Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ổn định thị trường

11:10, 22/10/2019

Sau hơn 4 tháng xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF), tổng đàn heo của Đồng Nai đã giảm hơn 1 triệu con. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi thực hiện tốt công tác an toàn sinh học vẫn ổn định được sản xuất.

Sau hơn 4 tháng xuất hiện dịch tả heo châu Phi (ASF), tổng đàn heo của Đồng Nai đã giảm hơn 1 triệu con. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi thực hiện tốt công tác an toàn sinh học vẫn ổn định được sản xuất. Đây cũng là lực lượng chính góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi heo của Đồng Nai hậu dịch ASF.

Giá heo tăng cao do mất cân đối cung - cầu. Trong ảnh: Heo được giết mổ tại lò giết mổ tập trung Thy Thọ (TP.Long Khánh). Ảnh: H.Quân
Giá heo tăng cao do mất cân đối cung - cầu. Trong ảnh: Heo được giết mổ tại lò giết mổ tập trung Thy Thọ (TP.Long Khánh). Ảnh: H.Quân

[links()]Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu doanh nghiệp ngành chăn nuôi phải nỗ lực tham gia tái đàn heo để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm.

Tỉnh sẽ hỗ trợ hết mức cho những doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư phát triển đàn heo theo hướng bền vững để vừa góp phần giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường, vừa giúp ổn định đời sống của người chăn nuôi.

Đảm bảo an toàn khi tái đàn

Theo ông Trần Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), hiện nhiều trang trại nuôi heo nái tại miền Nam của doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định. Dự định C.P sẽ thay đàn heo nái trong thời gian tới. C.P cũng đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Theo ông Tiến: “Chúng tôi rất chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho người chăn nuôi là khách hàng mua giống, thức ăn, thuốc… về quy trình phòng, chống dịch ASF, nhất là đánh giá tiêu chuẩn về việc đủ điều kiện tái đàn”.

Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại Khu công nghiệp Long Khánh, TP.Long Khánh) cũng đang có kế hoạch tăng đàn trong thời gian tới. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam chia sẻ: “Mong UBND tỉnh ban hành văn bản cho phép doanh nghiệp xây trại chăn nuôi heo mới ở những khu vực đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn heo, bù đắp vào lượng heo giảm do chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại do dịch ASF. Chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại heo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp lại phát huy tác dụng như khi xảy ra dịch ASF”.

Một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi trên địa bàn Đồng Nai cũng cho rằng đây là thời điểm người chăn nuôi phải hết sức thận trọng khi tái đàn. Giải pháp duy nhất bảo vệ đàn heo khỏi dịch ASF là an toàn sinh học, nên tỉnh chỉ khuyến khích các trại chăn nuôi quy mô lớn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ cho tái đàn ở những khu vực người chăn nuôi đã đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học. Các trại giống cần nguồn vốn đầu tư lớn và rủi ro lây lan dịch bệnh lớn hơn so với đàn thịt; chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nên phát triển các đàn heo cho sản phẩm thịt với nhiều lợi thế như nhanh thu hoạch, gần TP.Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước.

Nỗ lực ổn định thị trường

Song song với việc bảo vệ, phát triển đàn heo, Đồng Nai còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường thịt heo, nhất là vào cao điểm Tết Nguyên đán 2020.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân thay đổi về khẩu phần ăn, tăng sử dụng thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản khác bù một phần cho lượng thịt heo bị thiếu hụt do dịch ASF. Chương trình bình ổn giá của tỉnh sẽ dành 30 tỷ đồng để bình ổn riêng mặt hàng này khi xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, cục bộ trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Tham gia chương trình bình ổn giá có các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi và các trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.                

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết, hiện trong khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang tập trung phát triển đàn heo để đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Trong điều kiện dịch tả vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, chỉ doanh nghiệp mới có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học để tái đàn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng đã công bố hết dịch cũng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn sinh học thì mới đủ điều kiện được phép tái đàn.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều