Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần tính toán hiệu quả các dự án cấp vùng

06:09, 26/09/2019

Một số dự án có quy mô cấp vùng hiện đang được quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của các dự án này nếu được phê duyệt thực hiện. 

Một số dự án có quy mô cấp vùng hiện đang được quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của các dự án này nếu được phê duyệt thực hiện. 

Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai dù được quy hoạch là một trung tâm mang tầm vùng nhưng hiệu quả hoạt động lại không cao
Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai dù được quy hoạch là một trung tâm mang tầm vùng nhưng hiệu quả hoạt động lại không cao

* Dự án cấp vùng, hiệu quả cấp tỉnh

Theo Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, hiện thành phố đang phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá lại hiệu quả của dự án trung tâm đào tạo, y tế và trung tâm thể dục - thể thao cấp vùng được đề xuất trong quy hoạch 2 phân khu của phường Tam Phước. Hướng thực hiện sẽ là điều chỉnh quy mô cho phù hợp, tránh quy hoạch quá lớn, không khả thi khi thực hiện sẽ gây ra quy hoạch treo.

Tháng 4-2013, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (trước đây có tên gọi là Trung tâm giới thiệu việc làm khu vực miền Nam, trụ sở tại phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) được khánh thành và đưa vào hoạt động.

Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai do Bộ Lao động - thương binh và xã hội làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 150 tỷ đồng. Tổng diện tích xây dựng của trung tâm là 69 ngàn m2 gồm 3 hạng mục chính: khối hành chính, quản lý; thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm; hạ tầng kỹ thuật. Trong đó khối thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm có quy mô 4 tầng.

Theo thiết kế, nơi đây có thể tổ chức các sàn giao dịch việc làm quy mô lớn với sức chứa 200 doanh nghiệp và hơn 5 ngàn lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai là một trong 4 trung tâm giới thiệu việc làm cấp khu vực của cả nước được xây dựng vào thời điểm bấy giờ. Với quy mô đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai được Bộ Lao động - thương binh và xã hội đặt mục tiêu không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng lao động cho thị trường trong tỉnh mà còn có chức năng điều tiết lao động cho cả khu vực Đông Nam bộ, Tây nguyên..., tạo sự kết nối cung cầu lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, đến năm 2017, mục tiêu này của Bộ Lao động - thương binh và xã hội bị “phá sản”. Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết, theo đề án ban đầu, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai là một trung tâm có tính chất cấp vùng. Ngoài hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, trung tâm còn có các nhiệm vụ khác như: tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, dạy một số nghề ngắn hạn…

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của trung tâm chủ yếu chỉ phục vụ các nhu cầu trong tỉnh. Chính vì vậy, nhiều hạng mục như: phòng thực hành tin học, dạy nghề may công nghiệp, sửa chữa máy may, hội trường, thư viện... hiệu quả khai thác không cao. “Sau 4 năm hoạt động, do không thực hiện được chức năng của một trung tâm cấp vùng nên Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã có công văn chuyển trung tâm về cho UBND tỉnh quản lý” - ông Huỳnh Ngọc Long cho biết.

Số lượng người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai ngày càng giảm
Số lượng người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai ngày càng giảm

Từ một trung tâm cấp vùng bị “giáng cấp” về phục vụ cho nhu cầu của một địa phương nên hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Huỳnh Ngọc Long, hiện nay công nghệ thông tin phát triển, người lao đông có thể tự tìm việc thông qua internet nên nhu cầu đến sàn giao dịch việc làm tìm việc không cao. Do đó, công năng của trung tâm cũng chỉ được khai thác một phần. “Trước đây, mỗi phiên tổ chức của sàn giao dịch việc làm thu hút khoảng 1 ngàn người lao động tham gia thì hiện nay số lao động tham gia đã giảm phân nửa”.

Tương tự, các phòng dạy nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai hiện cũng rơi vào cảnh không thể sử dụng hết công năng. Bởi, theo thống kê mỗi năm trung tâm chỉ thu hút được khoảng 1 ngàn người đến học nghề.

Do không khai thác hết công năng nên hiện nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã bàn giao lại cho Trường đại học Đồng Nai 3 hécta đất trong tổng số gần 7 hécta được quy hoạch ban đầu.

* Tính toán quy mô hợp lý

Ngoài Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, hiện nay, theo đề nghị của các ngành, một số dự án quy mô cấp vùng cũng đang được đưa vào quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Chẳng hạn, trong quy hoạch xây dựng phân khu C1, D2 thuộc phường Tam Phước, TP.Biên Hòa, một trung tâm đào tạo, y tế và một trung tâm thể dục - thể thao cấp vùng đã được ngành Y tế và ngành Văn hóa - thể thao và du lịch đề xuất thực hiện.

Theo đó, trung tâm đào tạo, y tế cấp vùng được đề xuất quy hoạch trên diện tích khoảng 200 hécta. Trong đó khu y tế chuyên khoa và kỹ thuật cao có diện tích khoảng 60 hécta và khu đào tạo nghiên cứu có quy mô khoảng 140-150 hécta. Cũng theo đề xuất, trong trung tâm này sẽ tiến hành xây dựng 3 bệnh viện chức năng. Trong khi đó, trung tâm thể dục - thể thao cấp vùng được đề xuất quy hoạch với diện tích khoảng 70 hécta.

Trước quy mô quá lớn của các trung tâm này, có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khả năng thực hiện cũng như tính hiệu quả. Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước lo ngại, khu vực quy hoạch 2 trung tâm nói trên hiện tập trung rất đông người dân sinh sống. Do đó, nếu thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do số lượng hộ dân bị thu hồi đất rất lớn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, với quy mô như đã đề xuất, nếu được phê duyệt thực hiện thì khả năng kêu gọi đầu tư cho các dự án này cũng khó khả thi. Cùng với đó, hiệu quả khai thác cũng sẽ không cao. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá lại quy mô của các quy hoạch này. Đặc biệt, tính hiệu quả cần được tính toán kỹ lưỡng, nếu hiệu quả thấp cần mạnh dạn loại bỏ để tránh lãng phí về sau.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, cần xem xét kỹ khu vực xung quanh đã có dự án tương tự hay chưa, nếu có rồi thì nên loại bỏ. Trường hợp chưa có thì cần tính toán xem nhu cầu của TP.Biên Hòa, của tỉnh là bao nhiêu để điều chỉnh quy mô cho phù hợp. “Không nên chạy theo các dự án quy mô cấp vùng mà phải tính được hiệu quả của dự án đối với thành phố, đối với tỉnh ra sao”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều