Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo lợi ích chung và mục tiêu phát triển

11:09, 20/09/2019

Với nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang xây dựng và sắp khởi công, Đồng Nai trở thành tâm điểm của cơn "sốt đất" khu vực phía Nam. Giá đất chuyển nhượng trên thị trường thực tế đã tăng từ 4-12 lần.

Với nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang xây dựng và sắp khởi công, Đồng Nai trở thành tâm điểm của cơn “sốt đất” khu vực phía Nam. Giá đất chuyển nhượng trên thị trường thực tế đã tăng từ 4-12 lần. Bảng giá đất mới tuy có điều chỉnh tăng cao nhưng được cho là vẫn cách khá xa với giá thị trường.

Với nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang xây dựng và sắp khởi công, Đồng Nai trở thành tâm điểm của cơn “sốt đất” khu vực phía Nam. Ảnh: K. Minh
Với nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn đang xây dựng và sắp khởi công, Đồng Nai trở thành tâm điểm của cơn “sốt đất” khu vực phía Nam. Ảnh: K. Minh

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng bảng giá đất tỉnh, Đồng Nai xây dựng giá đất cho giai đoạn tới vào đúng thời điểm đất trên thị trường đang “nóng”. Vì vậy, giá đất ở mỗi khu vực phải tính toán, cân nhắc để hài hòa giữa lợi ích của người dân và đáp ứng cho phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

* Giá chuyển nhượng cao

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, giá tất cả các loại đất trên địa bàn tỉnh đều tăng cao từ khu vực có công nghiệp phát triển đến vùng sâu, vùng xa. Chẳng hạn như tại khu vực huyện Trảng Bom, bảng giá đất nông nghiệp năm 2019 do UBND tỉnh ban hành từ 60-370 ngàn đồng/m2, song trên thị trường người dân đã mua bán từ 1-5 triệu đồng/m2. Đất ở được mua bán với giá từ 3-50 triệu đồng/m2. Tuyến đường có giá đất cao nhất tại huyện Trảng Bom là quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Trị An đến giáp TP.Biên Hòa. đất ở tại huyện Long Thành dọc theo tuyến quốc lộ 51 có giá chuyển nhượng cao gấp 6-12  lần so với bảng giá đất, đất nông nghiệp tăng 4-12 lần.

Ông Lê Văn Tân, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tài nguyên - môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) - đơn vị được giao điều tra, tư vấn, xây dựng giá đất cho hay: “Qua điều tra, giá đất thực tế ở nhiều địa phương tăng gấp nhiều lần so với bảng giá đất của tỉnh, song đơn vị tư vấn không thể kiến nghị tỉnh tăng gần bằng giá thị trường trong bảng giá đất mới. Vì nếu điều chỉnh gần bằng giá thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, tỉnh sẽ cân nhắc, so sánh với giá đất các tỉnh lân cận để điều chỉnh mức tăng cho phù hợp”.

Những địa phương có giá đất biến động lớn trong thời gian qua là: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Biên Hòa. Tại đây có những khu vực có giá đất chuyển nhượng thực tế đã tăng hơn 10 lần. Còn những nơi giá đất trên thị trường biến động ít là xã Đắc Lua, Phú Sơn (huyện Tân Phú); xã Xuân Hòa, Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc); xã Mã Đà, Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), song mức tăng cũng hơn 2 lần so với giá đất quy định.

Ông Ngô Đức Vượng, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Trảng Bom cho hay: “Có những khu vực ở huyện Trảng Bom, giá đất nông nghiệp tăng gần 20 lần. Do đó, huyện đề nghị tỉnh tăng giá đất nông nghiệp ở những khu vực này lên khoảng 5 lần so với giá hiện tại”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các sở, ngành cho rằng, giá đất trên thị trường Đồng Nai hiện nay có những nơi đang “sốt” và giá bị đẩy lên rất cao, ít người giao dịch. Vì thế nếu quá phụ thuộc vào giá thị trường để điều chỉnh giá đất cho giai đoạn tới sẽ không thích hợp vì nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

* Tính đến lợi ích chung

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhận định, Đồng Nai xây dựng bảng giá đất vào đúng thời điểm đất đai trên địa bàn đang “nóng”, giá bị đẩy lên cao. Tuy bảng giá đất xây dựng trên cơ sở điều tra giá đất giao dịch ngoài thị trường, phân tích, đánh giá để đưa ra mức giá cho giai đoạn 2020-2024, nhưng tỉnh sẽ xem xét và đưa ra giá đảm bảo được lợi ích chung của đa số người dân và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giá đất của Đồng Nai sẽ xây dựng dựa trên khung giá đất của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng làm việc với các tỉnh, thành lân cận như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng để tham khảo thêm giá đất ở những khu vực giáp ranh với các tỉnh, thành nhằm xây dựng giá đất những khu vực trên cho tương thích, không được cao hơn hoặc thấp hơn 30%.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn, trong bảng giá đất mới, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện thấp hơn giá thị trường 2-4 lần, nhưng huyện vẫn thống nhất, vì so với những vùng giáp ranh của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bảng giá đất của họ cũng tương đương.

Theo tìm hiểu, các tỉnh lân cận Đồng Nai cũng đang xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn tới và cũng không chọn cách áp sát giá thị trường mà cân nhắc các mục tiêu, lợi ích chung của người dân để xây dựng cho phù hợp.

“Thời gian qua, nhiều dự án, công trình trên địa bàn tỉnh bị “treo” thời gian dài vì giá đất quá cao, nhà đầu tư chưa có đủ nguồn kinh phí để chi trả bồi thường, chuyển mục đích sử dụng đất... Vì thế, tỉnh sẽ công khai bảng giá đất đang dự thảo để lấy thêm ý kiến, điều chỉnh cho phù hợp, khi ban hành không phát sinh những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Khánh Minh

Tin xem nhiều