Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết nhanh các 'điểm nóng' ô nhiễm

11:11, 20/11/2019

Dù được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số "điểm nóng" về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN).

Dù được đánh giá là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số “điểm nóng” về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN).

Việc di dời Khu công nghiệp  Biên Hòa 1 sẽ giúp bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai
Việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ giúp bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Ảnh: Q.Nhi

[links()] Chuyển đổi công năng KCN ảnh hưởng đến môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT với tổng số trạm quan trắc là 17 trạm. Thời gian tới Sở TN-MT sẽ mở rộng các đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động theo quy định của Chính phủ.

Ra đời từ năm 1963, KCN Biên Hòa 1 là KCN lâu đời nhất nước ta. KCN Biên Hòa 1 có tổng diện tích khoảng 323 hécta và hiện đang có 82 doanh nghiệp đang thuê đất để hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây.

Theo Sở TN-MT, hiện mỗi ngày các doanh nghiệp hoạt động tại KCN Biên Hòa 1 xả thải hơn 9 ngàn m3 nước thải. Trong số này, có khoảng 1 ngàn m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do KCN Biên Hòa 1 có lịch sử lâu đời nên hệ thống hạ tầng, trong đó có hạ tầng xử lý nước thải được đầu tư không hoàn thiện.

Việc nhiều doanh nghiệp tự xử lý rồi xả thải nước thải sản xuất ra môi trường tại KCN Biên Hòa 1 khiến cho nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông Đồng Nai tăng cao.

Trước thực tế đó, năm 2009, dựa trên đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời KCN Biên Hòa 1 ra khỏi TP.Biên Hòa. Sau đó, Chính phủ tiếp tục đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án di dời KCN Biên Hòa 1 do Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Tổng công ty Sonadezi) thực hiện.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, căn cứ vào các quy định, để chấm dứt hoạt động KCN Biên Hòa 1, UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan lập hồ sơ, đưa KCN này ra khỏi quy hoạch, từ đó có cơ sở pháp lý thực hiện đề án di dời. Việc bỏ quy hoạch cũ, lập quy hoạch mới cần nhiều thời gian nên hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai.

Dù việc di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 gặp nhiều khó khăn và chậm trễ trong thực hiện, tuy nhiên Đồng Nai vẫn xác định đây là việc bắt buộc phải làm để bảo vệ môi trường. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường từng nhấn mạnh, KCN Biên Hòa 1 có ảnh hưởng đến môi trường nước sông Đồng Nai, do đó việc di dời KCN này là yêu cầu cấp bách.

Xây dựng lộ trình chấm dứt xả thải trực tiếp

Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT, nếu xét về công suất, hiện các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN trên địa bàn tỉnh “dư sức” tiếp nhận và xử lý toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay tại một số KCN vẫn gặp khó khăn trong công tác xây dựng tuyến ống thu gom, đấu nối vì vướng mặt bằng. Do đó, thời gian tới, Sở TN-MT cũng sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn này.

Theo Sở TN- MT, 31 KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện thu hút hơn 1,2 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các cơ sở đã thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện vẫn còn 51 cơ sở sản xuất tại các KCN chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của các công ty kinh doanh hạ tầng mà thực hiện tự xả thải trực tiếp ra môi trường.

Các cơ sở chưa thực hiện đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện đang tự xử lý nước thải qua hệ thống xử lý nước thải riêng theo quy định. Trong số này có 38 cơ sở xả thải theo giấy phép xả thải do cơ quan có thẩm quyền cấp với lưu lượng hơn 31.500 m3/ngày và 13 cơ sở nước thải phát sinh ít tự xử lý và xả thải (trung bình mỗi cơ sở phát sinh khoảng 6m3/ngày).

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh ngày càng tốt hơn đặc biệt là trong công tác quản lý về nước thải. Hiện nay, 100% KCN có dự án hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là chốt chặn quan trọng thứ nhất để bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước thải.

Do đó, ông Lê Văn Danh cho rằng, tỉnh nên có lộ trình để dần dần hạn chế các đơn vị xả thải trực tiếp ra môi trường. “Có lộ trình như thế thì các công ty hạ tầng mới có điều kiện xây dựng, nâng cấp các nhà máy xử lý nước thải tập trung hình thành nên chốt chặn đầu kiểm soát chất lượng nước thải. Như thế công tác bảo vệ môi trường về nước thải sẽ tốt hơn”- ông Lê Văn Danh nhấn mạnh.

Đối với các cơ sở vẫn xả thải trực tiếp theo giấy phép, hiện Sở TN-MT cũng đang tiến hành kiểm kê số lượng nguồn thải để yêu cầu lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Theo đó, trước đây, chỉ các cơ sở có lượng xả thải từ 500m3/ngày đêm trở lên mới phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động thì sắp tới “chỉ tiêu” này sẽ tiếp tục được hạ thấp. “Các cơ sở có lượng xả thải từ 200m3/ngày đêm trở lên cũng sẽ phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động” - ông Đức cho hay.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều