Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào tạo nghề cho người dân vùng dự án: Bài toán lâu dài

04:10, 28/10/2019

Không chỉ giải quyết việc làm trước mắt, công tác đào tạo nghề cho người dân trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) là vấn đề cần phải tính toán lâu dài.

Không chỉ giải quyết việc làm trước mắt, công tác đào tạo nghề cho người dân trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) là vấn đề cần phải tính toán lâu dài.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (bìa phải) giới thiệu với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành)

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (bìa phải) giới thiệu với Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh:K.Giới

Nhu cầu lao động liên quan đến vận hành Sân bay Long Thành trong thời gian tới là rất lớn, bao gồm cả lao động phổ thông và lao động có trình độ, do đó cần có kế hoạch cụ thể để đào tạo con em những hộ dân trong vùng dự án.

* Cần một lượng lao động lớn

Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Sân bay Long Thành, đơn vị tư vấn đã tính toán nhu cầu về lao động cho Sân bay Long Thành ở giai đoạn 1. Theo đó, khi đi vào hoạt động, Sân bay Long Thành cần khoảng 6 ngàn cán bộ, nhân viên để vận hành. Số lao động này được các chuyên gia tính toán dựa trên công suất của sân bay cũng như trên thực tế từ các sân bay hiện đại trên thế giới đang hoạt động. Các chuyên gia cũng cho rằng, số lao động làm việc phục vụ tại Sân bay Long Thành giai đoạn 1 có thể tăng hoặc giảm còn phụ thuộc vào mức độ ứng dụng công nghệ tự động hóa của dự án.

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 11 trường cao đẳng với quy mô tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng là hơn 8,5 ngàn thí sinh, trung cấp hơn 6,7 ngàn và bậc sơ cấp là hơn 10 ngàn người; 10 trường trung cấp có quy mô tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp hơn 3,5 ngàn người, hệ sơ cấp hơn 2 ngàn người.

Không chỉ tính toán số lao động làm việc trực tiếp tại sân bay, báo cáo nghiên cứu khả thi cũng đưa ra con số lao động việc làm gián tiếp mà sân bay mang lại (tính đến năm 2030).

Cụ thể, dự án sẽ đóng góp 0,98% GDP của cả nước và tạo ra 200 ngàn việc làm. Dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội với tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR - tỷ suất chiết khấu kinh tế tối đa để dự án thu hồi nguồn vốn đầu tư và chi phí vận hành đạt được sự hòa vốn) là 19%. Thời gian hoàn vốn của dự án là khoảng 12 năm 10 tháng và doanh thu, lợi nhuận sẽ đạt giá trị dương ngay từ năm đầu tiên khai thác. Cũng theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Sân bay Long Thành, dự án còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, giảm áp lực cho Sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng…

Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, trước mắt trong quá trình triển khai xây dựng Sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 3 ngàn lao động, trong đó 50% là lao động phổ thông. ACV cũng cho rằng cần ưu tiên sử dụng lao động là người dân địa phương thuộc diện bị di dời trong vùng dự án Sân bay Long Thành vào làm việc ngay từ đầu.

* Đào tạo lao động lâu dài

Để biết được chính xác nhu cầu việc làm trước mắt cũng như nhu cầu học nghề, đặc biệt là những nghề có thể vào làm việc trong sân bay của người dân bị thu hồi đất cho dự án xây dựng Sân bay Long Thành, Sở Lao động - thương binh và xã hội đang thực hiện công tác điều tra, thu thập thông tin từ 5 ngàn hộ gia đình, hơn 10 ngàn cá nhân có độ tuổi từ 15 trở lên. Phiếu thu thập thông tin được thiết kế chi tiết về nhu cầu đào tạo nghề, nhu cầu công việc.

Ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Phó trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, hiện tại, công tác thu thập thông tin đã sắp hoàn tất. Sau khi có đầy đủ thông tin sẽ thực hiện bước tiếp theo là giới thiệu việc làm theo nhu cầu cho người dân. Đối với các trường hợp học nghề, Sở cũng sẽ kết nối với các trường, trung tâm đào tạo để dạy nghề cho những người có nhu cầu học.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho hay, khi thống kê xong nhu cầu học nghề của người dân trong vùng dự án, Sở sẽ giới thiệu những người có nguyện vọng học nghề đến các trường, trung tâm đào tạo để đăng ký học và có các chính sách hỗ trợ cụ thể.

Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội cũng cho biết thêm, sở dĩ phải thực hiện kỹ lưỡng công tác điều tra thông tin nhu cầu học nghề của người dân trong vùng dự án Sân bay Long Thành là để tính toán cho sau này. Cụ thể, ngoài việc lấy thông tin của những người từ 15 tuổi trở lên phục vụ nhu cầu đào tạo nghề để bố trí công việc trước mắt, còn khảo sát cả các em dưới 15 tuổi để có phương án đào tạo hướng nghiệp cho lâu dài. Bởi việc tư vấn nghề nghiệp cho con em các hộ dân bị thu hồi đất rất quan trọng, đặc biệt là những nghề liên quan đến hoạt động của sân bay.

Ông Cộng thông tin thêm, Sở sẽ phối hợp với ACV để có những phương án lâu dài trong việc tư vấn, đào tạo nghề đặc thù của ngành hàng không cho con em người dân trong vùng dự án Sân bay Long Thành. 

Khắc Giới

Tin xem nhiều