Báo Đồng Nai điện tử
En

Dồn toàn lực dập dịch tả heo châu Phi

03:05, 13/05/2019

UBND các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch đã lần lượt ban hành quyết định công bố 4 điểm xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn 4 xã: Bình Minh và Đồi 61 (Trảng Bom); Phước Thiền, Hiệp Phước (Nhơn Trạch).

UBND các huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch đã lần lượt ban hành quyết định công bố 4 điểm xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn 4 xã gồm: Bình Minh và Đồi 61 (huyện Trảng Bom); Phước Thiền và Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Các ổ dịch đều xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Cán bộ thú y thực hiện việc phun xịt thuốc sát trùng các phương tiện ra vào vùng dịch tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom  Ảnh: B.Nguyên
Cán bộ thú y thực hiện việc phun xịt thuốc sát trùng các phương tiện ra vào vùng dịch tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom Ảnh: B.Nguyên

[links()]Ngay khi phát hiện dịch, cả hệ thống chính trị từ cấp xã, huyện đến tỉnh đều tập trung cao độ cho công tác dập và chống dịch. Các địa phương cũng đang làm thủ tục nhằm nhanh chóng thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy theo quy định.

* Thực hiện ngay nhiều biện pháp khẩn

Sau khi thông tin dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn Đồng Nai, thị trường heo hơi bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, hiện giá heo hơi bán tại trại chỉ còn từ 34-36 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 8 ngàn đồng/kg so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Đằng là chủ hộ chăn nuôi có đàn heo bị dịch tả heo châu Phi tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom) với tổng đàn 268 con. Theo ông Đằng, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi, đoàn liên ngành gồm có sự tham gia từ cấp tỉnh đến huyện, xã đã khẩn trương về tận hộ chăn nuôi tổ chức tiêu hủy heo bệnh, tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại, nhà kho, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh ổ dịch. Việc tổ chức chôn, tiêu hủy heo dịch, sát trùng tiêu độc khu vực dịch được làm rất kỹ.

“Dù quanh trại heo của tôi hầu như không có hộ chăn nuôi heo nào khác, nhưng từ khi xảy ra dịch đến nay, cứ vài ngày là cán bộ thú y huyện, xã lại về trại tổ chức rắc vôi, phun thuốc sát trùng, tiêu độc ở khu vực hố chôn heo dịch, khu chuồng trại và khu vực xung quanh. Gia đình tôi cũng được hỗ trợ vôi bột, thuốc sát trùng miễn phí để thực hiện việc sát trùng, tiêu độc hằng ngày” - ông Đằng dẫn chứng.       

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi tại các điểm chăn nuôi thuộc 2 xã Bình Minh và xã Đồi 61, huyện Trảng Bom đã lập thêm 3 chốt kiểm dịch tạm thời chặn trên các tuyến đường đi vào vùng dịch. Ngoài ra, có 1 trạm kiểm dịch do tỉnh lập ra trên quốc lộ 1 thuộc xã Bình Minh cũng có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nguồn heo từ ngoài tỉnh đi qua địa bàn huyện Trảng Bom.

3 chốt kiểm dịch tạm thời trên có sự tham gia của lực lượng thú y, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, Phòng Kinh tế huyện; hoạt động 24/24 giờ, tổ chức phun xịt thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận tải ra vào vùng dịch; kiểm soát không cho heo và sản phẩm từ thịt heo ra vào vùng dịch…

Bà Vũ Thị Hồng Duyên, Phó trưởng trạm Thú y huyện Trảng Bom cho biết: “Hiện ấp Tân Đạt có tổng đàn hơn 1 ngàn con heo, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các biện pháp dập và chống dịch được thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn mọi nguy cơ lây lan; nhất là tập trung kiểm soát các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng giám sát. Nhờ đó, các ổ dịch đã được khống chế, không để phát sinh ổ dịch mới”.   

Một hộ chăn nuôi heo ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tiến hành phun thuốc khử trùng tại chuồng trại nuôi heo của gia đình để chủ động phòng chống các mầm bệnh lây lan. Ảnh: Hải Quân
Một hộ chăn nuôi heo ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất tiến hành phun thuốc khử trùng tại chuồng trại nuôi heo của gia đình để chủ động phòng chống các mầm bệnh lây lan. Ảnh: Hải Quân

Trong quyết định công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Phước Thiền và Hiệp Phước của UBND huyện Nhơn Trạch, nội dung được nhấn mạnh là các địa phương xảy ra dịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, tại vùng dịch, UBND các xã phải thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch; lập các trạm, chốt kiểm dịch; hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có ổ dịch. Cấm giết mổ đưa vào, mang ra hoặc lưu thông heo hoặc sản phẩm từ heo trên địa bàn xã Phước Thiền, Hiệp Phước trong thời gian có dịch. Các xã trong vùng uy hiếp và vùng giám sát phải khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không để dịch lây lan vào địa bàn; chủ động sẵn sàng để ứng phó kịp thời khi có dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch tả heo châu Phi, toàn tỉnh đã lập 23 trạm, chốt kiểm dịch, nhằm ngăn chặn, kiểm soát không để dịch tả heo châu Phi lây lan trên địa bàn tỉnh.

* Sớm hỗ trợ người chăn nuôi

Theo quyết định hỗ trợ đối với trường hợp hộ chăn nuôi có heo bị dịch tả châu Phi phải tiêu hủy của UBND tỉnh Đồng Nai, đối với heo con theo mẹ sẽ có mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/con; 500 ngàn đồng/con đối với heo con dưới 2 tháng tuổi; 2 triệu đồng/con đối với heo thịt từ 2-4 tháng tuổi. Đối với heo thịt, heo giống, hậu bị trên 4 tháng tuổi được hỗ trợ 3 triệu đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác được hỗ trợ tối đa với mức 4,5 triệu đồng/con.

Bà Nguyễn Thị Thu Năm, giảng viên Khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh góp ý: “Dịch tả heo châu Phi là một trong các bệnh khó giải quyết nhất trong các loại dịch bệnh, do virus gây bệnh tồn lưu rất lâu trong các sản phẩm bị nhiễm và bên ngoài môi trường. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh này trên heo. Tuy nhiên, bệnh dịch tả heo châu Phi không gây hại cho sức khỏe con người nên thịt heo được kiểm dịch rất an toàn. Bên cạnh các biện pháp quản lý của Nhà nước, người chăn nuôi phải siết chặt hơn về an toàn sinh học tại chuồng trại, kiểm soát triệt để các phương tiện, sản phẩm có nguy cơ chứa nguồn bệnh vào trại, phun xịt thuốc sát trùng kỹ hơn, đúng nồng độ khuyến cáo”.

Trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã chủ động kiến nghị về phương án hỗ trợ nên tính theo đầu con heo cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc cần làm ngay là tập trung vào công tác dập dịch; thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp phòng, chống để ngăn chặn dịch lây lan. Như hiệp hội từng nhiều lần kiến nghị, khi xảy ra dịch cần công bố cụ thể thời gian được nhận hỗ trợ để người chăn nuôi chủ động báo dịch; đồng thời xử phạt thật nặng trường hợp giấu dịch, bán heo bệnh ra thị trường.

“Các ổ dịch tại Đồng Nai đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ở đây, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng trong tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi nhằm tăng ý thức phòng, chống dịch. Tỉnh cũng cần phải tăng cường kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh” - ông Đoán nói.

Đồ họa thể hiện các xã xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở Đồng Nai (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa:  HẢI QUÂN)
Đồ họa thể hiện các xã xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở Đồng Nai (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Nói về việc hỗ trợ cho người chăn nuôi, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn khẳng định: “UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ đối với trường hợp hộ chăn nuôi có heo bị dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy. Nguồn kinh phí đã sẵn sàng. Hiện các địa phương cũng đang làm thủ tục và việc hỗ trợ cho người chăn nuôi sẽ được thực hiện sớm nhất theo quy định”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều