Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc trong quản lý rừng

03:07, 22/07/2019

Đồng Nai hiện đang gặp một số vướng mắc trong bảo vệ, phát triển rừng như: quy định mật độ cây rừng, xác định chủ sở hữu với rừng phòng hộ khi Nhà nước có đầu tư một phần kinh phí...

Đồng Nai hiện đang gặp một số vướng mắc trong bảo vệ, phát triển rừng như: quy định mật độ cây rừng, xác định chủ sở hữu với rừng phòng hộ khi Nhà nước có đầu tư một phần kinh phí, khai thác rừng trồng trong đất tại vùng quy hoạch rừng phòng hộ... Những khó khăn trên nếu chậm tháo gỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo vệ rừng của tỉnh.

Ông Trần Xuân Lục (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) chăm sóc rừng nhận giao khoán. Ảnh: H.GIANG
Ông Trần Xuân Lục (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) chăm sóc rừng nhận giao khoán. Ảnh: H.GIANG

[links()]Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, toàn tỉnh có gần 7,8 ngàn hộ dân nhận giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với diện tích gần 20,8 ngàn hécta. Những hộ dân nhận giao khoán rừng chủ yếu ở các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu.

* Hàng ngàn hộ dân lo mất đất canh tác

Trong giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng còn những điểm “nghẽn” gây khó cho người nhận khoán lẫn chủ rừng là trước đây nhiều cây lâu năm như: xoài, điều, cao su coi là cây trồng chính và được tính vào cây rừng. Nhưng từ năm 2018, quy định lại chỉ những cây rừng sao, dầu, keo... là cây trồng chính. Như vậy, những cây lâu năm đang trồng trên đất rừng sẽ xử lý như thế nào cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ngày 16-11-2018, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn ban hành Thông tư 29 quy định về các biện pháp lâm sinh. Trong đó quy định mật độ cây rừng phải đạt từ 400 cây/hécta trở lên. Quy định mới này khiến rất nhiều người dân đang nhận khoán trồng, chăm sóc rừng phòng hộ tại Đồng Nai lo lắng không yên. Bởi với mật độ cây rừng tăng gấp 2 lần so với trước thì sau 3-4 năm cây rừng lên cao, tán tỏa ra dày đặc thì người dân không còn đất xen canh những cây trồng khác để tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Đình Thuật, Phân trường trưởng Phân trường Núi Le (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Trước đây, Trung ương quy định mật độ cây rừng từ 150-200 cây/hécta, người dân nhận khoán đất rừng sẽ trồng cây sao, dầu và xen canh thêm những cây lâu năm khác để có nguồn thu. Có nguồn thu nhập ổn định, người dân an tâm bảo vệ rừng được tốt hơn. Nhưng với mật độ quy định cao như hiện nay, người dân hết đất canh tác sẽ không còn nguồn thu nên việc bảo vệ rừng sẽ rất khó khăn”.

Cụ thể, với mật độ cây rừng như cũ, người dân nhận khoán đất rừng phòng hộ thường trồng xen giữa hàng cây rừng là xoài, điều, cây ăn trái, ca cao, chuối... mỗi năm có thêm vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Linh, xã Gia Canh (huyện Định Quán) nói: “Tôi nhận khoán 3 hécta rừng phòng hộ và đã trồng cây giá tỵ, cây dầu với mật độ 156 cây/hécta. Cây dầu, giá tỵ sau gần 10 năm tán đã phủ gần hết đất, chỉ còn trống khe giữa 2 hàng cây rừng một khoảnh nhỏ để trồng xen cây lâu năm không ưa nắng để có thêm nguồn thu. Hiện Nhà nước quy định tăng mật độ lên 400 cây/hécta thì tán phủ dày đặc không còn chút đất trống nào để các hộ xen canh cây trồng khác”. Bà Linh tỏ ra lo lắng vì đã có 35 năm gắn bó với rừng. Hiện bà đã gần 60 tuổi, nếu không còn nguồn thu từ rừng vợ chồng bà chưa biết sẽ làm gì để sinh sống. Đây cũng là nỗi lo chung của hàng ngàn hộ dân đang nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở Đồng Nai.

* Ai là chủ sở hữu?

Rừng trồng phòng hộ theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và rừng trồng theo dự án trồng mới 5 triệu hécta của Chính phủ được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ một phần vốn, còn lại là vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ ra để trồng rừng.

Như vậy đây không phải là rừng do Nhà nước đầu tư toàn bộ, nhưng hiện trong Luật Lâm nghiệp, nghị định, thông tư liên quan lại không xác định rõ chủ sở hữu. Vì thế rất nhiều hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia trồng rừng phòng hộ ngoài số lượng cây như đã quy định, muốn khai thác phần mình đã bỏ vốn ra tự trồng nhưng lại không được phép vì chưa xác định được chủ sở hữu. Hàng trăm hộ dân đang trồng rừng tại Đồng Nai đang vướng vào vấn đề này. Cây đã trồng 15-20 năm, muốn khai thác để có thu nhập, song phía các cơ quan quản lý chưa dám cấp phép.

Ông Đặng Hồng Tăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Cuối tháng 3-2019, Sở đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đề nghị giải quyết những khó khăn trên cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng ngoài số lượng cây quy định, song hiện vẫn chưa được trả lời. Phía tỉnh phải đợi có hướng dẫn cụ thể mới có thể cấp phép”. Theo ông Tăng, vấn đề này không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành có rừng giao khoán cũng đang gặp phải.

Ông Lê Việt Bính (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) cho hay: “Gia đình tôi nhận khoán 2,5 hécta rừng phòng hộ. Ngoài lượng cây sao, dầu trồng theo quy định của Nhà nước, thay vì có thể trồng xen cây ăn trái, cây công nghiệp thì gia đình tôi trồng thêm nhiều cây sao, dầu và được Nhà nước, hỗ trợ hơn 20% vốn để trồng. Hiện cây gần 20 năm, tôi muốn thu hoạch một số để có thêm thu nhập nhưng chủ rừng nói phải đợi và chưa biết phải đợi đến khi nào”.

Nhiều hộ gia đình trồng rừng phòng hộ ở các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán... mong sớm được giải quyết khúc mắc trên để họ có thể hưởng quyền lợi của mình.

* Khó cho người nhận khoán rừng

Theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2001 về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp thì họ được phép sử dụng một phần đất nhận khoán không quá 200m2 làm nhà ở để trông nom khu rừng nhận khoán. Tại Đồng Nai, nhiều hộ gia đình nhận khoán đất rừng sinh sống tại chỗ nên thường làm nhà ở ngay trên diện tích đất được giao khoán. Thế nhưng, Nghị định 168/2016/NĐ/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-2-2017, lại không cho làm nhà ở trên đất rừng.

Ông Nguyễn Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cho biết: “Tại các huyện Tân Phú, Định Quán, nhiều hộ gia đình nhận khoán đất lâm nghiệp đã làm nhà sinh sống trên đó. Hiện có nhiều gia đình những người con lớn ra ở riêng muốn cất thêm căn nhà tạm bên cạnh, hoặc nhà lâu ngày xuống cấp muốn làm lại nhưng theo quy định thì không được phép. Việc này khiến không ít hộ dân bức xúc”.

Thực tế, nhiều năm qua Đồng Nai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tốt là có phần góp sức không nhỏ từ những hộ dân nhận giao khoán đất rừng. Có những hộ gia đình có 2-3 thế hệ sống gắn bó với rừng và mong muốn của họ tiếp tục được sống tại đây và góp sức bảo vệ rừng. Việc cấm không cho làm nhà tạm trên đất lâm nghiệp gây khó khăn cho các hộ dân. Cơ quan quản lý nặng gánh hơn, bởi có những hộ xin phép làm nhà tạm không được sẽ “liều” làm nhà trái phép.

Theo ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, có những trường hợp vợ chồng chia tay, những người con lớn có gia đình muốn ở riêng xin cấp căn nhà tạm từ 40-70m2 để sinh sống trên đất rừng đang nhận khoán nhưng Ban không cho phép vì đã có quy định. Có những người vì cấp bách trong vấn đề nhà ở mà điều kiện lại khó khăn không thể mua nơi khác đã liều xây dựng trái phép. Những trường hợp trên Ban buộc phối hợp với xã tháo dỡ, song có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm...

Hương Giang

 

Tin xem nhiều