Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên công khai, minh bạch tiêu chí "sạch"

11:11, 05/11/2019

Việc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm, nông sản sạch, hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư cao, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nên giá thành sản phẩm thường cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm cùng loại thông thường.

Việc sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm, nông sản sạch, hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư cao, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nên giá thành sản phẩm thường cao hơn khá nhiều so với các sản phẩm cùng loại thông thường.

Co.opmart Biên Hòa niêm yết thông tin sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn giúp người tiêu dùng tham khảo lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị. Ảnh: Hải Quân
Co.opmart Biên Hòa niêm yết thông tin sản phẩm nông sản đạt các tiêu chuẩn an toàn giúp người tiêu dùng tham khảo lựa chọn. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua các loại nông sản đạt chuẩn VietGAP tại siêu thị. Ảnh: Hải Quân

[links()]Với việc xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng thực phẩm sạch mà không rõ ràng tiêu chí, người tiêu dùng cần phải trở thành những người tiêu dùng thông minh.

* Làm thực phẩm sạch không dễ

Ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) chia sẻ, việc sản xuất các loại nông sản theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP hay sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quá trình sản xuất khắt khe, tuân thủ các điều kiện cho phép từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới, quản lý đất trồng, phân bón, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm…

Do đó, chi phí sản xuất thường cao hơn nhiều, kéo theo giá thành sản phẩm cao. Ngoài ra, các chứng nhận của các tiêu chuẩn thường có thời hạn trong khoảng 2 năm, vì vậy các nhà sản xuất cần phải tái chứng nhận theo quy định, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ không được tái chứng nhận… 

Đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamit (Bình Dương) - công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công ty đã xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và cung cấp cho một số hệ thống siêu thị trong nước, quá trình gieo trồng, canh tác và thu hoạch hữu cơ có chi phí đầu tư lớn, bài bản, theo các trình tự, quy định nghiêm ngặt mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được.

Trang trại trồng rau trong nhà màng được cấp chứng nhận GlobalGAP tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên
Trang trại trồng rau trong nhà màng được cấp chứng nhận GlobalGAP tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên

Bà Phạm Phương Thảo, người sáng lập chuỗi cửa hàng hữu cơ Organica và đầu tư trang trại sản xuất rau hữu cơ ở huyện Long Thành cho hay, một trang trại rau hữu cơ đạt chuẩn châu Âu đúng nghĩa cần tuân thủ các hồ sơ, giấy tờ, thủ tục chứ không đơn thuần là chuyện không dùng hóa chất.

Hiện nay, việc tìm đầu ra cho sản phẩm hữu cơ ở thị trường trong nước là một vấn đề nan giải bởi giá thành các loại nông sản hữu cơ thường cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường, trong khi phần đông người tiêu dùng hiện nay vẫn chuộng các loại sản phẩm “ngon, bổ, rẻ”.

* Công khai các tiêu chuẩn

Theo nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch, chi phí đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nông sản sạch khá cao, nhất là kinh phí để đầu tư hệ thống cung ứng, bảo quản, đội ngũ nhân sự… Trên thực tế, việc kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch cần có quy trình khép kín từ sản xuất đến nơi cung ứng, đảm bảo được nguồn cung ứng thực phẩm ổn định, đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn cụ thể.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, việc kinh doanh thực phẩm sạch bên cạnh yếu tố về lợi nhuận, cần hướng tới quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo công khai, niêm yết rõ ràng về giá cả, các tiêu chuẩn về sản phẩm sạch, hữu cơ để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, có căn cứ để chọn mua thay vì chỉ mua bằng cảm quan như tại một số cửa hàng hiện nay.

Theo Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, đề xuất phương án thống nhất, xác định tiêu chí phù hợp về thực phẩm, nông sản sạch, an toàn.

Ông Huỳnh Kim Hóa, Quyền Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khuyến cáo, người tiêu dùng nên chọn các đơn vị, cửa hàng, siêu thị cung cấp sản phẩm sạch có uy tín. Trước khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, nhất là thông tin về truy xuất nguồn gốc, các nhãn tiêu chuẩn trên bao bì sản phẩm, thường xuyên theo dõi các thông tin tuyên truyền, thông tin cập nhật các tiêu chuẩn trên báo chí về thực phẩm, nông sản sạch… để mua đúng thực phẩm sạch đã được chứng nhận.              

Hải Quân

 

Tin xem nhiều