Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch gắn với nhu cầu thực tế

11:11, 12/11/2019

Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tiến hành làm quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030.

Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tiến hành làm quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cho giai đoạn 2021-2030.

Nhiều diện tích đất trồng lúa ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) muốn chuyển qua trồng bưởi để tăng thu nhập (lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa)
Nhiều diện tích đất trồng lúa ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) muốn chuyển qua trồng bưởi để tăng thu nhập (lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa)

[links()]Hầu hết các địa phương đều đề xuất giảm đất lúa, chuyển sang đất trồng cây lâu năm, trồng cây hằng năm hoặc đất phi nông nghiệp vì hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.

* Nhiều nơi muốn giảm đất lúa

Trong điều chỉnh quy hoạch SDĐ giai đoạn 2016-2020 của tỉnh được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có gần 589,8 ngàn hécta đất; trong đó gần 470 ngàn hécta đất nông nghiệp, gần 119,8 ngàn hécta đất phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp gồm có đất trồng lúa, cây hằng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, rừng. Riêng đất trồng lúa có hơn 31,4 ngàn hécta, gồm có đất lúa 1 vụ/năm và đất lúa 2-3 vụ/năm.

Do khí hậu, thổ nhưỡng khá tốt nên Đồng Nai rất thuận lợi để phát triển các loại cây ăn trái và cây lâu năm. Doanh thu từ trồng cây ăn trái hiện nay đạt từ 200-600 triệu đồng/hécta/năm, cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa. Vì vậy, rất nhiều nông dân tại Đồng Nai muốn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái để tăng thu nhập.

Ông Huỳnh Trung Hoa, ngụ ấp 2, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 hécta đất trồng lúa 2 vụ/năm, lợi nhuận thu được khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Nếu chuyển được sang trồng bưởi sẽ thu lời 500-600 triệu đồng/hécta/năm nên tôi rất muốn chuyển từ đất lúa sang trồng bưởi để nâng thu nhập”.

Nhiều người dân ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Tân Phú, Định Quán... cũng mong chuyển đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, cam, quýt, sầu riêng... để nâng cao lợi nhuận trên cùng một diện tích đất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh đánh giá: “Lợi thế của Đồng Nai là trồng cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm. Vì thế, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh mong muốn Trung ương cho chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái để nâng cao thu nhập”. Cũng theo ông Vinh, có những vùng quy hoạch là đất trồng lúa nhưng thực tế, người dân đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm từ lâu. Do đó, trong quy hoạch SDĐ giai đoạn tới, Sở sẽ đề nghị rà soát lại, giảm diện tích đất lúa, tăng đất trồng cây lâu năm.

* Điều chỉnh để phát triển

Trong giai đoạn 2021-2030, hàng loạt những công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, tỉnh sẽ được xây dựng trên địa bàn Đồng Nai. Như vậy, tốc độ đô thị hóa ở nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng nhanh, sản xuất nông nghiệp giảm dần, thay vào đó là sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo đó, nhu cầu về đất phi nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đất ở sẽ tăng lên, các huyện, thành phố đang tính toán để quy hoạch giảm đất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho hay: “TP.Biên Hòa có nhiều khu vực không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn còn quy hoạch đất lúa, đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm. Thành phố đang đợi UBND tỉnh đưa chỉ tiêu về SDĐ để căn cứ vào đó, giảm quy hoạch đất nông nghiệp, tăng quy hoạch đất sản xuất kinh doanh, đất ở”.

Đơn cử, giai đoạn 2016-2020, TP.Biên Hòa quy hoạch hơn 8,8 ngàn hécta đất nông nghiệp (có hơn 800 hécta đất lúa), song thực tế nhiều phường, xã không còn trồng lúa, sản xuất nông nghiệp. Giữ lại quy hoạch đất lúa cũng như các loại đất nông nghiệp khác quá nhiều so với nhu cầu sẽ cản trở quá trình phát triển của địa phương.

Cụ thể như tại phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), đất nông nghiệp được người dân sang nhượng với giá 50-100 tỷ đồng/hécta và trên địa bàn phường gần như không còn nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nhưng quy hoạch vẫn còn khá nhiều đất sản xuất lúa và cây hằng năm.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh, để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2030 tỉnh sẽ quy hoạch giảm diện tích đất lúa, tăng diện tích các loại cây lâu năm và công nghiệp, giao thông, thương mại dịch vụ.

“Sở Tài nguyên - môi trường đang hỗ trợ các huyện, thành phố lập đề cương, kinh phí để tiến hành thuê tư vấn làm quy hoạch SDĐ cho 10 năm tới. Dự tính giữa năm 2020, các địa phương sẽ hoàn thành quy hoạch SDĐ cấp huyện để trình UBND tỉnh phê duyệt. Nếu chậm trễ việc trình phê duyệt quy hoạch SDĐ cho giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng đến nhiều dự án đang triển khai” - ông Tuấn Anh lưu ý.

Quy hoạch SDĐ sẽ là nền tảng để triển khai quy hoạch các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, nhiều quy hoạch ngành sẽ bị bãi bỏ, các quy hoạch còn lại sẽ tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, nhưng vẫn phải căn cứ vào quy hoạch SDĐ cấp huyện để thực hiện hoặc cấp phép đầu tư các dự án.

Khánh Minh

Tin xem nhiều