Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

04:11, 30/11/2019

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, thì nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ công của người dân cũng tăng lên.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, thì nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ công của người dân cũng tăng lên.

Tại TP.Hồ Chí Minh, người dân có thể sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tiện ích do cơ quan nhà nước cung cấp. Trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm busmap. Ảnh: Ảnh: sggp.org.vn
Tại TP.Hồ Chí Minh, người dân có thể sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tiện ích do cơ quan nhà nước cung cấp. Trong ảnh: Người dân sử dụng phần mềm busmap. Ảnh: sggp.org.vn

Thực tế cho thấy, cung ứng dịch vụ công hiệu quả dựa trên nền tảng chính quyền điện tử là một trong những giải pháp, hướng đi được các tỉnh, thành Đông Nam bộ đẩy mạnh phát triển.

* Tín hiệu tích cực

Những năm vừa qua, các tỉnh, thành Đông Nam bộ đa phần được đánh giá có chính quyền năng động, nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển chính phủ điện tử nhằm cung ứng dịch vụ công tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. 

Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index) là một trong những chỉ số được xây dựng để đánh giá về nỗ lực cũng như hiệu quả trong xây dựng chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương do Bộ Thông tin - truyền thông và Hội Tin học Việt Nam thực hiện. Theo thông tin từ Báo cáo tóm tắt Việt Nam ICT Index năm 2018, các tỉnh, thành Đông Nam bộ đều nằm trong nhóm có thứ hạng cao.

Điển hình là TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục nằm trong tốp 10 địa phương có nhiều nỗ lực và đạt hiệu quả trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam giai đoạn 2016-2018. Theo sát với tốp 10 bảng xếp hạng chỉ số Việt Nam ICT Index năm 2018, tỉnh Đồng Nai xếp ở vị trí 12/63 tỉnh/thành của cả nước. Ngoại trừ Bình Phước nằm trong nhóm có thứ hạng thấp, các tỉnh còn lại của khu vực Đông Nam bộ đều giữ thứ hạng khá.

* Đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước

Nhằm tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, một số tỉnh ở Đông Nam bộ như: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... đã thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh và các trung tâm/bộ phận hành chính công cấp huyện.

Với mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh, TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu của cả nước trong xây dựng chính phủ điện tử. Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến TP.Hồ Chí Minh - nơi thực hiện chức năng “một cửa điện tử” cho phép tiếp nhận, xử lý, chuyển trả kết quả cũng như tra cứu về tình trạng xử lý hồ sơ của 25 lĩnh vực dịch vụ công được đưa vào sử dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, giao thông - vận tải là một trong những lĩnh vực được TP.Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện nhằm cung ứng tốt nhất điều kiện về cơ sở hạ tầng cho người dân. Từ giữa tháng 9-2018, người tham gia giao thông tại TP.Hồ Chí Minh có thể sử dụng ứng dụng Zalo được cài đặt trên điện thoại di động để tra cứu thông tin về tình hình giao thông. Giải pháp này hỗ trợ người dân xem hình ảnh trực tiếp từ hàng trăm camera giao thông trên địa bàn, trong đó có cả camera trên tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; kiểm tra bản đồ trực quan về lưu lượng xe đang lưu thông, cảnh báo khu vực xảy ra ùn tắc, sửa chữa, các tuyến đường đang phân luồng... để chọn lộ trình di chuyển phù hợp.

Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình phi địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai. Nếu như trước đây, người dân chỉ có thể nộp hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất và giao dịch đảm bảo tại địa phương nơi có đất thì giờ đây, người dân có thể lựa chọn thực hiện tại Trung tâm hành chính công tỉnh hoặc bộ phận một cửa cấp huyện. Sau đó, Đồng Nai còn tiếp tục thực hiện mô hình phi địa giới hành chính trong thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Theo đó, người dân các huyện Long Thành, Định Quán, Tân Phú khi có nhu cầu thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe có thể hoàn thiện hồ sơ, chụp ảnh và nộp tại bộ phận một cửa huyện.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và phát triển kinh tế biển. Nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nâng cao chất lượng dịch vụ công, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý cảng đến giao thông đường thủy. Cơ quan này đang thử nghiệm hệ thống quản lý cấp phép điện tử phương tiện ra - vào bến cảng đường thủy nội địa. Công tác cấp phép được kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cổng thông tin điện tử quốc gia giúp cho các cơ quan chức năng có thể kiểm tra hồ sơ phương tiện trên hệ thống, lịch sử hành trình, lịch sử vi phạm, kết nối đến dữ liệu đăng kiểm... Phần mềm quản lý công nghệ thông tin sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại cảng bến thủy nội địa giúp người dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp mọi nơi, mọi lúc tiết kiệm thời gian và chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải.

* Cung cấp dịch vụ công hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân

Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước ta đã coi trọng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị thông qua việc ban hành Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.  Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1-7-2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP tập trung về chính phủ điện tử nhằm “đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.

Bàn về các giải pháp tăng cường chính quyền điện tử, chính quyền số hướng tới cung cấp dịch vụ công hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, PGS-TS.Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng cần đổi mới quan điểm về nền hành chính trong xu thế mới - đó là một nền hành chính hiện đại coi công dân, doanh nghiệp như “khách hàng” để phục vụ.

Theo đó, mỗi cán bộ, công chức trực tiếp tham gia giải quyết cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp phải nỗ lực hoàn thiện năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, về văn hóa công sở. Nhiều địa phương thời gian qua rất coi trọng công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó có việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ - điều kiện để các tỉnh, thành hỗ trợ công dân doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công tốt hơn. Chẳng hạn, tỉnh Bình Dương tổ chức các lớp tập huấn đánh giá bảo mật web cơ bản, điều tra tấn công mạng cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin; tỉnh Tây Ninh vào cuối năm 2018 khi ứng dụng phần mềm Zalo trong công tác cải cách hành chính đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho cán bộ trực tiếp xử lý thủ tục hành chính về các quy trình nghiệp vụ, thao tác trên hệ thống thông tin liên quan, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ...

Theo PGS-TS.Phạm Minh Tuấn, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng và tạo lập sự gắn kết, đồng bộ trong việc thực hiện các chỉ số như: Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Việt Nam ICT Index... trong đó đặc biệt chú ý đến các chỉ số tiêu chí thành phần phản ánh hiệu quả cung ứng dịch vụ công cho người dân...

Theo PGS-TS.Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, bên cạnh những thành tựu đạt được, kết quả xây dựng chính quyền điện tử ở một số tỉnh, thành Đông Nam bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các địa phương. Cụ thể, chưa có sự đồng đều trong quá trình cải cách hành chính xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số của các địa phương. Hạn chế này có nguyên nhân xuất phát từ điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố cũng như trình độ dân trí, nhu cầu của công dân, doanh nghiệp. Một số cơ quan, đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền hiện đại nhưng chưa có sự quan tâm đúng mức. Một số dịch vụ yếu còn chưa bảo đảm chất lượng như kỳ vọng doanh nghiệp...

 

Lâm Viên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích