Báo Đồng Nai điện tử
En

Lúng túng xử lý nợ thuế

09:06, 26/06/2019

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, vấn đề kiểm soát nợ thuế là hết sức quan trọng. Do đó, ngành thuế xem đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế xử lý các khoản nợ không hề dễ, có những khoản nợ không thể xử lý dứt điểm trong nhiều năm khiến số nợ hằng tháng vẫn tăng.

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, vấn đề kiểm soát nợ thuế là hết sức quan trọng. Do đó, ngành thuế xem đây là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế xử lý các khoản nợ không hề dễ, có những khoản nợ không thể xử lý dứt điểm trong nhiều năm khiến số nợ hằng tháng vẫn tăng.

Doanh nghiệp đến làm việc tại Cục Thuế Đồng Nai. Ảnh: K.Giới
Doanh nghiệp đến làm việc tại Cục Thuế Đồng Nai. Ảnh: K.Giới

Theo giới chuyên môn, cần có những chế tài đủ mạnh để người nộp thuế không dây dưa chậm nộp.

* Công khai hàng trăm tỷ đồng nợ thuế

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục Thuế Đồng Nai đã công bố danh sách 91 doanh nghiệp nợ thuế (chốt sổ tháng 4) với tổng số tiền hơn 576 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ hơn 476 tỷ đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ hơn 100 tỷ đồng. Theo cơ quan Thuế Đồng Nai, trong tổng số 91 doanh nghiệp nợ thuế có gần một nửa doanh nghiệp đã bị cưỡng chế tài khoản hoặc cưỡng chế hóa đơn.

Tổng số tiền nợ thuế đến thời điểm ngày 31-5-2019 là hơn 2.368 tỷ đồng, trong đó số nợ có khả năng thu hơn 1.400 tỷ đồng, nợ chờ xử lý hơn 4 tỷ đồng, nợ chờ điều chỉnh hơn 18,5 tỷ đồng và nợ khó thu trên 946 tỷ đồng. So với thời điểm ngày 30-4-2019, số nợ giảm hơn 46 tỷ đồng.

Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế thuế Cục Thuế Đồng Nai, bà Ninh Thị Thanh Huyền cho hay, sau khi công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, nhiều doanh nghiệp đã nộp thuế ngay. “Có những doanh nghiệp sau khi nộp thuế xong gọi điện đến văn phòng cục nhờ “gỡ” tên khỏi danh sách nợ thuế để không bị ảnh hưởng đến việc làm ăn. Song việc này không thực hiện được vì thông tin đã được đưa lên hệ thống và chỉ xóa tên trong kỳ công bố sau” - bà Huyền giải thích.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Kế toán Đồng Nai, việc bị “bêu tên” nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng gây áp lực rất lớn đến việc làm ăn của doanh nghiệp, bởi khách hàng sẽ hạ mức uy tín của doanh nghiệp xuống, như vậy rất bất lợi. Ông Tuấn cũng cho rằng, mức tiền phạt chậm nộp hiện tại chỉ tương đương với lãi suất ngân hàng khiến doanh nghiệp chưa “sợ”.

Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Tấn Lợi cho biết, việc công bố các doanh nghiệp nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính, riêng với những doanh nghiệp chây ì nợ thì các biện pháp thu hồi nợ thuế như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Bởi hình thức cao nhất hiện nay được cơ quan thuế áp dụng là cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế hóa đơn và công bố việc nợ thuế công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Những việc này chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp chây ì nợ phải lo xoay tiền nộp thuế.

* Nợ khó thu tăng mạnh

Theo Cục Thuế Đồng Nai, số thuế nợ khó thu tính đến ngày 31-5 vừa qua là hơn 946 tỷ đồng. Khoản nợ này chủ yếu của các trường hợp doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh hoặc làm ăn thua lỗ chờ giải thể.

Theo bà Ninh Thị Thanh Huyền, đây là những khoản nợ rất khó xử lý và hằng tháng tổng số tiền nợ vẫn tăng do hệ thống tự động tính tiền phạt chậm nộp cộng vào. Nếu như ngày 31-12-2018, khoản nợ khó thu là hơn 890 tỷ đồng thì đến ngày 31-5-2019 khoản nợ tăng lên thêm hơn 55 tỷ đồng. Theo quy định, để đủ điều kiện xóa được khoản nợ này không dễ, như khoản nợ phải có thời gian 10 năm trở lên mới được xem xét xóa, trong khi đó các khoản nợ ở đây đều dưới 10 năm.

Cũng theo Cục Thuế Đồng Nai, số nợ gốc thực chất chỉ có hơn 530 tỷ đồng, còn lại là do tiền phạt chậm nộp được cộng vào khiến tổng số nợ khó thu tăng lên gần gấp đôi. Ông Nguyễn Tấn Lợi chia sẻ: Cục Thuế Đồng Nai cũng đã kiến nghị với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phương án xử lý khoản nợ này, trước mắt khoanh khoản nợ lại không tính tiền phạt chậm nộp để số tiền nợ không tăng, tuy nhiên đến nay phương án này vẫn chưa được chấp thuận. “Các doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn hoặc phá sản, tiền nợ thuế khó thu được nên việc bị cộng thêm tiền chậm nộp vào chỉ làm tăng thêm áp lực quản lý nợ của cơ quan thuế” - ông Lợi nói.

Khắc Giới

Tin xem nhiều