Báo Đồng Nai điện tử
En

Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vì sao chậm?

09:05, 20/05/2019

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vốn nhà nước tại Đồng Nai có tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng các quy định về đất đai và đấu giá cổ phần.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) vốn nhà nước tại Đồng Nai có tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng các quy định về đất đai và đấu giá cổ phần.

Tổng công ty Dofico - một trong 2 đơn vị đang tiến hành cổ phần hóa của Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG
Tổng công ty Dofico - một trong 2 đơn vị đang tiến hành cổ phần hóa của Đồng Nai. Ảnh: H.GIANG

Theo Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, Đồng Nai hiện có 2 tổng công ty là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) đang tiến hành cổ phần, thoái vốn nhà nước.

* Vướng mắc đất đai

Khúc mắc lớn nhất với DN trong tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nằm ở đất đai. Nhiều quy định liên quan đến đất đai chưa rõ ràng, khiến các DN gặp khó trong việc định giá. UBND tỉnh cũng đã có kiến nghị Trung ương tháo gỡ, tuy nhiên đến nay một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng đánh giá: “Đa số các DN nhà nước sau khi cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, tỉnh đang gấp rút thực hiện các thủ tục để đẩy nhanh việc cổ phần hóa và thoái vốn. Tuy nhiên, có nhiều DN, đặc biệt DN trên lĩnh vực nông nghiệp rất khó khăn trong việc thực hiện công tác trên do vướng mắc ở các quy định đất đai, chưa kể đang trong giai đoạn dịch bệnh, giá nông sản xuống thấp”.

Cụ thể, Tổng công ty Dofico theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa trong năm 2019 và chỉ giữ lại 61% vốn nhà nước. Dofico vừa hoàn thành xong phương án sử dụng đất trình UBND tỉnh thì giữa tháng 4-2019, Bộ Tài chính lại có văn bản mới về xử lý nhà đất khi cổ phần, vì thế tổng công ty này buộc phải làm lại phương án xử lý nhà đất. Việc này đã khiến cho tiến trình cổ phần kéo dài hơn.

Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi cho biết: “Kế hoạch của tổng công ty là thoái vốn nhà nước xuống còn 36% trong năm 2019. Nhưng do vướng mắc về xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp nên đành phải chậm lại. Nghị định 32/2018/NĐ-CP về xác định giá đất chưa rõ ràng nên khi DN tính toán giá trị đất gặp khó, đành phải ngưng lại”.

Cũng theo ông Thám, nhiều DN thuê đất với thời gian dài, khi định giá thì khung giá đất chỉ ổn định 5 năm, còn khoảng thời gian sau 5 năm sẽ thay đổi và đơn vị tư vấn không biết căn cứ vào đâu để tính giá đất của những năm sau.

Đất đai trong cổ phần hóa và thoái vốn đang là vấn đề “nóng” không chỉ riêng Đồng Nai mà ở nhiều tỉnh, thành khác. Từ DN đến UBND tỉnh đều phải cẩn trọng và nhiều nơi “thà” chấp nhận chậm tiến độ còn hơn là làm sai.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết: “Tỉnh đang khó khăn trong việc gỡ khó về đất đai cho những DN cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Cụ thể, những DN trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hoạt động từ trước khi có Luật Đất đai nên họ được giao đất không làm thủ tục. Sau đó, công ty tự ý sang nhượng một số thửa đất mình quản lý, do đó khi cổ phần tỉnh không biết làm như thế nào với những diện tích đất đã sang nhượng”. UBND tỉnh cũng đã có đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai mới đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

* Gặp khó trong bán cổ phần

Ngoài khó khăn liên quan đến đất đai thì những DN đang cổ phần hóa và thoái vốn còn gặp vướng mắc trong việc đấu giá cổ phần. Nếu điểm “nghẽn” này chậm tháo gỡ cũng khiến cho quá trình cổ phần, thoái vốn bị chậm lại thêm.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Tổng giám đốc Tổng công ty Dofico cho hay: “Vừa qua, một số công ty trực thuộc tổng công ty tiến hành đấu giá cổ phần và gặp phải tình trạng đấu giá bán không hết, bỏ tiền cọc không đấu giá. Dofico dự tính cho bán cạnh tranh do giá cổ phần có thể cao hơn nhưng Bộ Tài chính lại chưa có hướng dẫn bán cổ phần cạnh tranh. Vì thế một số DN đang vướng ở điểm này đành phải đợi”. Dofico hiện đang có 3 công ty con gặp phải tình trạng trên chưa có giải pháp tháo gỡ vì còn phải chờ Bộ Tài chính hướng dẫn.

Thực tế, các DN có vốn nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp ở thời điểm đưa cổ phần ra đấu giá nếu gặp khi giá nông sản, thực phẩm đang cao thì khá thuận lợi, song đúng dịp có dịch bệnh, giá nông sản xuống thấp thì lại rất khó bán, trường hợp bán được giá rất thấp.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương cho biết: “Những vấn đề Đồng Nai đang gặp khó cũng có nhiều tỉnh, thành gặp phải. Tới đây, chúng tôi sẽ mời các bộ, ngành liên quan làm việc để tháo gỡ cho Đồng Nai cùng những tỉnh, thành khác. Về đất đai trong định giá để cổ phần, thoái vốn, Đồng Nai nên làm công khai, minh bạch để tránh vướng mắc về sau”.

Hương Giang

Tin xem nhiều