Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi cho phép khai thác cát trở lại: Siết chặt quản lý

10:09, 06/09/2019

Cùng với việc cho phép khai thác cát trở lại để đáp ứng nhu cầu xây dựng, 3 địa phương Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước cũng thống nhất "siết" chặt các biện pháp quản lý.

Cùng với việc cho phép khai thác cát trở lại để đáp ứng nhu cầu xây dựng, 3 địa phương Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước cũng thống nhất “siết” chặt các biện pháp quản lý.

Một chiếc ghe khai thác cát hoạt động trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P. Tùng
Một chiếc ghe khai thác cát hoạt động trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P. Tùng

* Cho khai thác trở lại vì… thiếu cát

Cuối tháng 5-2017, 3 địa phương gồm Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước quyết định tạm ngưng tất cả các dự án khai thác cát đã được cấp phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa các địa phương.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định nói trên là việc khó quản lý đối với hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc cấp phép để hút cát cả ngày lẫn đêm khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Ngoài ra, do là khu vực giáp ranh nên cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp dù được cấp phép khai thác ở địa phương này nhưng vẫn “vươn vòi” sang địa phận địa phương khác để khai thác.

Một phần đất sản xuất của người dân ấp 3, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú bị sạt lở do hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp được cấp phép phía bờ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P. Tùng
Một phần đất sản xuất của người dân ấp 3, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú bị sạt lở do hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp được cấp phép phía bờ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: P. Tùng

Sau hơn 2 năm tạm ngưng, mới đây, cả 3 địa phương đã cùng thống nhất chủ trương cho phép khai thác cát trở lại đối với các doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng bị tạm ngưng trước đó.

Ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, lý do khiến 3 địa phương quyết định cho phép các doanh nghiệp khai thác cát trở lại là trong thời gian tạm ngưng, trên địa bàn các vùng giáp ranh xảy ra tình trạng khan hiếm, “sốt giá” cát xây dựng. Theo ông Võ Hồng Vinh, những dự án khai thác cát được cấp phép trước đây chính là nguồn cung ứng cát xây dựng cho các huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai); Cát Tiên, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) và Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Trong hơn 2 năm tạm ngưng khai thác, nguồn cát các công trình xây dựng trên địa bàn các địa phương trên bị thiếu hụt nghiêm trọng. “Việc thiếu cát xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương” - ông Võ Hồng Vinh cho biết.

Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Hữu Ký thừa nhận, việc tạm ngưng các dự án khai thác cát thời gian qua có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. “Sau khi tạm ngưng khai thác, cát xây dựng trên địa bàn huyện khan hiếm khiến giá tăng vọt, ảnh hưởng rất lớn đến các công trình xây dựng” - ông Nguyễn Hữu Ký cho hay.

Cũng theo ông Ký, do khan hiếm, “sốt giá” nên dù các dự án được cấp phép tạm ngưng nhưng hoạt động khai thác cát “lậu” lại gia tăng.

* Mỗi vị trí tối đa hai phương tiện khai thác

Việc khai thác cát của các doanh nghiệp trước đây tại khu vực giáp ranh đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường và đời sống người dân, nhất là tình trạng sạt lở đất. Do đó, việc cho phép các doanh nghiệp khai thác cát trở lại cũng gây ra không ít những lo lắng.

Một chiếc ghe khai thác các hoạt động trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai
Một chiếc ghe khai thác các hoạt động trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai (ảnh trái). Một phần đất sản xuất của người dân ấp 3, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú bị sạt lở do hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp được cấp phép phía bờ tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Tùng

Theo ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, những năm qua một số diện tích Vườn quốc gia Cát Tiên bị sạt lở do hoạt động khai thác cát. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái vườn. “Chúng tôi không phản đối việc khai thác cát, tuy nhiên phải thực hiện đúng quy định, đúng vị trí được cấp phép” - ông Trần Văn Bình nhấn mạnh.

Trước những lo lắng trên, ông Võ Hồng Vinh cho biết, trước khi đi đến chủ trương cho phép khai thác cát trở lại, cả 3 địa phương đã thống nhất các biện pháp tăng cường quản lý.

Cụ thể, theo ông Võ Hồng Vinh, đối với mỗi vị trí khai thác, doanh nghiệp chỉ được sử dụng tối đa hai phương tiện khai thác theo công suất đã đăng ký. Các phương tiện này cũng sẽ được gắn thiết bị định vị, camera hành trình để giám sát.

Để tránh tình trạng được cấp phép ở địa phương này nhưng vẫn lén lút hút cát tại địa phận địa phương khác, các địa phương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thả phao định vị vị trí khai thác. Thời gian khai thác cũng được các địa phương quy định rõ với các doanh nghiệp từ 6-18 giờ hằng ngày. Cấm tuyệt đối khai thác cát vào ban đêm.

Một điểm mới nữa cũng được các địa phương đồng ý thực hiện là việc hằng tháng, các doanh nghiệp phải thống kê, khai báo sản lượng khai thác thực tế để tính thuế tài nguyên khoáng sản. Đây là việc làm nhằm tránh thất thu thuế khi các doanh nghiệp thường thống kê số lượng khai thác thấp hơn so với thực tế. “Các quy định này doanh nghiệp khai thác phải chấp hành nghiêm. Nếu xảy ra sai phạm, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép khai thác. Riêng việc để xảy ra sạt lở bờ sông do khai thác cát, các doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại” - ông Võ Hồng Vinh nhấn mạnh.

Tại thời điểm tạm ngưng khai thác cát, trên địa bàn giáp ranh 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước có 20 dự án khai thác cát được cấp phép trên sông Đồng Nai và sông Đạ Huoai còn hiệu lực. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có 17 dự án được cấp phép, tỉnh Đồng Nai có 2 dự án được cấp phép và tỉnh Bình Phước có 1 dự án được cấp phép. Đến thời điểm này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi giấy phép của 13 dự án khai thác cát.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều