Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm nguồn vốn cho dự án trọng điểm ở Biên Hòa

10:08, 07/08/2019

Bốn dự án trọng điểm của TP.Biên Hòa đang được UBND tỉnh tính toán lại phương án vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng. Đây là một quyết tâm lớn của tỉnh trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp.

Bốn dự án trọng điểm của TP.Biên Hòa đang được UBND tỉnh tính toán lại phương án vốn đầu tư nhằm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng. Tập trung nguồn vốn để đầu tư cho các công trình trọng điểm này là một quyết tâm lớn của tỉnh trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trình bày phương án đầu tư dự án đường ven sông Cái. ẢNh: V.NAM
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh trình bày phương án đầu tư dự án đường ven sông Cái. ẢNh: V.NAM

TP.Biên Hòa có 4 dự án trọng điểm là: đường trục trung tâm TP.Biên Hòa và cầu Thống Nhất; đường ven sông Cái; đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu) và hương lộ 2 (đoạn từ quốc lộ 51 đến cầu An Hòa). Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các dự án trọng điểm này phải khởi công được trong năm 2020. Như vậy, khối lượng công việc đối với UBND TP.Biên Hòa cũng như các sở, ngành sẽ rất lớn.

* Dùng dằng vì thiếu vốn

Những dự án trên đã được UBND TP.Biên Hòa kêu gọi đầu tư theo hình thức BT quỹ đất (đổi đất lấy công trình), tuy nhiên thực tế triển khai gặp khá nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, các dự án này đã có chủ trương đầu tư từ khá lâu, nhưng do nhu cầu vốn quá lớn nên dùng dằng mãi không thể triển khai được.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hai dự án đường ven sông Cái; trục đường trung tâm và cầu Thống Nhất thuộc dự án nhóm A phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) cần hoàn tất các thủ tục sớm.

Đơn cử, dự án cầu Thống Nhất có tổng nhu cầu vốn (tiền giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng) lên đến 1.700 tỷ đồng, hay dự án đường ven sông Cái có tổng chi phí gần 2 ngàn tỷ đồng.

Chỉ tính riêng dự án đường ven sông Cái, quỹ đất dự kiến dùng để thanh toán cho nhà đầu tư là gần 53 hécta, nằm ở 14 khu vực khác nhau. Với dự án này, một số nhà đầu tư đến tìm hiểu khá sớm, nhưng rồi lại rút lui do vốn quá lớn, sau đó UBND TP.Biên Hòa đã mời gọi được nhà đầu tư khác, song cuối cùng dự án vẫn không thể triển khai.

“Thời gian qua, chính quyền thành phố cũng cố gắng kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án trọng điểm, đã có các nhà đầu tư tốt quan tâm nhưng lại vướng chính sách, cụ thể là Chính phủ cho tạm dừng hình thức đầu tư BT quỹ đất nên không triển khai được. Mới đây, UBND tỉnh quyết định cho đầu tư các dự án này bằng nguồn vốn ngân sách, hy vọng tháo gỡ được” - ông Dũng chia sẻ.

* Chuẩn bị kỹ để sớm khởi công

Nhằm gỡ khó cho việc đầu tư 4 công trình trọng điểm của TP.Biên Hòa, UBND tỉnh đã chuyển phương án đầu tư từ BT đất sang hình thức đầu tư công bằng vốn ngân sách và dự kiến khởi công trong  năm 2020.

Dự án đường ven sông Cái có tổng vốn đầu tư 2 ngàn tỷ đồng; dự án hương lộ 2 (đoạn xã An Hòa - xã Long Hưng) nhu cầu vốn 1.150 tỷ đồng; dự án Cầu Thống Nhất bắc qua sông Cái tổng số vốn 1.700 tỷ đồng; dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến huyện Vĩnh Cửu) gần 1 ngàn tỷ đồng.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, nếu chờ đợi hướng dẫn mới về hình thức đầu tư BT đất của Chính phủ thì chưa biết khi nào mới có, trong khi đây là những dự án cần đầu tư sớm vì có tác động rất lớn đến đô thị cũng như phát triển kinh tế - xã hội của TP.Biên Hòa. Chính vì vậy, UBND tỉnh sẽ điều tiết nguồn vốn từ việc đấu giá các khu đất công để thực hiện các dự án này.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, vấn đề vốn có thể được tháo gỡ, nhưng phần việc rất quan trọng quyết định đến tiến độ khởi công dự án là giải phóng mặt bằng. Về vấn đề này, UBND TP.Biên Hòa cần hết sức khẩn trương xây dựng các khu tái định cư để bố trí kịp thời cho người dân khi thực hiện thu hồi đất.

Cùng quan điểm này, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cũng cho rằng, công tác thực hiện bồi thường giải tỏa, thu hồi đất cho các dự án của TP.Biên Hòa là rất nặng nề, do đó UBND thành phố cần tính toán huy động tập trung nhân lực tối đa mới có thể thực hiện kịp. Cùng với đó là công tác lập dự toán về nhu cầu vốn cụ thể trong từng năm là bao nhiêu để tỉnh cân đối điều tiết kịp thời, bởi các dự án không thể hoàn thành ngay trong 1 năm và nguồn vốn không nên ở tình trạng bố trí đủ nhưng giải ngân không kịp, trong khi các dự án khác cũng đang cần.                          

Vân Nam

Tin xem nhiều