Báo Đồng Nai điện tử
En

Rộ trào lưu kinh doanh "take away"

09:04, 08/04/2019

Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa xuất hiện ngày càng nhiều chuỗi ki-ốt, cửa hàng nhỏ kinh doanh sản phẩm theo hướng mang đi (take away) thay vì đầu tư cửa hàng với mặt bằng lớn.

Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa xuất hiện ngày càng nhiều chuỗi ki-ốt, cửa hàng nhỏ kinh doanh sản phẩm theo hướng mang đi (take away) thay vì đầu tư cửa hàng với mặt bằng lớn.

Khách hàng mua mang đi các loại thức uống tại ki-ốt Rau Má Pha nằm trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.HẢi
Khách hàng mua mang đi các loại thức uống tại ki-ốt Rau Má Pha nằm trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.HẢi

Điều này giúp tiết kiệm chi phí về mặt bằng, nhân công... nhưng cũng đòi hỏi việc xây dựng kế hoạch phù hợp, lâu dài.

* Chi phí đầu tư thấp

Các chuỗi ki-ốt, cửa hàng nhỏ này thường có diện tích khoảng 5-15m2, hướng tới phân khúc khách hàng mua mang đi và tập trung chủ yếu ở hoạt động bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống thuộc nhóm ngành cung cấp dịch vụ ăn uống với thương hiệu như: Five Star, Pappa Roti, Rau Má Pha, Rau Má Cô Ba...

Anh Nguyễn Đức Mạnh, người quản lý chuỗi ki-ốt, cửa hàng Rau Má Pha (TP.Biên Hòa) cho hay, chuỗi Rau Má Pha ấp ủ ý tưởng phát triển hệ thống từ một ki-ốt nhỏ. Việc kinh doanh theo kiểu ki-ốt này có chi phí ban đầu thấp hơn nhiều so với việc thuê, cải tạo lại thành khuôn viên cửa hàng lớn, trong khi đó nguồn lợi nhuận thu được khá ổn định. Hiện nay, chuỗi đã phát triển được 3 cửa hàng, ki-ốt tập trung vào nhóm khách hàng mua mang đi.

“Sắp tới, chúng tôi dự kiến tiếp tục phát triển hệ thống thêm khoảng 6 cửa hàng nhỏ, ki-ốt theo hướng này, trong đó tập trung vào các vị trí ở gần các siêu thị, trung tâm thương mại” - anh Đức Mạnh cho biết thêm.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại chọn hình thức kinh doanh theo chuỗi cửa hàng, ki-ốt nhượng quyền. Chi phí ban đầu để nhượng quyền cho một cửa hàng, ki-ốt tùy vào diện tích mặt bằng, thỏa thuận với đối tác nhượng quyền, bao gồm: công thức chế biến, trang thiết bị, đồ dùng, các trang phục, thiết kế ki-ốt theo tiêu chuẩn từ phía đối tác nhượng quyền...

Anh Hoàng Đức, chủ một ki-ốt Five Star nhượng quyền của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam ở đường Hưng Đạo Vương (TP.Biên Hòa) cho hay, việc kinh doanh ki-ốt nhượng quyền được anh áp dụng khoảng 2 năm nay, ngoài việc tìm kiếm, thỏa thuận mặt bằng phù hợp, chi phí đầu tư ban đầu để nhượng quyền vào khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, phải đảm bảo nguồn nguyên liệu, vệ sinh thực phẩm, giờ mở cửa, đồng phục và chịu sự giám sát từ phía công ty. Số tiền chênh lệch giữa giá bán sản phẩm và giá nguyên liệu thuộc về người bán. Mỗi tháng, trừ chi phí thuê mặt bằng, nhân công... 1 ki-ốt đem về cho anh lợi nhuận khoảng chục triệu đồng.

* Cần xây dựng kế hoạch dài hơi

Xu hướng phát triển theo dạng các chuỗi ki-ốt, cửa hàng nhỏ đang là xu hướng được nhiều người trẻ lưu ý tới để phát triển kinh doanh. Song trên thực tế, dù chi phí đầu tư thấp nhưng việc kinh doanh này cũng cần sự tính toán phù hợp, tránh trường hợp “dễ sinh - khó dưỡng” khi các ki-ốt kinh doanh phát triển quá nhiều.

Một ki-ốt nhượng quyền thương hiệu Five Star trên đường Hưng Đạo Vương (TP.Biên Hòa). (Ảnh Hải Quân)
Một ki-ốt nhượng quyền thương hiệu Five Star trên đường Hưng Đạo Vương (TP.Biên Hòa). (Ảnh Hải Quân)

Chủ một chuỗi cửa hàng thực ăn nhanh ở TP.Biên Hòa chia sẻ, chuỗi cửa hàng từng có thời gian phát triển thêm các ki-ốt để mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên sau một thời gian đi vào hoạt động, các ki-ốt lại không đạt hiệu quả như mong muốn, gặp nhiều vấn đề về quản lý, bảo quản, bảo vệ ki-ốt... nên anh đành tạm dừng phát triển hệ thống ki-ốt này.

Anh Nguyễn Đức Mạnh cho biết thêm, việc phát triển các ki-ốt, cửa hàng nhỏ có chi phí đầu tư thấp nhưng cần có chiến lược phát triển phù hợp, đảm bảo đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên thực tế, các ki-ốt cũng có những hạn chế nhất định về không gian, đặc biệt vào mùa mưa sẽ bị ảnh hưởng nhiều, khó cạnh tranh hơn so với các cửa hàng được đầu tư kiên cố, bài bản hơn.

Trong khi đó, mặt bằng cho việc phát triển này cũng trở nên “nóng” hơn trước xu hướng phát triển của trào lưu kinh doanh theo hướng “take away” này, đặc biệt là ở những nơi tập trung nhiều người qua lại như các siêu thị, trung tâm thương mại...

Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.op Mart Biên Hòa cho hay, hiện khu vực phía trước của siêu thị đang được nhiều thương hiệu thuê để phát triển các ki-ốt bán lẻ, tùy vào vị trí mà có giá thuê khác nhau. Sắp tới, Co.op Mart Biên Hòa sẽ nghiên cứu phương án phát triển hệ thống ki-ốt cho thuê một cách phù hợp, có chọn lọc.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần thuế - kế toán Luật Việt Á (TP.Biên Hòa), thành viên Hội đồng Tư vấn - hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam nhận định, xu hướng khởi nghiệp theo các chuỗi ki-ốt hiện nay ngày càng được nhiều bạn trẻ hướng tới bởi không cần quá nhiều kinh phí, vốn đầu tư, phù hợp với xu hướng nhu cầu của giới trẻ hiện nay.

Bên cạnh việc kinh doanh nhượng quyền của thương hiệu lớn, thì những chuỗi ki-ốt theo hướng tự mở cần lưu ý tới thị hiếu khách hàng, nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần có kế hoạch xây dựng dài hơi để phát triển phù hợp với nguồn lực của mình, chú trọng giữ uy tín, phát triển thương hiệu, tên tuổi, tránh sa đà phát triển quá nhanh trong khi lại thiếu các kinh nghiệm về quản trị vốn, quản trị nhân lực... Ngoài ra, cũng cần tính tới việc đảm bảo các quy định về trật tự đô thị, tránh lấn chiếm vỉa hè, đường phố trong quá trình kinh doanh.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều