Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án du lịch rừng Biên Hòa: Nhiều năm vẫn chờ...

09:07, 03/07/2019

TP.Biên Hòa được quy hoạch hơn 220 hécta rừng phòng hộ với mục tiêu giữ "lá phổi xanh" cho thành phố và phát triển du lịch sinh thái. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và nhiều người dân thành phố vẫn chờ đợi dự án được cho là "điểm đến lý tưởng" này.

TP.Biên Hòa được quy hoạch hơn 220 hécta rừng phòng hộ với mục tiêu giữ “lá phổi xanh” cho thành phố và phát triển du lịch sinh thái. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và nhiều người dân thành phố vẫn chờ đợi dự án được cho là “điểm đến lý tưởng” này.

Một góc rừng phòng hộ Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG
Một góc rừng phòng hộ Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG

Là đô thị công nghiệp có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhưng Biên Hòa vẫn còn giữ được diện tích rừng tự nhiên khá lớn. Rừng Biên Hòa nằm trải dài ở 4 phường: Tân Biên, Tân Hòa, Trảng Dài, Hố Nai và một phần kéo dài sang xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) và xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu).

* Khó di dời các hộ dân

Dự án Quy hoạch, phát triển rừng phòng hộ môi trường và cảnh quan Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa chia thành 7 hạng mục để đầu tư. Trong đó, 6 hạng mục giao cho Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa thực hiện và 1 hạng mục giao cho UBND TP.Biên Hòa.

Để triển khai dự án, cần phải di dời các hộ dân đang sinh sống trong rừng đi nơi khác. Theo thống kê hơn 10 năm trước thì khu vực rừng phòng hộ Biên Hòa có khoảng 142 hộ dân đang sinh sống. Năm 2005, UBND tỉnh giao cho TP.Biên Hòa lập dự án khu tái định cư để di dời các hộ dân ra ngoài và đào tạo nghề giúp họ chuyển đổi công việc. Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa phải bố trí và giao 10,2 hécta cho TP.Biên Hòa để làm khu tái định cư.

Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa cho biết, trong rừng phòng hộ Biên Hòa hiện có hơn 123 hécta trồng cây gỗ lớn với 123 loài, mật độ 200-330 cây/hécta. Ngoài ra, rừng còn trồng 78 loài tre, trảng cỏ, cây bụi thân thảo...

Phó giám đốc Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Thuận cho biết: “Trước đây, trung tâm đã giao 5 hécta đất cho TP.Biên Hòa làm khu tái định cư, song đến nay vẫn chưa di dời được các hộ dân ra ngoài. Hiện số hộ dân sống trong rừng đã phát sinh thành 247 hộ, tăng gấp gần 2 lần”. Cũng theo bà Thuận, việc chậm di dời các hộ dân trong rừng ra khiến việc triển khai các bước tiếp theo của dự án bị kéo dài.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho hay: “Phát sinh thêm 105 hộ dân sinh sống trong rừng là do con cái các hộ trên lớn lên, lập gia đình nên cha mẹ cho con cái ra ở riêng. Bên cạnh đó, cũng có một số hộ còn lấn chiếm đất rừng làm nhà tạm”.

Cũng vì chưa bồi thường và bố trí tái định cư được cho các hộ dân ở trong rừng nên dự án phát triển rừng phòng hộ Biên Hòa làm nơi du lịch sinh thái vẫn “giậm chân tại chỗ”. Lý do chính khiến việc di dời triển khai chậm là vì kinh phí thực hiện khá cao.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đặng Hồng Tăng, trước đây, kinh phí để di dời các hộ dân trong rừng ra ước tính gần 200 tỷ đồng. Do đó, có những ý kiến cho rằng, những nơi người dân sinh sống quá đông đúc ở khu vực ven rừng thì có thể khoanh lại không di dời nữa. Thế nhưng, những ý kiến này chưa được thống nhất nên việc di dời vẫn “nhùng nhằng” kéo dài hơn 10 năm chưa xong.

* Tìm hướng gỡ khó cho dự án

Nhiều năm qua, Đồng Nai vẫn giữ nguyên được diện tích rừng phòng hộ ở Biên Hòa và có những đầu tư để trồng bổ sung những cây gỗ lớn nhằm giữ lại “lá phổi xanh” cho thành phố đô thị loại 1.

Mục tiêu của tỉnh là di dời các hộ dân ở trong rừng ra, trồng bổ sung cây gỗ lớn, cây lâm nghiệp các loại, đầu tư hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái rừng. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, đồng thời có nguồn thu tái đầu tư bảo vệ chăm sóc rừng được tốt hơn.

Hiện nay, nhiều nước trong khối ASEAN đã phát phiển du lịch rừng khá tốt như: Thái Lan, Malaysia... Theo các công ty lữ hành, Biên Hòa là nơi tập trung rất đông dân, nhu cầu du lịch sinh thái ngày càng phát triển nên đầu tư, khai thác tốt sẽ đem lại nguồn thu lớn.

Bà Vũ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Khánh Loan (huyện Long Thành) chia sẻ: “Có một khu rừng rộng ngay tại TP.Biên Hòa, phát triển du lịch sinh thái rất lý tưởng. Muốn thu hút được đông khách trong và ngoài tỉnh nên đầu tư thêm những trò chơi độc đáo, lạ mà những tỉnh lân cận không có. Đồng thời, điểm du lịch phải thường xuyên có những cái mới để kéo du khách quay lại nhiều lần”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, Biên Hòa là thành phố công nghiệp mà còn giữ lại hơn 200 hécta rừng là rất đáng quý. Vì vậy, các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND TP.Biên Hòa, Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa, rà soát lại toàn bộ những hộ sống trong rừng và nhanh chóng hoàn thành khu tái định cư để di dời người dân ra.

“Đất rừng tại Biên Hòa sẽ không giao khoán cho các hộ dân nữa mà thu hồi giao cho Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa quản lý, tạo cảnh quan để làm du lịch sinh thái. Những khu vực xung quanh rừng nên trồng hàng rào, trồng cây xanh để tạo sự đa dạng sinh học” - ông Chánh yêu cầu.

Dự kiến hết tháng 9-2019, các đơn vị tổng hợp đầy đủ các hộ sống trong rừng, tính toán mức bồi thường hỗ trợ.

     Hương Giang

Tin xem nhiều