Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính đầu ra cho thanh long ruột đỏ

05:11, 01/11/2019

Trước đây, thanh long ruột đỏ là trái cây đặc sản thường bán được giá cao vì nguồn cung ít. Vài năm trở lại đây, không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác cũng phát triển mạnh diện tích cây trồng này khiến giá bán giảm mạnh. Toàn tỉnh hiện đã có trên 1,1 ngàn hécta thanh long ruột đỏ.

Trước đây, thanh long ruột đỏ là trái cây đặc sản thường bán được giá cao vì nguồn cung ít. Vài năm trở lại đây, không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác cũng phát triển mạnh diện tích cây trồng này khiến giá bán giảm mạnh. Toàn tỉnh hiện đã có trên 1,1 ngàn hécta thanh long ruột đỏ.

Nông dân ở xã Xuân Hòa  (huyện Xuân Lộc) chăm sóc thanh long với kỳ vọng cung cấp cho thị trường xuất khẩu
Nông dân ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) chăm sóc thanh long với kỳ vọng cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Vào vụ thu hoạch, có thời điểm, giá thanh long ruột đỏ bán ra chỉ còn vài ba ngàn đồng/kg. Để loại trái cây đặc sản này bớt “long đong”, một số doanh nghiệp, cơ sở của Đồng Nai đã bắt đầu đầu tư vào chế biến, song số lượng cơ sở vẫn chưa nhiều.

* Không còn lợi nhuận “khủng”

Những năm trước, thanh long ruột đỏ từng là loại trái cây đặc sản đứng tốp đầu về thu nhập vì một năm có từ 15-20 lần thu hoạch. Có những thời điểm, thanh long bán tại vườn có thể lên đến 50-60 ngàn đồng/kg. Do đó, nông dân Đồng Nai đã mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích thanh long.

4 năm trước, ông Dương Công Huấn, nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) đã trồng thử nghiệm 6 ngàn m2 giống thanh long ruột đỏ. Đây là vùng đất cát cằn cỗi, cứ vừa hết mưa là đất chuyển sang khô hạn, trước đây chỉ trồng cây tràm và cây điều vì khó khăn về nguồn nước. Ông Huấn đã cải tạo đất bằng phân chuồng, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nên cây thanh long vẫn cho năng suất tốt. Do đây là vùng đất chưa có nhiều nông dân trồng thanh long nên vấn đề dịch bệnh trên cây trồng này không quá đáng ngại. Điều lo lắng của ông Huấn là đầu ra và giá sản phẩm không còn tốt như trước.

Cùng nỗi lo, bà Nguyễn Thị Oanh, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) chia sẻ, đặc sản thanh long ruột đỏ từng có thời luôn đạt giá cao, thuộc tốp đầu về thu nhập trong các loại cây ăn trái. Nhưng vài năm nay, diện tích tăng quá nhanh, nguồn cung dồi dào nên giá mỗi năm mỗi giảm. “Mùa thu hoạch chính vụ năm nay, tôi bỏ mấy đợt thu hoạch vì vào mùa mưa, cây trồng này bị nấm bệnh nhiều, chất lượng trái không đạt nên nhiều đợt giá bán tại vườn chỉ 2-3 ngàn đồng/kg, thu không đủ bù chi phí đầu tư và công lao động” - bà Oanh than thở.

 Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh nhận xét, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thanh long giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái, thanh long cũng không còn “sốt giá” vào những đợt cao điểm xuất khẩu như mọi năm. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu chính của trái thanh long là Trung Quốc đã siết chặt kiểm dịch và các quy định về tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam… Hiện ông Ngọc đang phá bỏ hàng hécta thanh long ruột đỏ vì cây già cỗi và bị dịch bệnh tấn công nhiều. Ông Ngọc nói: “Khó khăn không nhỏ với nông dân là diện tích thanh long trồng chuyên canh tăng, dịch bệnh xuất hiện nhiều và khó xử lý hơn cũng ăn vào lợi nhuận của nông dân”.

* “Manh nha” đầu tư chế biến

Do nông dân các nơi đua nhau phát triển diện tích thanh long ruột đỏ nên loại trái cây đặc sản này cũng không tránh khỏi vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá. Ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) nhận xét, thị trường nội địa vẫn chuộng trái thanh long ruột trắng, giá mềm hơn. Trước đây, thanh long ruột đỏ thường bán được giá cao do ít nơi trồng được. Hiện các tỉnh miền Tây cũng trồng khá nhiều loại trái cây đặc sản này và chở ngược về miền Đông tiêu thụ. Nguồn cung dồi dào nên khi rộ mùa, loại đặc sản này giảm giá mạnh.

Để tính toán đầu ra, một số cơ sở chế biến trên địa bàn Đồng Nai đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm rượu, si rô, thanh long sấy... đang góp phần cho đầu ra của loại trái cây đặc sản này bớt “long đong”. Bà Lê Kim Luôn, chủ Cơ sở vang thanh long Anna (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Bà con nông dân vất vả mới trồng được trái thanh long nhưng rộ mùa thu hoạch, thanh long lại bị đổ đống ngoài vệ đường với giá rất rẻ. Từ đó, tôi nghĩ đến việc ủ thanh long làm thức uống để bán”. Tuy nhiên, khó khăn của cơ sở này là việc duy trì ổn định sản xuất vì những mùa trái vụ, giá thanh long ruột đỏ lại bán với giá quá cao.

Công ty TNHH Long Kim (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) hiện đang phát triển dòng sản phẩm si rô, sinh tố thanh long ruột đỏ cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu chế biến nên ngoài Đồng Nai, doanh nghiệp vẫn phải đi thu mua nguyên liệu chế biến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Đại diện của Công ty TNHH Long Kim cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng các chuỗi liên kết bao tiêu trái cây cho nông dân để có nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Tuy nhiên, chuỗi liên kết này vẫn khá lỏng lẻo vì những mùa thanh long sốt giá, nông dân sẵn sàng bán cho thương lái trả giá cao hơn”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều