Báo Đồng Nai điện tử
En

Trữ heo sạch trong mùa dịch

09:05, 22/05/2019

Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 3 huyện trong tỉnh là Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con nên việc giết mổ, cấp đông thịt heo dự trữ cho dịp cuối năm, tránh tình trạng khan hiếm… là vấn đề khá cấp bách.

Dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 3 huyện trong tỉnh là Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con nên việc giết mổ, cấp đông thịt heo dự trữ cho dịp cuối năm, tránh tình trạng khan hiếm… là vấn đề khá cấp bách.

Heo đã kiểm dịch và chuẩn bị đưa vào giết mổ tại Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.GIANG
Heo đã kiểm dịch và chuẩn bị đưa vào giết mổ tại Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.GIANG

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo ngành Công thương chủ trì thực hiện thu mua, giết mổ heo, cấp đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt heo cho những tháng cuối năm. Tại Đồng Nai, Sở Công thương đã mời các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo lớn trong tỉnh bàn cách trữ đông thịt heo.

* Không thiếu kho trữ đông

Lượng heo trữ đông tại các kho của DN, siêu thị trên địa bàn tỉnh hiện chỉ được hơn 10 tấn. Vì thế, vấn đề được đặt ra là các DN sẽ đầu tư mở rộng hay xây dựng kho cấp đông mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách làm trên chỉ là để giải quyết tình thế trong thời điểm đang diễn ra dịch tả heo châu Phi. Nếu đầu tư kho lạnh, khi qua dịch sẽ rất lãng phí nên các công ty đều đề xuất thuê kho là hợp lý nhất.

Theo Sở Công thương, trung bình người chăn nuôi Đồng Nai cung cấp cho thị trường trên dưới 7 ngàn con heo/ngày. Tuy phát sinh dịch nhưng lượng heo đưa về TP.Hồ Chí Minh trong tuần qua là hơn 7 ngàn con. Người dân trong và ngoài tỉnh vẫn tin tưởng dùng thịt heo sạch đã kiểm duyệt.

Bà Lê Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Anh Hoàng Phát ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) cho biết: “Mỗi đêm công ty giết mổ được 400-500 con heo, nếu UBND tỉnh có văn bản yêu cầu, kèm chính sách hỗ trợ phù hợp, công ty có thể tăng công suất giết mổ gấp 2 lần và thuê kho để làm thịt đông lạnh”. Theo bà Lan, hiện kho lạnh ở tỉnh Bình Dương khu vực gần Đồng Nai cho thuê rất nhiều, do đó các công ty không nên bỏ vốn đầu tư kho chỉ cho giai đoạn dịch này.

Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho hay: “Việc dự trữ thịt heo trong thời điểm này tương đối khó khăn vì công ty chưa tìm được đơn vị giết mổ có khối lượng lớn. Tháng 9-2019, công ty sẽ  hoàn thành nhà máy giết mổ, cấp đông công suất 500 con/ngày tại TP.Hồ Chí Minh”. Nhà máy trên được Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư theo lộ trình để đảm bảo chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Ngoài ra, ông Trần Văn Hạt, quản lý bán hàng Công ty TNHH thực phẩm CJ Vina cho biết, công ty đang đầu tư 1 nhà máy tại Bình Dương với công suất hơn 500 con/ngày và cuối năm nay đi vào hoạt động, có thể đưa heo nuôi tại Đồng Nai về đây giết mổ để đông lạnh dự trữ. “Nếu tới đây, Đồng Nai cần gấp các kho bảo quản thịt heo, công ty có thể cho thuê tạm thời để làm chứ không cần đợi đến khi hoàn thành nhà máy và kho”.

* Vẫn còn băn khoăn

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện cả nước có hơn 1,7 triệu con heo bị tiêu hủy.

Tại Đồng Nai, dịch xuất hiện chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được khoanh vùng, khống chế dịch kịp thời. Có khoảng hơn 2 ngàn con heo bị tiêu hủy. Hiện vẫn chưa có vaccine dịch tả heo Châu Phi để tiêm phòng cho đàn heo nên các trại chủ yếu phòng dịch bằng cách áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh. “Heo tại các xã có ổ dịch không được vận chuyển ra ngoài đang là khó khăn rất lớn cho những trại chăn nuôi lớn không bị dịch. Tuy Chính phủ cho phép heo không bệnh trong vùng dịch có thể giết mổ tiêu thụ bên trong vùng xảy ra dịch, song ở các xã tổng đàn heo đến ngày xuất chuồng khá lớn nên chưa biết tiêu thụ sao cho hết” - ông Quang cho hay.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán đề xuất: “Nếu tỉnh cho các DN giết mổ làm thịt đông lạnh phải kiểm soát đầu vào thật kỹ, tránh để heo bệnh lọt vào. Vì virus dịch tả heo châu Phi có thể tồn tại 1 ngàn ngày dưới nhiệt độ -25 đến -400C, khi hết dịch đưa thịt ra bán có thể làm lây tràn mầm bệnh gây ra đợt dịch khác”.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai khẳng định, heo trước khi đưa vào giết mổ đều được tỉnh kiểm tra kỹ càng, không phát hiện bị bệnh mới cho giết mổ nên người tiêu dùng cũng như các trại nuôi heo có thể an tâm.

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương, bên cạnh việc vận động các DN tham gia dự trữ thịt heo đông lạnh thì tỉnh vận động người dân an tâm sử dụng thịt rõ nguồn gốc vì đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, xét nghiệm kỹ càng. “Hiện 60% lượng heo xuất chuồng của tỉnh đưa về TP.Hồ Chí Minh. Phía thành phố đã có dự định đưa heo mua từ Đồng Nai vào cấp đông phòng đến cuối năm, heo khan hàng giá cao sẽ đưa ra để ổn định thị trường”- ông Lộc cho biết.

Dự kiến đến ngày 24-5, 2 Sở Công thương Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh sẽ làm việc để thống nhất các nội dung phối hợp dự trữ thịt heo cho cuối năm.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện hơn 2,5 triệu con, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm trước. Những địa phương đang có tổng đàn heo lớn là: Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Hiện giá heo hơi các trại trong tỉnh bán ra dao động từ 36-38 ngàn đồng/kg và đầu ra khá thuận lợi.

Hương Giang

Tin xem nhiều