Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông thôn "thay da đổi thịt"

10:04, 26/04/2019

Sau 44 năm giải phóng, Đồng Nai đã sẵn sàng cho mục tiêu tỉnh nông thôn mới (NTM) đầu tiên của cả nước vào năm 2019. Hiện 3 huyện cuối cùng của tỉnh đang chờ Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Nếu được công nhận, Đồng Nai sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước có 100% số xã, huyện đạt chuẩn NTM.

Sau 44 năm giải phóng, Đồng Nai đã sẵn sàng cho mục tiêu tỉnh nông thôn mới (NTM) đầu tiên của cả nước vào năm 2019. Hiện 3 huyện cuối cùng của tỉnh đang chờ Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Nếu được công nhận, Đồng Nai sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước có 100% số xã, huyện đạt chuẩn NTM.

Nông dân huyện Cẩm Mỹ ứng dụng công nghệ cao trồng cà chua trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân huyện Cẩm Mỹ ứng dụng công nghệ cao trồng cà chua trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên

Trong xây dựng NTM, Đồng Nai luôn lấy thước đo là chất lượng đời sống nông dân và đây cũng là mục tiêu lớn nhất của thời “hậu” NTM.

* Bộ mặt nông thôn “trong mắt” nông dân

Xuất phát điểm khá thấp nên Tân Phú là một trong những địa phương “về đích” sau cùng của Đồng Nai trong xây dựng NTM. Nhưng huyện miền núi nghèo này lại tạo được sự bứt phá trong phát triển sản xuất. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn của huyện năm 2018 đã đạt trên 50,8 triệu đồng/người/năm; cao hơn gấp nhiều lần so với khởi điểm ở mức rất thấp 14,5 triệu đồng/người vào năm 2011. Và chính những người nông dân đã tạo nên sự thay đổi ấn tượng này.

Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).
Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).

Lão nông Đoàn Văn Nhàn nổi tiếng ở xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) vì có vườn đặc sản sầu riêng hạt lép và bơ sáp rộng 10 hécta cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm. Nhớ lại những ngày đầu “phiêu bạt” từ miền Tây lên Đồng Nai lập nghiệp chỉ với đôi bàn tay trắng, ông Nhàn chia sẻ: “Vì đồng vốn ít nên tôi bắt đầu bằng những cây rau màu hằng năm. Khi có chút vốn, tôi mới chuyển sang trồng cây ăn trái”.

Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông của Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá... Tỉnh cũng đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có”.

Theo ông Nhàn, do có sẵn đam mê trồng cây ăn trái nên suốt mấy mươi năm làm nông, ông đã trồng đủ loại đặc sản như: nhãn da bò, quýt, bưởi, sầu riêng... Vì sự bấp bênh về thị trường, có khi gặp rủi ro về dịch bệnh, không ít lần lão nông này phải cay đắng chặt bỏ vườn cây đặc sản đã trồng. Đúc kết về bí quyết thành công, lão nông này bật mí: “Trái cây loại 1 bán được 2 đồng thì loại 2 chỉ được 1 đồng. Chính vì vậy, chỉ khi nắm vững về kỹ thuật, vườn cây đạt cả về năng suất và chất lượng thì mới có lợi nhuận cao”.

Xây dựng NTM với hàng loạt phong trào đưa giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; cơ sở hạ tầng được đầu tư, thu hút thương lái về tận những xã vùng sâu thu mua nông sản; nông dân mới dần thoát khỏi vòng luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt” để cùng nhau vươn lên làm giàu.

Hơn 80 tuổi với mái đầu trắng xóa, ông Vòng Vĩnh Ốn, người có uy tín trong cộng đồng người Hoa của xã Bàu Sen (TX.Long Khánh) vẫn lặn lội đến từng nhà dân để vận động người dân hiến đất và góp hơn nửa tỷ đồng để làm tuyến đường bê tông ở ấp Tân Thủy, xã Bàu Sen. Lão nông này hết lòng với công tác vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM vì lợi ích thiết thân của chính người nông dân. Ông Ốn chia sẻ: “Tuyến đường này nối với các xã Xuân Lập, Hàng Gòn, Xuân Tân nên lượng người đi lại rất đông; khi còn là đường đất, mưa lầy lội, người dân đi lại rất khó khăn. Chở nông sản càng vất vả; lợi nhuận thu về cũng thấp hơn do chi phí vận chuyển cao. Khi con đường bê tông hoàn thành, nông dân mừng lắm vì thương lái đánh xe tải vào mua tận vườn chứ không còn cảnh máy cày, xe máy vất vả tự chở trái cây ra vựa bán như trước”.

Những vùng đồng bào dân tộc nghèo càng được chăm lo cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Ông Thổ Đực, già làng dân tộc Chơro tại xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh) khoe: “Đến nay, xã đã làm được 3 tuyến đường liên xã, liên ấp tại những khu vực có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Có đường chạy xe “vù” cái là đến chứ không phải đội từng bao lúa lên đầu đi bộ như trước. Chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho chúng tôi làm nhà văn hóa có sân rộng để đồng bào dân tộc có nơi tập trung tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, điểm nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính đồng bộ, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Các thiết chế văn hóa, mạng lưới thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... ngày càng có những bước phát triển rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

* Giữ ngọn cờ đầu

Giai đoạn 2008-2018, tổng nguồn lực đã được tỉnh đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn là 330 ngàn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách chiếm gần 12%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân. Điểm nổi bật của Đồng Nai là kinh tế phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững. Kết quả, thu nhập của người dân nông thôn các địa phương tăng gấp 3-4 lần so với 10 năm trước. Nhiều huyện nghèo bứt phá, tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên mức ấn tượng như: huyện Trảng Bom đạt trên 61,2 triệu đồng/người/năm; huyện Vĩnh Cửu đạt trên 56 triệu đồng/người/năm...

Không chỉ là tỉnh dẫn đầu cả nước có 100% số xã, huyện đạt chuẩn NTM, với 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Đồng Nai cũng tiên phong trong thời kỳ hậu xây dựng NTM. Theo đó, huyện Xuân Lộc của Đồng Nai đã được chọn làm thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước. Đánh giá về hậu NTM ở Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét: “Với 6/14 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, khả năng Xuân Lộc đạt huyện NTM kiểu mẫu của cả nước là rất lớn. Đồng Nai cũng là tỉnh đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao với 26 xã đã đạt chuẩn. Điểm nổi bật là tốc độ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là trong ứng dụng khoa học - công nghệ cao rất nhanh từ huyện điểm xây dựng NTM kiểu mẫu đến các địa phương khác”.

* Phát triển bền vững

Tuy đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở cấp tỉnh vào năm 2019, “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu nhưng Đồng Nai luôn xác định xây dựng NTM bền vững là yêu cầu và định hướng xuyên suốt trong giai đoạn tới.

Thu hoạch tôm càng xanh tại xã Phú Lập (huyện Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên
Thu hoạch tôm càng xanh tại xã Phú Lập (huyện Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định: “Để hoàn thành sớm mục tiêu tỉnh NTM trong năm 2019, Đồng Nai đang chịu áp lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là về chỉ tiêu tăng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhưng tỉnh không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM và NTM nâng cao mà muốn đi vào thực chất. Trong đó, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được chú trọng hàng đầu”.

Theo đó, đóng góp ý kiến xây dựng NTM bền vững giai đoạn sau năm 2020, Đồng Nai đã đưa ra kiến nghị: Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao hiện đang phân ra làm 2 loại tiêu chí là tiêu chí chung và tiêu chí để công nhận xã NTM kiểu mẫu nên rườm rà và khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng tiêu chí cũng như trong đánh giá. Trung ương nên ban hành một loại tiêu chí, nếu đạt tiêu chí ở lĩnh vực đó là được xét công nhận kiểu mẫu. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu có cơ chế chính sách cho giai đoạn thực hiện NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo sau đạt chuẩn NTM.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều