷ USD so với năm 2019.

Hàng hóa Đồng Nai đã vào được 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy đã vào được nhiều thị trường nhưng trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn lệ thuộc vào một số thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm gần 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Trung Quốc 11%, Nhật Bản 11%, châu Âu 7%... Vì vậy, nếu những nước trên có sự thay đổi về chính sách hoặc biến động về thị trường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai.

* Tìm cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Để đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào những thị trường lớn, nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương, tìm kiếm cơ hội cho hàng hóa của DN trong nước.

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 14 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 2 FTA đang đàm phán. Đây là những FTA thế hệ mới, có những ưu đãi tốt hơn. Các FTA nói trên đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường. “Độ mở” này tạo điều kiện tối đa cho các DN Việt Nam mở rộng, tiếp cận thị trường toàn cầu, thay vì phụ thuộc vào một vài thị trường.

Đồ họa thể hiện tỉ trọng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng trong năm 2019. (Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện tỉ trọng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng trong năm 2019. (Thông tin: Vương Thế - Đồ họa: Hải Quân)

Đánh giá về hiệu quả của các FTA song phương, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tương đối nhanh trên một số thị trường đã ký kết FTA. Đơn cử như xuất khẩu vào Chile và Hàn Quốc tăng bình quân đến 29%/năm, thị trường Ấn Độ tăng trưởng bình quân đến 36%/năm, đưa Việt Nam từ vị thế một nước nhập siêu thành một nước xuất siêu vào Ấn Độ.

Trong số các FTA đã được ký kết, Việt Nam đặc biệt kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bởi đây là các đối tác bao gồm rất nhiều quốc gia. Tuy mới có hiệu lực từ giữa tháng 1-2019 nhưng CPTPP đã giúp xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường nội khối như Canada tăng 28,2%, đạt 3,86 tỷ USD; Mexico tăng 26,8%, đạt 2,84 tỷ USD và Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào thị trường CPTPP.

Đối với EVFTA (vừa được Nghị viện châu Âu thông qua) sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở được cánh cửa lớn vào thị trường EU, góp phần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu với hàng chục nước thuộc khối, tránh phụ thuộc vào số ít thị trường lớn. Điều này đặc biệt quan trọng với các mặt hàng nông sản. Với dân số hơn 500 triệu người, châu Âu chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. Hiện nay, giá xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu mới đạt trên 40 tỷ USD, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỷ USD. Điều này cho thấy, khi EVFTA đi vào thực thi, nông sản Việt còn rất nhiều dư địa để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

* Cần “biết mình, biết người”

Sở dĩ những năm trước đây, hàng hóa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường khá dễ tính hơn so với các thị trường lớn, phát triển khác trên thế giới. Bên cạnh đó, vị trí địa lý gần kề, gần gũi về nhu cầu hàng hóa nên DN Việt Nam dễ tiếp cận. Hiện nay, với các FTA thế hệ mới, DN có nhiều cơ hội để tìm hiểu thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức.

Các thị trường như Mỹ, Nhật, EU là những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới nên DN cần hướng đến những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt. Làm được điều này, DN sẽ không chỉ có lợi nhuận mà còn có cơ hội đầu tư vào nhân lực, công nghệ sản xuất, trình độ quản lý, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, với các DN mới tiếp cận các thị trường tiềm năng, cần nghiên cứu kỹ các yếu tố thị hiếu khách hàng, tính phù hợp, giá cả và khả năng cạnh tranh với các đối thủ để quyết định phương thức xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp cho phù hợp.

Không chỉ phải nghiên cứu thị hiếu từng thị trường, chính sách ưu đãi của từng hiệp định mà các DN làm xuất khẩu còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là lừa đảo và các hoạt động tranh chấp thương mại, đầu tư. Với những thị trường xa xôi, ít thông tin như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, DN phải rất cẩn trọng, bởi hầu như năm nào cũng có các DN bị “đối tác ma” lừa đảo, gây thiệt hại lớn. Điều này, theo Bộ Công thương và các hiệp hội, trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, nhiều DN xuất khẩu đã tìm đến và hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Sự lơ là đó thể đem đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.

Việc giao dịch giữa các DN thường diễn ra trên mạng, nhiều DN Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng ngàn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin về đối tác. Chính vì vậy rất dễ bị sập bẫy các đối tượng lừa đảo, thậm chí là các trang web giả mạo và những “công ty ma”.

Để tránh thiệt hại, các chuyên gia khuyến cáo, DN phải thận trọng với các điều khoản hợp đồng và phải chú trọng đến việc nhận diện cũng như phân loại rủi ro mà việc ký kết có thể xảy ra để có các biện pháp phòng vệ.

“Thị trường quốc tế có rất nhiều đối tác hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu. Khi làm ăn với thế giới cần phải cẩn trọng trong hợp đồng. Ngoài thông tin thị trường thì tính pháp lý, thông tin về DN đối tác tại nước sở tại, năng lực của họ cũng phải nắm rõ. Nếu chủ quan, DN có thể vấp phải các vụ lừa đảo và tranh chấp thương mại mà phần nhiều chịu thiệt là ở chúng ta” - bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) khuyến cáo.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều