Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng tới nâng cao đời sống người dân

04:12, 07/12/2019

Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược được nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, yêu cầu ứng dụng các công nghệ, phương tiện thông minh vào quản lý xã hội ngày càng trở nên cấp thiết để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Xây dựng đô thị thông minh là chiến lược được nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai. Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, yêu cầu ứng dụng các công nghệ, phương tiện thông minh vào quản lý xã hội ngày càng trở nên cấp thiết để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Để xây dựng đô thị thông minh, TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã đề ra lộ trình cụ thể. Ảnh: TTXVN
Để xây dựng đô thị thông minh, TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ đã đề ra lộ trình cụ thể. Ảnh: TTXVN

Riêng với vùng Đông Nam bộ, nơi có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa, dân số đô thị cao nhất cả nước, các tỉnh, thành trong vùng đang triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh. Trong đó nổi bật là các “đầu tàu” như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

* Triển khai xây dựng đô thị thông minh

Đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh của vùng Đông Nam bộ là TP.Hồ Chí Minh. Đề án Xây dựng TP.Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đang từng bước định hình đô thị thông minh với trọng tâm gồm bốn trụ cột và chính quyền điện tử. Đến thời điểm này, đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu, là bước chuẩn bị cơ bản, quan trọng để triển khai các nội dung của đề án trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, giai đoạn 1 các trụ cột của đô thị thông minh hiện đã được TP.Hồ Chí Minh triển khai như xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở có tích hợp một số cơ sở dữ liệu quan trọng gồm: cơ sở dữ liệu một cửa điện tử, đất đai, khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, người nộp thuế…Thành phố cũng thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của một số sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn; tập hợp tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo cho Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.

Theo đề án phát triển đô thị thông minh của Chính phủ, mục tiêu đề ra đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Năm 2019, Ban điều hành đề án đã dành 500 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đề án. Hiện thành phố đang tập trung triển khai nền tảng chính quyền điện tử với các hệ thống tích hợp dịch vụ dùng chung như hệ thống tích hợp dữ liệu; trục liên thông kết nối dịch vụ đăng ký, xác thực người dùng và đăng nhập một lần; dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ dùng chung cho các ứng dụng văn bản điều hành.

Tương tự, tại Bình Dương, đề án thành phố thông minh được khởi động từ năm 2016, trở thành nội dung quan trọng để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa “ba nhà” gồm: nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh Bình Dương vinh dự được trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và là thành viên của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) trong 2 năm liên tục 2019 và 2020.

Tại Đồng Nai, xây dựng đô thị thông minh đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Sẽ có 5 đơn vị được ưu tiên triển khai nhanh các tiện ích, hệ sinh thái đô thị thông minh là Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Giao thông - vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và TP.Biên Hòa. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương khác trong tỉnh cũng từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ đồng bộ để kết nối vào trung tâm điều hành của tỉnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC (Hà Nội) - đơn vị tư vấn dự án đô thị thông minh thì Đồng Nai là một trong những địa phương sớm triển khai đề án, cùng với TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai các phần mềm dữ liệu cho từng ngành. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trên sẽ là nền tảng để kết nối về những trung tâm điều hành. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, để xây dựng được đô thị thông minh cần phải có sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành, địa phương. Trước mắt, những lĩnh vực quan trọng, cần thiết đối với đời sống hằng ngày của địa phương như: y tế, giáo dục, giao thông, chiếu sáng... sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Tương tự, dù mới chỉ ở bước đầu, chưa triển khai sâu rộng như 3 địa phương trên nhưng các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đều xây dựng cho mình kế hoạch phát triển đô thị thông minh. Bà Rịa - Vũng Tàu chia đề án xây dựng đô thị thông minh làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu 2019-2022, chủ yếu xây dựng cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu nền tảng, nòng cốt; giai đoạn 2023-2025, xây dựng và mở rộng các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; giai đoạn sau 2025 sẽ tiếp tục mở rộng, hoàn thiện các ứng dụng thông minh.

Tỉnh Bình Phước đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính -  viễn thông Việt Nam (VNPT) khảo sát, hỗ trợ xây dựng triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) bảo đảm vận hành vào cuối năm 2020. Song song đó, tỉnh triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; triển khai thí điểm mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh tại một số cấp học tại TP.Đồng Xoài rồi nhân rộng ra toàn tỉnh.

Với Tây Ninh, tỉnh cũng đang nỗ lực để xây dựng khung kiến trúc đô thị thông minh, kế hoạch triển khai khung kiến trúc chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền điện tử và sớm đưa vào sử dụng trung tâm điều hành kinh tế - xã hội.

* Lấy con người làm trung tâm

Theo TS.Nguyễn Văn Điển, Trưởng khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị khu vực II (TP.Hồ Chí Minh), thành phố thông minh là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên công nghệ và giải pháp thông minh mà ở đó sẽ bao gồm: công dân thông minh, điều hành chính quyền thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di chuyển thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh…

Vấn đề dân số, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập đặt ra yêu cầu cho đô thị vùng Đông Nam bộ phải nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sự đột phá về triết lý quản lý theo hướng đô thị thông minh chính là sự kết nối giữa tất cả các lĩnh vực với nhau dựa trên nền tảng của các công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua đó, thành phố có thể chia sẻ và tái sử dụng các nguồn tài nguyên, từ đó giúp xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả làm việc và phát triển bền vững.

PGS-TS.Phan Thị Hồng Xuân - Trưởng khoa Đô thị học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc phát triển thành phố thông minh nên đặt con người làm trung tâm chứ không phải công nghệ. Mục tiêu của việc phát triển thành phố thông minh không phải chỉ đóng khung “ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất” mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định đô thị thông minh là tất yếu để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ môi trường sống tiện ích, thân thiện và an toàn của người dân trong bối cảnh bùng nổ của các đô thị. “Cần phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển Chính phủ điện tử, coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ảnh của người dân cần được giải đáp nhanh và thỏa đáng” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Đào Lê

Tin xem nhiều