Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Khó cải tạo mỏ ngưng khai thác thành khu du lịch

09:05, 27/05/2019

Các địa phương có mỏ khoáng sản ngừng khai thác đều hy vọng có thể cải tạo các khu mỏ bỏ hoang làm dự án du lịch để không bỏ phí cả trăm hécta. Một số công ty đã đến tìm hiểu, có ý định đầu tư khu du lịch, nhưng khi nghiên cứu thực địa xong đều lặng lẽ rút lui. Các khu mỏ trên hiện nay vẫn đành "đắp chiếu" nằm chờ.

[links()]Các địa phương có mỏ khoáng sản ngừng khai thác đều hy vọng có thể cải tạo các khu mỏ bỏ hoang làm dự án du lịch để không bỏ phí cả trăm hécta. Một số công ty đã đến tìm hiểu, có ý định đầu tư khu du lịch, nhưng khi nghiên cứu thực địa xong đều lặng lẽ rút lui. Các khu mỏ trên hiện nay vẫn đành “đắp chiếu” nằm chờ.

Khu vực giáp mỏ khoáng sản Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) hoang vắng bị các đối tượng vào đổ trộm rác
Khu vực giáp mỏ khoáng sản Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) hoang vắng bị các đối tượng vào đổ trộm rác

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường đánh giá, các khu mỏ đã đóng cửa trở thành các hố sâu trên dưới 80m rất khó mời gọi đầu tư làm dự án du lịch. Bởi doanh nghiệp (DN) có đầu tư cũng ít người dám đến những hồ nước sâu để vui chơi.

* Không dễ phục hồi như cũ

Dù khai thác khoáng sản ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống người dân sống ở khu vực xung quanh, nhưng thực chất cũng có đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể là khai thác đúng mức độ, đúng quy hoạch thì có nguồn đá, đất sét, cát nhằm chủ động san lấp, xây dựng phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia, địa phương như: đường giao thông, trường học, bệnh viện... cùng những công trình hạ tầng khác. Đồng thời, khai thác khoáng sản cũng đóng góp vào thu ngân sách.

Ngoài những mỏ đã đóng cửa, trên địa bàn tỉnh cũng có hàng chục mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định cải tạo, phục hồi môi trường. Các mỏ trên đều có độ sâu từ 60-100m và sau khi ngừng khai thác cũng chưa có phương án sẽ tiến hành làm gì.

Thế nhưng, xét dưới góc độ hiệu quả kinh tế, một số nhà khoa học về môi trường trong nước, thế giới cho rằng, những nơi đã khai thác đất, đá, quặng... muốn phục hồi môi trường như cũ phải mất 2-4 triệu USD/hécta (46-92 tỷ đồng/hécta). Nguồn kinh phí phục hồi môi trường như cũ quá lớn nên hầu hết các mỏ đã khai thác ở Đồng Nai cũng như trên cả nước chưa có mỏ khoáng sản nào được phục hồi môi trường như cũ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, người dân xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) nói: “Nhiều năm nay, việc khai thác đá ở đây khiến cuộc sống người dân rất khốn khổ, đường sá xuống cấp nghiêm trọng, đã có không ít người bị tai nạn vì xe chở đá chạy bạt mạng. Trong nhà hầu hết phải đóng cửa suốt vì bụi, cây cối trong vườn bị bụi đá phủ kín không phát triển được, năng suất rất kém”.

Theo Thông tư 38/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - môi trường, các DN được cấp phép khai thác khoáng sản buộc phải ký Quỹ Bảo vệ môi trường. Số tiền trên khi DN thực hiện đầy đủ các biện pháp phục hồi môi trường theo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ được hoàn lại. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết: “Các mỏ khai thác xong phải cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định mới được hoàn lại số tiền ký Quỹ Bảo vệ môi trường. Những mỏ trên được giao về Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, khai thác”.

Khảo sát ở các mỏ đã đóng cửa cho thấy qua nhiều năm, mưa làm đất sạt lở, nhiều cây xanh trồng trên bờ hố bị gãy đổ, hàng rào nhiều đoạn cũng hư hỏng khiến đường và vực sâu giáp nhau rất nguy hiểm.

* Doanh nghiệp cũng rút lui

Các DN từng có ý định đầu tư du lịch ở khu vực mỏ đá xã Hóa An, Tân Hạnh cho hay, địa hình sau khai thác đá tạo thành những hồ quá sâu, vách lại thẳng đứng rất khó cải tạo thành khu du lịch. Nếu cố gắng đầu tư, chi phí sẽ rất lớn và điểm đáng ngại nhất là khách sợ nguy hiểm sẽ không đến vui chơi, giải trí và doanh nghiệp sẽ cầm chắc thua lỗ.

Năm 2012, sau khi khai thác đá tại khu mỏ Hóa An xong, Công ty cổ phần Hóa An (TP.Biên Hòa) đã xin UBND tỉnh cho đầu tư dự án khu du lịch và nhà ở với diện tích 46 hécta. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng sau một thời gian cân nhắc  và thấy không khả quan, chủ đầu tư đã xin bỏ dự án không làm tiếp. 

Ông Trịnh Tiến Bảy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa An cho biết: “Công ty dự kiến sẽ đầu tư dự án du lịch kết hợp với nhà ở tại khu mỏ Hóa An đã đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi tính toán thấy vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên nhiều cổ đông không đồng thuận, công ty đành xin rút khỏi dự án”. Khu mỏ hiện đã được UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý, nhưng vẫn chưa có hướng khai thác cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Hóa An cho hay: “Xã có 3 mỏ đá đã khai thác xong và đều được quy hoạch làm du lịch sinh thái. Có một số DN đến tìm hiểu nhưng khi thấy mỏ quá sâu, cải tạo làm du lịch không dễ nên đã bỏ ý định làm dự án. Do đó, các mỏ đành bỏ không gần 10 năm nay”. Cũng theo ông Minh, UBND xã rất mong sớm có DN đầu tư để bớt được nỗi lo chuyện bị đổ trộm rác hay có người dân vô tình đi qua rơi xuống, nguy hiểm đến tính mạng.

Tương tự, mỏ đá Tân Hạnh, sau khai thác cũng được Công ty TNHH Nam Châu Sơn (TP.Biên Hòa) đề nghị  làm du lịch sinh thái. Thế nhưng, sau 4 năm được giới thiệu địa điểm, công ty này cũng lặng lẽ bỏ dự án với lý do triển khai không khả thi.

Ông Đinh Công Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh nói: “Khi thấy có DN xin đầu tư mỏ đá thành điểm du lịch, xã cũng như người dân sống gần mỏ rất ủng hộ. Bởi làm du lịch sẽ ngăn chặn được nguy hiểm, đồng thời giúp cho địa phương phát triển. Nhưng sau nhiều năm khảo sát tính toán, DN bỏ dự án nên nơi đó vẫn là khu vực bỏ hoang”.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đang có trên 20 khu vực đất đai bằng phẳng, phong cảnh đẹp có hồ, suối, thác, sông khá đẹp đang mời gọi làm du lịch sinh thái nhưng vẫn chưa có chủ đầu tư. Do đó, việc mời gọi đầu tư du lịch các mỏ đá là không dễ.

Hương Giang

Bài 3: Tìm giải pháp để khắc phục

Tin xem nhiều