Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

03:06, 10/06/2019

Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai xếp hạng 26. Hiện Đồng Nai đang dồn lực để năm 2019 tăng hạng, vào tốp 20 tỉnh, thành có môi trường đầu tư dẫn đầu cả nước.

Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai xếp hạng 26, tương đương năm trước đó. Hiện Đồng Nai đang dồn lực để năm 2019 tăng hạng, vào tốp 20 tỉnh, thành có môi trường đầu tư dẫn đầu cả nước.

Sản xuất hàng may mặc ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương GIang
Sản xuất hàng may mặc ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương GIang

Theo Phòng Công nghiệp - thương mại Việt Nam, PCI là bộ chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành cấp tỉnh dưới góc nhìn của doanh nghiệp (DN) tư nhân. Đây sẽ là nguồn thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư tham khảo khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

Bên cạnh đó, bộ công cụ này góp phần chuyển tải sự hài lòng của DN dân doanh Việt Nam về thủ tục hành chính, chất lượng điều hành, sự vận hành của bộ máy chính quyền cấp tỉnh xuống cơ sở

* Nhiều chỉ số được đánh giá cao

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Công nghiệp - thương mại Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho hay, Đồng Nai đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phát triển nhất cả nước. Môi trường đầu tư của tỉnh được các DN đánh giá cao, nhưng nếu cải thiện tốt hơn nữa sẽ đón được nhiều làn sóng đầu tư đến từ các quốc gia.

PCI cấp tỉnh đánh giá chất lượng môi trường đầu tư của một địa phương qua 10 chỉ số thành phần bằng cách chấm điểm. Năm 2018, Đồng Nai có 5 chỉ số tăng điểm là: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý.

Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành từ tỉnh xuống xã, phường đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN hoạt động tốt hơn.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: “PCI năm 2018 dù vẫn giữ nguyên hạng như năm trước, song về tổng điểm đã tăng. Môi trường đầu tư của tỉnh vẫn tiếp tục được cải thiện và được DN đánh giá cao nên thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài của tỉnh năm trước vượt cao so với kế hoạch đề ra”.

Kết quả điều tra PCI năm 2018 cho thấy Đồng Nai đạt 63,84 điểm, xếp hạng khá. So sánh với kết quả điều tra PCI năm 2017 thì tăng 0,69 điểm.

Trong 5 chỉ số tăng điểm, chi phí không chính thức có mức tăng cao và ấn tượng nhất với mức tăng gần 1,8 điểm. Điều này chứng tỏ Đồng Nai đã có những biện pháp thiết thực trong hỗ trợ DN cắt, giảm chi phí. Nhiều DN đánh giá, tình trạng “nhũng nhiễu” khi giải quyết thủ tục, chi phí không chính thức phải chi trả trong các lĩnh vực thanh kiểm tra, đấu thầu... đều giảm đáng kể. “Các DN Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai rất thuận lợi, mọi khó khăn được tỉnh kịp thời tháo gỡ nên ngày càng có nhiều DN Nhật Bản đến tỉnh đầu tư” - ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh nói.

Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) mở rộng dây chuyền sản xuất
Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) mở rộng dây chuyền sản xuất

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh: “Đồng Nai sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, nhân viên cố tình nhũng nhiễu DN, người dân. Những DN gặp trường hợp nhũng nhiễu báo trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh để xử lý”.

Công tác cải cách hành chính cũng có nhiều chuyển biến tích cực là thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn hơn so với quy định, cán bộ giải quyết công việc hiệu quả, thân thiện nên đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt của cộng đồng DN.

Chỉ số chi phí thời gian năm 2018 cũng tăng điểm. Cải cách về tư pháp của tỉnh đạt được kết quả nhất định, làm gia tăng niềm tin vào chính quyền của DN về hệ thống tư pháp, tòa án, công an giúp cho chỉ số thiết chế pháp lý tăng 0,41 điểm đạt 6,18 điểm. Những DN được khảo sát cho rằng, tỉnh giảm ưu tiên thu hút FDI nên khu vực FDI trở nên bình đẳng đối với khu vực tư nhân. Vì thế, chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng điểm và được đánh giá cao.

* Vì sao 5 chỉ số giảm điểm?

Bên cạnh những điểm sáng, PCI 2018 cũng chỉ ra các chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tụt hạng. Nguyên nhân là do cấp quyền sở hữu đất đai, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra thuế, chất lượng dịch vụ tìm kiếm thị trường, thông tin pháp luật, kế toán tài chính, quản trị kinh doanh, khoa học - công nghệ,… chưa có chuyển biến nhiều, làm giảm điểm chỉ số PCI. Đơn cử chỉ số tiếp cận đất đai rớt hạng là vì thiếu quỹ đất sạch, bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, cung cấp thông tin về đất đai chưa nhanh.

Ông Thái Minh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) nói: “Công ty có khoảng 100 hécta cần thu hồi để hoàn thiện Khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 và 2. Tuy nhiên, vì bồi thường giải phóng mặt bằng chậm nên  dự án kéo dài nhiều năm gây khó khăn cho DN trong xây dựng hạ tầng”.

Chỉ số tính minh bạch chưa cao do DN tiếp cận tài liệu quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, tài liệu pháp lý chưa dễ dàng. Khoảng 62% DN khảo sát cho rằng cần có “mối quan hệ” mới có được các tài liệu trên. Về hỗ trợ DN, qua khảo sát DN cho biết đều giảm sử dụng các dịch vụ tư vấn thông tin pháp luật, xúc tiến thương mại, khoa học - công nghệ, hỗ trợ tìm kiếm các đối tác kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường, đào tạo kế toán tài chính, quản trị kinh doanh… Đây là thước đo để các sở, ngành liên quan có sự điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Dồn lực để cải thiện

Sau khi chỉ số PCI năm 2018 được công bố, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát các chỉ số có liên quan, phân tích những chỉ số hợp lý và chưa hợp lý. Qua đó, từng cơ quan xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể gắn với dịch vụ công của đơn vị để có lộ trình khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ tích cực hơn cho DN. Tỉnh sẽ giám sát, đôn đốc các sở, ngành, địa phương công bố các tài liệu pháp lý, văn bản pháp luật của Trung ương, tỉnh để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận nhằm cải thiện chỉ số tính năng động.

Trung tâm hành chính công của tỉnh tiếp tục cải thiện chỉ số chi phí thời gian, chỉ số chi phí không chính thức, đảm bảo giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, hạn chế chi phí không chính thức. Xây dựng và quản lý cán bộ công chức, viên chức trong việc hướng dẫn người dân, DN thực hiện thủ tục theo hướng vững chuyên môn đi kèm thái độ thân thiện.

Các điểm chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI của Đồng Nai trong 2 năm 2017 và 2018  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Các điểm chỉ số thành phần cấu thành nên chỉ số PCI của Đồng Nai trong 2 năm 2017 và 2018 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Đồng Nai sẽ tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử để rút ngắn thời gian, chi phí đi lại, giảm thiểu, ngăn chặn tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Công khai mọi chủ trương, chính sách, quy hoạch, hỗ trợ DN nhỏ và vừa về chính sách, vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh bình đẳng, gia nhập thị trường”.

UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên - môi trường triển khai các giải pháp cụ thể đơn giản thủ tục liên quan đến đất đai, giải quyết hiệu quả việc tiếp cận đất đai của DN, đặc biệt các DN nhỏ và siêu nhỏ. Các sở, ngành, khác cũng có giải pháp cụ thể cải thiện chỉ số liên quan đến đơn vị mình.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều