Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng xuất khẩu trái cây vào thị trường khó tính

03:01, 02/01/2020

Thời gian gần đây, diện tích trồng cây ăn trái của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung không ngừng tăng nhanh. Cụ thể, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 54 ngàn hécta, tăng hàng ngàn hécta so với vài năm trước đó...

Thời gian gần đây, diện tích trồng cây ăn trái của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung không ngừng tăng nhanh. Cụ thể, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 54 ngàn hécta, tăng hàng ngàn hécta so với vài năm trước đó. Diện tích cây ăn trái tăng “nóng” tiềm ẩn nhiều rủi ro về đầu ra, thị trường tiêu thụ.

Đồng Nai đang phát triển nhanh diện tích thanh long. Trong ảnh: Vựa thanh long tại chợ Long Thành, huyện Long Thành. Ảnh: Bình Nguyên
Đồng Nai đang phát triển nhanh diện tích thanh long. Trong ảnh: Vựa thanh long tại chợ Long Thành, huyện Long Thành. Ảnh: Bình Nguyên

[links()]Đồng Nai phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái có tiềm năng xuất khẩu tốt. Nhưng để mở rộng kênh xuất khẩu cho trái cây, đặc biệt trong giai đoạn cả những thị trường dễ tính cũng đang nâng chuẩn, thay đổi về tiêu chuẩn nhập khẩu đòi hỏi cả doanh nghiệp và nông dân phải thay đổi từ tập quán sản xuất đến hoạt động kinh doanh, phát triển thị trường.

* Chọn đúng trái cây thế mạnh

Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trong 2 năm trở lại đây, Liên minh HTX đã hỗ trợ gần 160 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản, có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao... Đây cũng là định hướng phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian tới. Ngoài ra, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã và đang tham gia tích cực trong xây dựng phát triển nhiều vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn GAP. Sự chuyển biến trong sản xuất này nhằm góp phần tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới cho nông sản Việt.

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất về mặt hàng trái cây Việt Nam. Nông dân cũng đang chạy theo đầu tư diện tích cây ăn trái dựa theo nhu cầu tăng, giảm của thị trường chính này. Tuy nhiên, chính họ lại mù mờ về nhu cầu thực sự của thị trường họ đang nhắm đến.

 Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) - doanh nghiệp đang đầu tư dự án cánh đồng lớn cây chuối cấy mô xuất khẩu tại huyện Trảng Bom cho lời khuyên, nông dân trong thời hội nhập này không chỉ cần sản xuất giỏi mà phải nắm rõ cả về tình hình thị trường, nhất là hiểu chi tiết, cụ thể nhu cầu của thị trường mà mình hướng đến.

Nông dân chỉ biết trái chuối, thanh long, sầu riêng... xuất khẩu mạnh đi Trung Quốc là đua nhau trồng mà không để ý là thực tế nông dân nước họ trồng được rất nhiều loại nông sản Việt Nam đang trồng và trồng tốt hơn mình. Do đó, vào vụ thu hoạch của nước họ, Trung Quốc không nhập hàng mà có khi còn xuất ngược trở lại thị trường Việt Nam nhiều loại nông sản như: cam, khoai tây, ớt, tỏi... ”Để không rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng, người nông dân phải tìm hiểu khi nào thị trường Trung Quốc cần nhập nông sản gì, nhập bao nhiêu và khi nào họ xuất ngược trở lại để chủ động điều chỉnh sản xuất” - ông Huy nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho rằng: “Chọn cây trồng, vật nuôi thế mạnh cho Đồng Nai cần dựa trên tầm nhìn phát triển của những giai đoạn tiếp theo chứ không phải chỉ trên thực trạng hiện nay”. Hiện lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Các loại cây ăn trái như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; nhiều loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu trái cây để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh này.

* Từ bỏ những “ngộ nhận” trong sản xuất     

Đầu tư làm trái cây xuất khẩu, nông dân thường bỏ chi phí cao hơn để có tỷ lệ trái lớn, đẹp. Ông Dương Công Huấn, nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Giá thanh long loại 1 bán cho thương lái xuất khẩu thường cao hơn hẳn hàng bán nội địa. Chính vì vậy, tôi thường đầu tư phân, thuốc nhiều hơn, đặc biệt là xử lý vuốt tai, xịt thuốc cho trái đẹp để bán cho thương lái đóng hàng xuất khẩu”.

Một vựa xoài ở xã La Ngà (huyện Định Quán) đóng xoài xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên
Một vựa xoài ở xã La Ngà (huyện Định Quán) đóng xoài xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, ý kiến của những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lại cho rằng, nhiều thói quen của nông dân trồng trái cây nói chung, thanh long nói riêng đã không còn phù hợp với nhu cầu mới của thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc đang siết lại tiêu chuẩn về chất lượng qua việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

Ông Bùi Xuân Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên khoa học công nghệ Hoàn Vũ (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) nêu ví dụ: “Tôi gặp một khách hàng Nhật Bản, họ chọn mua trái thanh long của Đài Loan dù trái thanh long của nước này có vỏ ngoài thua xa hàng Việt Nam, kích cỡ trái cũng nhỏ nhưng khi kiểm tra về giá trị dinh dưỡng lại cao hơn hẳn”.

Theo ông Hoàng, nông dân nên thay đổi quan niệm làm hàng xuất khẩu là phải vuốt tai, xịt thuốc tăng trưởng để trái thanh long có tai xanh, kích cỡ lớn. Nông dân nên thay đổi lại tập quán sản xuất, chuyển sang sản xuất tự nhiên, chú trọng đến chất lượng, nhất là không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Nói về việc thay đổi tập quán sản xuất, ông Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, hạn chế lớn nhất là cả chất lượng và sản lượng trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu.

Ông Thế Lãm lấy ví dụ với trái thanh long, trong một lô hàng xuất khẩu, khi đơn vị mua hàng lấy ngẫu nhiên khoảng 20 trái thanh long để kiểm tra chất lượng, chênh lệch giữa các trái này là rất lớn từ màu sắc, kích cỡ cho đến độ ngọt… nên bị đánh giá thấp. Mặt khác, sản xuất của Việt Nam cũng thiếu ổn định, nông dân mình thấy người hàng xóm thắp đèn làm nghịch vụ là đồng loạt cả vùng trồng đó cùng thắp đèn. Kết quả, thanh long thu hoạch rộ cùng lúc. Trong khi nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu chỉ 5 container/tuần nhưng nông dân lúc thì thu hoạch ồ ạt hàng chục container/tuần lúc lại không có hàng. 

* Muốn đi đường dài, cần xây dựng chuỗi

Cũng theo ông Thế Lãm, thương lái Trung Quốc mua trái chuối, trái thanh long của Việt Nam có khi chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng họ xuất đi nước khác với giá vài USD/kg vì họ tổ chức chuỗi liên kết từ khâu thu mua, bảo quản đến phân phối tốt. Để trái cây Việt Nam có đầu ra bền vững, bán được với giá trị cao cần tổ chức được những chuỗi liên kết mạnh để đưa sản phẩm từ nông trại đến tận bàn ăn của khách hàng.

Khó khăn hiện nay là liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp vẫn khó hình thành hoặc xây dựng được cũng dễ dàng đổ vỡ. Nguyên nhân vì nông dân thì muốn bán được tất cả nông sản họ làm ra. Doanh nghiệp thì chỉ muốn mua những sản phẩm họ bán hoặc xuất khẩu được.

Ông Phan Thanh Tùng, nông dân trồng chuối già cấy mô xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) chia sẻ, ông thường chọn bán cả vườn cho thương lái. Nhiều lần doanh nghiệp về đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu chuối xuất khẩu nhưng nông dân vẫn kém mặn mà vì tiêu chuẩn họ thu mua khắt khe hơn, tỷ lệ hàng dạt bị loại bỏ nhiều.

Ông Vương Quan Trường, Giám đốc Công ty TNHH Viline (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, để giải bài toán khó hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, trong chuỗi cần có sự tham gia của nhiều thành phần doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư chế biến. Trong đó, phải có một đơn vị đứng đầu chuỗi, chịu trách nhiệm phân phối nông sản, bộ phận nào bán tươi, phần nào phân phối ở thị trường nội địa, phần nào xuất khẩu, phần nào đưa vào chế biến...

Một số doanh nghiệp chỉ ra “chiêu” bẻ gãy chuỗi liên kết của thương lái để gây lũng đoạn thị trường là họ sẵn sàng trả giá thật cao để mua hàng của một số nông dân ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Nông dân ham lợi, bán hàng cho thương lái khiến chuỗi liên kết gãy đổ. Sau đó, thương lái lại nắm toàn quyền chi phối thị trường và khi rộ vụ thu hoạch họ lại ép giá nông sản xuống thấp. Theo ông Trường: “Nông dân chuộng bán hàng cho thương lái còn vì được trả tiền ngay. Một trong những viên gạch đầu tiên giúp gắn kết các chuỗi là nông dân phải thay đổi tư duy sang bán hàng qua hợp đồng, mức lời có thể thấp hơn những khi thị trường sốt giá nhưng luôn được đảm bảo ổn định để yên tâm tái đầu tư vào sản xuất”. 

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều