Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Kiểm soát chặt hàng xuất nhập khẩu

10:01, 20/01/2020

Mới đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam có cảnh báo Đồng Nai và các tỉnh, thành có xuất nhập khẩu hàng hóa lớn phải kiểm soát chặt, tránh các doanh nghiệp (DN) nhập linh kiện về không sản xuất, chỉ lắp ráp nhưng lại dán xuất xứ Việt Nam; một số DN nhập khẩu hóa chất về để sản xuất chất cấm, ma túy.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam có cảnh báo Đồng Nai và các tỉnh, thành có xuất nhập khẩu hàng hóa lớn phải kiểm soát chặt, tránh các doanh nghiệp (DN) nhập linh kiện về không sản xuất, chỉ lắp ráp nhưng lại dán xuất xứ Việt Nam; một số DN nhập khẩu hóa chất về để sản xuất chất cấm, ma túy.

Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với các doanh nghiệp phân biệt hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu. Ảnh: H.Giang
Cục Quản lý thị trường Đồng Nai phối hợp với các doanh nghiệp phân biệt hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu. Ảnh: H.Giang

[links()]Hiện nay, các hóa chất Việt Nam cho phép nhập khẩu về sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, nếu phân tích, “bóc tách” ra sẽ đủ thành phần để sản xuất chất cấm, ma túy tổng hợp. Ở một vài tỉnh, thành trong nước đã phát hiện tình trạng trên, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu Đồng Nai, nơi nhập khẩu nhiều hóa chất, chất dẻo phải chú ý.

Không để sản xuất hàng cấm

Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 98% DN sản xuất hàng hóa trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu hóa chất về sản xuất. Do đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phải rà soát, phân loại hóa chất theo nhóm để quản lý, như vậy mới có thể kịp thời nhận biết cơ sở có ý định sản xuất chất cấm, ma túy.

Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng việc Nhà nước cho nhập khẩu các loại hóa chất về để phục vụ sản xuất công nghiệp, rồi sản xuất ma túy tổng hợp. Bởi trong các lại hóa chất nhập khẩu, có đủ những thành phần để làm ra các loại ma túy tổng hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng cho biết: “Các đối tượng buôn bán, sản xuất ma túy ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Chúng lợi dụng những hóa chất, nguyên liệu được nhập khẩu về, phân tích ra lấy một số thành phần trong đó để sản xuất ma túy. Đồng Nai là nơi nhập khẩu rất nhiều hóa chất, chất dẻo nên Cục Hải quan Đồng Nai phải quản chặt và có liên kết với Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai giám sát để tránh đối  tượng thuê đất trong khu công nghiệp rồi sản xuất ma túy”.

Hội nhập sâu sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng cao, thu hút đầu tư nước ngoài dễ dàng, nhưng bên cạnh đó Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng gian lận thương mại ngày càng nhiều. Vì vậy, ngoài việc cần những chính sách cụ thể, rõ ràng của Chính phủ, các bộ, ngành thì các cơ quan quản lý tại địa phương phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao để kịp thời nắm bắt, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh.

Theo bà Phùng Thị Bích Hường, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, thời gian qua, Cục đã nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên của ngành và ứng dụng các công nghệ vào trong kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu vào tỉnh. Hiện Đồng Nai chưa phát hiện đối tượng, DN nào lợi dụng hóa chất nhập khẩu để sản xuất ma túy. Tuy nhiên, tỉnh sẽ không lơ là trong việc quản lý những sản phẩm hóa chất, chất dẻo nhập về.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết: “Trong năm 2020, Cục sẽ tăng cường thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng cấm, tạo môi trường sản xuất kinh doanh công bằng cho DN chân chính phát triển”. Ông Tỉnh còn chia sẻ thêm, những vụ việc có tính chất phức tạp, Cục sẽ phối hợp với hải quan, công an điều tra tận gốc để xử lý theo quy định của pháp luật.

* Nguy cơ lớn cho hàng Việt

Đồng Nai là nơi có sản xuất, kinh doanh hàng hóa lớn và nhiều tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, vùng đi qua nên cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả cũng khốc liệt hơn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì tỉnh sẽ là địa bàn trung chuyển, sản xuất hàng gian, hàng giả đưa đi các nơi trong tỉnh và các tỉnh, thành khác tiêu thụ.

Theo Bộ Công thương, giai đoạn 2000-2016, chỉ xảy ra 15 vụ điều tra về lẩn tránh thuế và phòng vệ thương mại, riêng năm 2019, xảy ra 150 vụ ở 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những vụ điều tra về phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế tập trung ở Mỹ, châu Âu. Trong số đó, có nhiều vụ kiện về hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đánh giá, trước tình hình xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, trong khoảng 6 tháng gần đây, hiện tượng gian lận xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế xuất hiện nhiều hơn. Điều này có thể khiến cho nhiều ngành hàng, lĩnh vực hàng hóa của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị áp thuế cao và có thể mất luôn thị trường xuất khẩu. Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao trong thời gian qua gồm: các thiết bị điện và sản phẩm, linh kiện điện tử; các sản phẩm xe đạp, xe đạp điện; sản phẩm trang trí nội thất...

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện nhiều trường hợp hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có tình trạng hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ của Việt Nam. Các hình thức gian lận xuất xứ không chỉ dừng lại ở việc “mượn” xuất xứ để xuất khẩu mà còn gian lận để tiêu thụ ở thị trường nội địa”. Ông Linh cũng yêu cầu QLTT ở các địa phương cần có phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý những trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa, nhất là ở những địa phương có lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...

Theo VCCI chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, VCCI thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế và thông tin cho DN những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ hàng hóa của nước ngoài. Đồng thời, có các hình thức siết chặt quản lý, xét cấp chứng nhận xuất xứ (C/O). Cơ quan chức năng cần đưa ra các hình thức chế tài đủ mạnh đối với các DN vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để vừa mang tính răn đe, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN chấp hành tốt các quy định về xuất xứ hàng hóa.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có ghi nhận một số trường hợp vi phạm liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam. Đây là vấn đề lớn cần được các cơ quan chức năng có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quy định. Việc này cũng tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi việc kiểm tra hàng hóa được các đơn vị kiểm tra gắt gao hơn để hạn chế tình trạng gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa. Nhiều sản phẩm, mặt hàng buộc phải kiểm tra chặt chẽ thực tế hàng hóa để xác định tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Từ đó dẫn đến các chi phí liên quan như: kho bãi, bốc dỡ hàng hóa... tăng theo.

Hương Giang - Hải Quân

Tin xem nhiều