Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản, thực phẩm Mỹ giá rẻ sắp vào thị trường nội địa

04:12, 19/12/2019

Ngay trong năm 2020, Mỹ đã đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm như: thịt gà, thịt heo, táo tươi, nho tươi… và có lộ trình giảm về 0% ở các năm tiếp theo.

Ngay trong năm 2020, Mỹ đã đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm như: thịt gà, thịt heo, táo tươi, nho tươi… và có lộ trình giảm về 0% ở các năm tiếp theo.

Khách hàng chọn mua các loại táo có xuất xứ từ Mỹ tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Khách hàng chọn mua các loại táo có xuất xứ từ Mỹ tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan theo đề nghị từ phía Mỹ.

* Nhiều mặt hàng dự kiến sẽ giảm thuế nhập khẩu

Theo đó, phía Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như: thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà; thịt heo; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mì, khoai tây... Những mặt hàng trên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo. Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ.

Cụ thể, Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028. Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi về 0% ngay trong năm 2020; lúa mì, khoai tây chế biến... giảm xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế nhập khẩu thịt heo được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào năm 2020 và 0% vào năm 2027.

Trước đề nghị từ phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế suất các mặt hàng trên, song mức giảm thấp hơn mức thuế mà Mỹ đưa ra. Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế thịt gà và chế phẩm xuống 18%, cao hơn mức gợi ý 14,5% của Mỹ vì mức thuế 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ nhất trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thuế với táo, nho tươi từ Mỹ dự kiến giảm về 8%; thuế nhập khẩu lúa mì giảm về 3%; khoai tây là 12%; thịt heo giảm về 22%, đây là mức thuế tiệm cận theo cam kết trong CPTPP... Bộ Tài chính cho biết, sau khi lấy ý kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi.

* Áp lực cạnh tranh đối với nông sản trong nước

Hiện nay, ở TP.Biên Hòa và một số đô thị trong tỉnh có khá nhiều siêu thị, cửa hàng cung cấp các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ. Do đó, nếu thuế nhập khẩu các loại nông sản, thực phẩm từ Mỹ được giảm theo lộ trình nói trên thì ngay trong năm 2020, người tiêu dùng trong tỉnh sẽ có thể mua được hàng Mỹ với giá rẻ.

Khách hàng hỏi mua một số loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ tại một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Lam Phương)
Khách hàng hỏi mua một số loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ tại một cửa hàng trái cây nhập khẩu ở phường Tân Tiến (TP.Biên Hòa). (Ảnh: Lam Phương)

Việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Mỹ trong thời gian tới sẽ có nhiều tác động đến nông sản trong nước, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam sản xuất được trong nước như thịt gà, thịt heo. Riêng trái cây như táo, cherry, lê... của Mỹ thì Việt Nam không có, nên khi giảm thuế nhập khẩu, người tiêu dùng trong nước sẽ mua được trái cây với giá rẻ hơn.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, chất lượng các sản phẩm trái cây, nông sản nhập khẩu từ các nước tiên tiến như Mỹ vốn vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho hay, lượng tiêu thụ các loại trái cây nhập khẩu tại siêu thị ngày càng tăng trong những năm qua. Trong đó, các loại trái cây nhập khẩu của Lotte Mart Đồng Nai thường có nguồn gốc từ Mỹ, New Zealand...

Chị Nghi, chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho hay, các loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ như: nho, táo, cherry... ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn, nhất là ở phân khúc cao cấp, giá cả tùy vào thời điểm mùa vụ. Giá nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Mỹ ngày càng có xu hướng rẻ hơn so với những năm trước đây.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân trong nước đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu.

Do đó, để nâng cao tính cạnh tranh, các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thì cần tái cấu trúc sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tăng cường tính kết nối giữa các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt Nam có thế mạnh như: xoài, chôm chôm, thanh long… bên cạnh việc làm tốt công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Lam Phương

Tin xem nhiều