Báo Đồng Nai điện tử
En

Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

04:09, 27/09/2019

Từ đầu năm đến nay, các công trình đầu tư công giải ngân rất chậm so với cùng kỳ năm trước (cả nước mới đạt gần 50%). Có nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân nguồn vốn nhà nước chậm...

Ngày 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, các tỉnh, thành. Trong 9 tháng của năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt gần 50%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là dự án quốc gia nhưng thời gian thi công và giải ngân rất chậm so với tiến độ
Nút giao thông Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là dự án quốc gia nhưng thời gian thi công và giải ngân rất chậm so với tiến độ

Năm 2019, Quốc hội giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 429,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước 369,3 ngàn tỷ đồng, vốn nước ngoài là 60 ngàn tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương trên 391 ngàn tỷ đồng, đạt trên 92% so với kế hoạch Quốc hội giao.

* Giải ngân vốn chậm

Từ đầu năm đến nay, các công trình đầu tư công giải ngân rất chậm so với cùng kỳ năm trước. Có nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân nguồn vốn nhà nước chậm như: vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ thủ tục chuẩn bị thực hiện dự án, việc này có liên quan đến Luật Đầu tư công, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chậm trễ trong quá trình triển khai dự án... Ngoài ra, còn do việc giao vốn cho các dự án thường giao trọn gói, chưa tính toán theo từng giai đoạn để bố trí vốn cho phù hợp. Trong khi các dự án ở giai đoạn làm thủ tục hồ sơ và bồi thường vốn ít và chậm hơn giai đoạn thi công.

Không để "rút ruột" công trình

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn xuân Phúc chỉ đạo, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân theo đúng kế hoạch thì phải đảm bảo chất lượng của công trình. Các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng "rút ruột" công trình. Thời gian để hoàn thành các công trình đầu tư vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020 chỉ còn hơn 1 năm nữa nên phải gấp rút thực hiện các dự án và giải ngân để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm nay và năm sau.

Có 4 dự án trọng điểm của quốc gia phải chú ý thực hiện nhanh là: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và tuyến đường sắt metro.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Nhiều dự án lớn của Trung ương và các tỉnh, thành giải ngân rất chậm do vướng vào các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, còn do các tỉnh, thành lập kế hoạch chưa phù hợp, dẫn đến việc phân bổ vốn không đúng theo yêu cầu”.

Nhiều dự án trọng điểm quốc gia nguồn vốn phân bổ lớn nhưng lại không giải ngân được. Đơn cử như đường cao tốc Bắc - Nam, năm 2019, Chính phủ bố trí vốn 7 ngàn tỷ đồng, nhưng hiện mới giải ngân được hơn 200 tỷ đồng. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bố trí hơn 11 ngàn tỷ đồng cho năm 2019, song hết tháng 8 mới giải ngân trên 300 tỷ đồng. Ngoài ra còn có dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án tuyến đường sắt metro...

Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay: “Năm nay, Chính phủ giao cho Bộ khởi công 25 dự án mới, việc giải ngân các dự án từ đầu năm đến nay rất chậm vì phải hoàn tất thủ tục hồ sơ, tiến hành giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Dự kiến cuối năm, việc giải ngân sẽ nhanh hơn. Bộ đang đốc thúc các chủ dự án thực hiện nhanh các giải pháp để kịp thời giải ngân vốn ngân sách”. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải vốn ODA giải ngân rất thấp còn do các tỉnh, thành thiếu nguồn vốn đối ứng. Bộ yêu cầu các dự án do Bộ đầu tư đến cuối năm nay phải giải ngân được 95% nguồn vốn Chính phủ đã bố trí.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, nhiều dự án ngành Giáo dục giải ngân thấp là vì năng lực của chủ đầu tư yếu dẫn đến hồ sơ dự án trong quá trình thi công phải mất thời gian điều chỉnh cho phù hợp.

* Phân cấp các dự án

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành nên phân cấp, phân quyền các dự án để các địa phương thực hiện, tránh trường hợp nhiều bộ ngành ôm đồm quá nhiều dự án khi triển khai rất chậm, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Lạng Sơn, TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... đều đề xuất Chính phủ những dự án lớn của quốc gia, vùng nên tách ra giao phần giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện trước, như vậy sẽ nhanh hơn là gộp lại phải chờ đợi các khâu khác sẽ rất lâu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Quý Kiên cho hay: “Có dự án do Bộ đầu tư trải dài qua nhiều tỉnh, thành nên công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Nếu tách ra giao cho các địa phương thực hiện và Bộ giám sát sẽ thuận lợi hơn. Hiện Bộ cũng đã phân cấp và giao về cho các tỉnh, thành các dự án thuộc địa bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ”. Trong Luật Đầu tư công không nhắc đến việc tách riêng các phần và lập hồ sơ để giải phóng mặt bằng, xây lắp nên rất khó cho các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các dự án lớn.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Thời gian qua, mới chỉ có riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đề xuất cơ chế riêng là cho tách phần giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để đẩy nhanh tiến độ, còn các dự án khác vẫn gộp chung nên thời gian thực hiện rất dài”. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo những dự án lớn nên tách ra thành các tiểu dự án để làm cùng lúc và phần quyền cho các địa phương để rút ngắn thời gian.

* Các giải pháp để giải ngân nhanh

Các dự án đầu tư công chủ yếu trên lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật. Trong đó có những dự án lớn về giao thông khi hoàn thành sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó giải ngân các dự án đầu tư công nhanh cũng đồng nghĩa với việc rút ngắn tiến độ dự án, sớm đưa các công trình đi vào khai thác.

Phó tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đặng Thế Vinh đề xuất: “Để giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đúng theo kế hoạch thì các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phù hợp với quá trình giải ngân. Nhắc nhở các chủ đầu tư thực hiện tiến độ công trình đến đâu giải ngân đến đó, tránh để dồn đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân”. Tại nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành qua kiểm tra, kiểm toán nhà nước phát hiện nhiều đơn vị ngại làm hồ sơ giải ngân nhiều đợt trong năm nên hay dồn cả vào cuối năm mới làm hồ sơ giải ngân vốn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, Chính phủ nên xem xét lại một số quy định thủ tục còn rườm rà có liên quan đến các luật làm ảnh hưởng đến nhiều công trình trọng điểm. Chính phủ sớm có tháo gỡ để các dự án có thể rút ngắn thời gian làm hồ sơ. Phía các chủ đầu tư cũng chọn những doanh nghiệp có năng lực thực sự để lập dự án để khi đưa vào làm ít phải điều chỉnh.

Đồng Nai là nơi có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, Chính phủ, Quốc hội rất quan tâm đến tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Gần 1 năm qua tôi đã phải ký 45 hiệp định có nguồn vốn vay, hỗ trợ lên đến 7,5 tỷ USD, song có đến 40% hiệp định ký là để gia hạn thời gian thực hiện các dự án vì chưa giải ngân kịp. Hiện vẫn còn tình trạng phân cấp, phân quyền chồng chéo khiến các dự án kéo dài thời gian vì phải chờ đợi. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát lại các dự án, đẩy nhanh tiến độ. Ưu tiên cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải thực hiện đúng tiến độ”. Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và đều mong muốn sẽ khởi công đúng theo lộ trình.

Đồng Nai sẽ giao mặt bằng đúng quy định

Tại đầu cầu Đồng Nai, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng chủ trì hội nghị.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, năm 2019, vốn đầu tư công tỉnh được giao là hơn 18,8 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương trên 7,2 ngàn tỷ đồng và vốn Chính phủ cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là gần 11,5 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn của địa phương đến hết tháng 8-2019, giải ngân đạt 40,8% kế hoạch. Còn nguồn vốn cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân được 2%. Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai chậm là do một số chủ đầu tư lập hồ sơ chậm, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài... Tuy nhiên, tỉnh cam kết đến tháng 10-2020 sẽ bàn giao mặt bằng hơn 1.800 hécta khu vực ưu tiên. Phần còn lại hơn 3.190 héc ta cũng sẽ hoàn thành công tác bồi thường trong năm 2020.

 Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích