Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân lo dịch bệnh tấn công cây trồng

09:08, 11/08/2019

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh đang tấn công cả cây trồng lâu năm lẫn cây hằng năm. Nhiều nông dân khốn đốn vì vườn tiêu chết trắng, nhiều vườn cây ăn trái bị dịch bệnh làm giảm năng suất.

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh đang tấn công cả cây trồng lâu năm lẫn cây hằng năm. Nhiều nông dân khốn đốn vì vườn tiêu chết trắng, nhiều vườn cây ăn trái bị dịch bệnh làm giảm năng suất.

Nông dân tại TP.Long Khánh chặt bỏ vườn tiêu bị dịch bệnh. ẢNh: B.NGUYÊN
Nông dân tại TP.Long Khánh chặt bỏ vườn tiêu bị dịch bệnh. ẢNh: B.NGUYÊN

Nỗi lo lắng của nông dân đang tăng lên khi bước vào cao điểm mùa mưa bão, thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh lan nhanh. Nông dân đang tiếp tục đổ công, đổ của nhằm ngăn các loại dịch bệnh trên cây trồng.

* Dịch bệnh xuất hiện nhiều

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh đã tấn công cả cây trồng lâu năm và hằng năm. Cụ thể, ở cây hồ tiêu, trên phạm vi toàn tỉnh đã có trên 4 ngàn hécta bị bệnh chết nhanh, chết chậm, bệnh thán thư, bệnh tuyến trùng, rệp sáp...

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã chỉ đạo các trạm trồng trọt - bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu bệnh; phối hợp địa phương tổ chức kiểm tra tình hình sâu bệnh; hướng dẫn nông dân các biện pháp bảo vệ cây trồng trước điều kiện thời tiết bất lợi. Trong đó, tập trung hướng dẫn nông dân gieo trồng, các biện pháp chăm sóc và dự báo sâu bệnh cây trồng vụ hè thu. Riêng với dịch khảm lá mì, Đồng Nai đã triển khai 4 mô hình giống khoai mì sạch bệnh tại huyện Long Thành; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân về công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hại này.

Bà Nguyễn Thị Bảy, Tổ trưởng Tổ hợp tác cụm 3, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “3 năm liên tiếp gần đây, giá tiêu luôn ở mức thấp, thu không đủ bù chi. Nông dân trồng tiêu kiệt quệ không còn vốn đầu tư, có người thì nản nên không quan tâm chăm sóc. Hiện nay nhiều vườn tiêu đang lụi dần vì không được chăm sóc, dịch bệnh lây lan”.

Vụ thu hoạch năm nay, không ít vườn sầu riêng cũng bị mất năng suất do ảnh hưởng thất thường của thời tiết. Trong đó, có trên 2 ngàn hécta sầu riêng bị các loại dịch bệnh như: chảy gôm, cháy lá chết đọt, bệnh nấm hồng, bệnh thối gốc...

Ngoài ra, hàng trăm hécta cà phê bị nhiễm rệp sáp, bị khô cành, khô quả, bệnh nấm hồng khiến người trồng bị thiệt hại không nhỏ. Cả ngàn hécta các loại cây ăn trái khác như: chôm chôm, xoài, cây có múi... cũng bị ảnh hưởng vì các loại bệnh rệp sáp, sâu đục cành, cháy lá, nhện đỏ, ruồi đục trái...

Không chỉ cây lâu năm, cây trồng hằng năm cũng phải đối mặt với không ít các loại dịch bệnh. Trong đó, trên 1,2 ngàn hécta lúa bị bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá. Dịch khảm lá mì, sâu keo mùa thu trên cây bắp càng đáng báo động vì đây là dịch bệnh mới có tốc độ lây lan nhanh, lại chưa có giải pháp phòng, trừ tận gốc.

* Khó xử lý dứt điểm

Ông Phạm Bá Trung, nông dân tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lo lắng: “Vụ thu hoạch vừa qua, một số rẫy mì của tôi bị giảm năng suất, giá bán cũng thấp hơn vì lượng bột thấp do bị ảnh hưởng của dịch khảm lá mì. Điều đáng lo lắng hơn là trong đợt xuống giống mới của vụ này, dù tôi đã chủ động xịt thuốc diệt bọ phấn trắng nhưng 10 hécta mì của gia đình tôi đều bị nhiễm dịch khảm lá. Một số rẫy mì bị nhiễm nặng tôi buộc phải nhổ bỏ những cây mì bị bệnh nặng để hạn chế lây lan. Vụ thu hoạch năm nay có nguy cơ thua lỗ”.

Nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lo lắng vì dịch khảm lá mì có nguy cơ bùng phát trở lại. Ảnh: B.Nguyên Nông dân tại TP. Long Khánh chặt bỏ vườn tiêu bị dịch bệnh.
Nông dân xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) lo lắng vì dịch khảm lá mì có nguy cơ bùng phát trở lại. Ảnh: B.Nguyên Nông dân tại TP. Long Khánh chặt bỏ vườn tiêu bị dịch bệnh.

Ông Hoàng Thanh Bạch, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hòa nhận xét: “Toàn xã có khoảng 200 hécta mì bị bệnh khảm lá. Tuy diện tích rẫy mì bị nhiễm bệnh nặng không nhiều nhưng nguy cơ dịch này tiếp tục lây lan nhanh trong vụ sản xuất mới là rất lớn. Nông dân trồng bắp trong vùng cũng lo lắng vì dịch sâu keo mùa thu, loài sâu mới có nguy cơ gây hại rất lớn cho cây trồng này”.

Nông dân đang đổ công, đổ của ra giữ vườn cây khỏi rủi ro dịch bệnh mùa mưa. Bà Nguyễn Thị Hiền, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) lo lắng: “Bệnh nấm “tắc kè” thường xuất hiện và lây lan nhanh trên cây thanh long vào mùa mưa. Đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, nông dân trồng thanh long phải theo sát vườn, kịp thời xử lý khi phát hiện mầm bệnh nhưng dịch vẫn xuất hiện ở nhiều nhà vườn. Ngoài ra, dịch ruồi vàng gây hại trên trái cũng là nỗi lo không nhỏ của nông dân”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều