Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để sâu keo mùa thu thành dịch

10:06, 05/06/2019

Chỉ trong khoảng 1 tháng, sâu keo mùa thu xuất hiện và lây lan khá nhanh trên địa bàn Đồng Nai. Do là loài sâu hại mới nên ban đầu nông dân khá lúng túng trong xử lý. Sức cắn phá của loại sâu này rất khỏe, chúng lại phát triển nhanh khiến nông dân càng lo lắng.

Chỉ trong khoảng 1 tháng, sâu keo mùa thu xuất hiện và lây lan khá nhanh trên địa bàn Đồng Nai. Do là loài sâu hại mới nên ban đầu nông dân khá lúng túng trong xử lý. Sức cắn phá của loại sâu này rất khỏe, chúng lại phát triển nhanh khiến nông dân càng lo lắng.

Nông dân tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Đ.Tài
Nông dân tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Đ.Tài

Tuy nhiên, đến nay các địa phương cơ bản khống chế được loài sâu này, không để lây lan thành dịch lớn.

* Khẩn trương phòng trừ

Theo Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai, sâu keo mùa thu xuất hiện tại Đồng Nai vào cuối tháng 4 năm nay. Do thời tiết thuận lợi cho giống sâu này sinh trưởng nên chỉ sau hơn 1 tháng, toàn tỉnh đã có 256,6 hécta bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Ngoài 5 địa phương xuất hiện sâu keo gồm: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom, tuần qua có thêm huyện Thống Nhất xuất hiện loài sâu mới này và hiện có khoảng 26 hécta bắp bị cắn phá. Tỷ lệ cây bắp bị hại từ 5-20%.

Ông Nguyễn Bá Hồng, nông dân trồng bắp tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm  Mỹ) lo lắng: “Loài sâu này chỉ mới xuất hiện trong vụ bắp hè - thu năm nay. Sức cắn phá của nó khá mạnh, cây lớn, cây nhỏ đều bị nó tấn công, nếu không xử lý kịp thì cây bắp có thể bị nó ăn mất lá, cụt ngọn không phát triển được nữa. Sự lây lan của loài sâu này lại rất nhanh”.

Sâu keo mùa thu là loài sâu hại mới có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này đã tàn phá nặng nề các khu vực sản xuất bắp của Brasil, châu Phi và gần đây là Ấn Độ. Dựa trên các dữ liệu phân tích từ châu Phi, ước tính loài sâu hại này sẽ làm giảm sản lượng bắp hằng năm xuống 21-53% nếu không áp dụng biện pháp phòng trừ. Năm 2018 đã ghi nhận xuất hiện của sâu keo mùa thu ở nhiều quốc gia châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar, Bangladesh và bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019. Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo loài sâu hại mới này có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực và cuộc sống của hàng triệu nông hộ nhỏ ở châu Á.

Với khả năng di trú xa, loài sâu mới này có thể gây hại cho trên 300 loài thực vật như: bắp, lúa, đậu tương, mía, rau… Trong đó, thức ăn ưa thích nhất của sâu keo mùa thu là bắp nếp, bắp ngọt... Loại sâu bệnh này tiềm ẩn nhiểu nguy cơ nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Theo đó, ngay sau khi loài sâu keo mùa thu xuất hiện, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân nhận biết về sự nguy hại và cách phòng trừ và diệt loài sâu nguy hiểm này.

Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai, bà con nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: làm đất kỹ để diệt ấu trùng, nhộng trong đất; trồng luân canh với lúa nước ngay sau vụ bắp để diệt nhộng; do sâu và trứng ẩn sâu trong thân bắp, người trồng phải bắt sâu hoặc tìm ổ trứng, ngắt tiêu hủy…

Ngoài ra, với các biện pháp sinh học, nông dân nên tận dụng thiên địch của sâu keo mùa thu; sử dụng các chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ...) và các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở. Với biện pháp hóa học, các hoạt chất hóa học diệt trừ tốt loài sâu này như: Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron phải sử dụng đúng liều lượng và đúng thời điểm phun xịt.

Ngoài ra, cần sử dụng bẫy, bả như bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt để diệt con ngài trưởng thành. Với bẫy cây trồng, nông dân có thể trồng một số diện tích cỏ voi, bắp nếp sớm hơn so với thời vụ chung để dẫn dụ bướm đến đẻ trứng rồi sử dụng bẫy diệt con ngài trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun thuốc trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

* Không chủ quan

Ông Lý Quốc Sầu, nông dân trồng bắp tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Tuy thời gian đầu, nông dân khá lúng túng vì đây là loài sâu mới nhưng khi được tập huấn cách xử lý thì cũng không quá khó để diệt sâu keo mùa thu. Đa số nông dân trồng bắp tại địa phương hiện đã kiểm soát được loài sâu bệnh này. Đa số các rẫy bắp bị sâu cắn nếu được chăm sóc tốt thì khả năng phục hồi khá cao”.

Ông Đặng Mạnh Cường, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - bảo vệ thực vật huyện Xuân Lộc cho hay: “Xuân Lộc có gần 50 hécta bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại do là loài sâu mới, nông dân lúng túng nên sử dụng chưa đúng thuốc và các biện pháp phòng, trừ. Sau khi nông dân tại tất cả các xã có trồng bắp trên địa bàn huyện được tập huấn cách diệt và phòng trừ loài sâu này thì tình hình căn bản đã kiểm soát tốt”. Tuy nhiên, ông Đặng Mạnh Cường cảnh báo nông dân trồng bắp không được chủ quan. Vì dự báo theo chu kỳ vòng đời, dịch sâu này có thể xuất hiện trở lại vào giai đoạn bắp trổ cờ. Nếu không phòng trừ tốt thì có thể gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai: “Vụ hè - thu, toàn tỉnh gieo trồng trên 14,2 ngàn hécta. Diện tích bắp bị sâu keo mùa thu gây hại mới chiếm một tỷ lệ nhỏ và hiện dịch bệnh này đã cơ bản kiểm soát được. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức của nông dân trong công tác diệt và phòng trừ loài sâu hại mới này; không để lây lan thành dịch lớn”.

Sâu keo mùa thu xâm nhập, lây lan qua các đường: sâu non di chuyển  từ ruộng này sang ruộng khác; sâu non, nhộng, trứng, thậm chí là sâu trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của ký chủ (bắp, cỏ thức ăn chăn nuôi, cỏ sân golf...) trong quá trình người dân vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam; hoặc giữa các địa phương trong nước. Sâu trưởng thành tìm nơi đẻ trứng từ khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục km, đặc biệt con trưởng thành di trú (con ngài) có thể bay theo gió hàng trăm km.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều