Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn... du lịch

09:03, 11/03/2019

Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc) vừa gửi các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam danh sách những công ty được xin thị thực (visa) Quan Hồng (Kuan Hung) cho khách du lịch. Danh sách này bị rút gọn chỉ còn gần 1/2 so với trước đây do sự cố trên 150 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở lại Đài Loan xảy ra vào mấy tháng trước.

Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc) vừa gửi các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam danh sách những công ty được xin thị thực (visa) Quan Hồng (Kuan Hung) cho khách du lịch. Danh sách này bị rút gọn chỉ còn gần 1/2 so với trước đây do sự cố trên 150 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn ở lại Đài Loan xảy ra vào mấy tháng trước. Đài Loan đã phải tạm ngưng cấp loại thị thực này trong 2 tháng qua và vừa có thông báo mở trở lại từ ngày 20-3.

Visa Quan Hồng hay visa theo chính sách Quan Hồng là loại visa điện tử của Đài Loan cấp cho các công ty chuyên tổ chức tour du lịch. Đây là loại visa du lịch ưu đãi mà Đài Loan dành cho một số thị trường, trong đó có Việt Nam. Với loại thị thực này, du khách không cần phải đáp ứng những quy định như: chứng minh tài chính, hợp đồng lao động... và không phải tốn phí, chưa kể thời gian xét cấp cũng nhanh hơn. Đài Loan tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng visa cho công dân các nước Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, dự kiến thu hút càng nhiều du khách đến từ các nước mục tiêu của “Chính sách hướng Nam mới” sang Đài Loan du lịch và khảo sát kinh doanh, đồng thời phát triển sâu rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Đài Loan và các quốc gia này trên mọi tầng lớp (nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam).

Ngoài việc rút gọn danh sách, các điều kiện xuất nhập cảnh và quản lý du khách của Đài Loan cũng siết chặt hơn nhiều so với trước đây, dự kiến sẽ gây nhiều khó khăn cho du khách Việt Nam.

Nhìn chung, đây là một “nỗi buồn” khó nói và hành vi của khách du lịch những tưởng là mang tính cá nhân, song có thể gây hại cho ngành kinh tế du lịch lẫn các hoạt động ngoại giao của các quốc gia. Không chỉ Đài Loan, các quốc gia phát triển khác cũng sẽ đòi hỏi và quản lý gắt gao hơn đối với khách du lịch Việt Nam nếu xảy ra tình trạng tương tự.

Một “nỗi buồn” khác là ứng xử của du khách nơi công cộng cũng có thể đem về những bất lợi về hình ảnh cho một quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà những tấm biển như: “Không viết, vẽ bậy”, “Không xả rác”, “Không lãng phí thức ăn”… tại một số địa điểm du lịch phổ biến ở nước ngoài lại có dòng phụ đề bằng tiếng Việt bên cạnh tiếng Anh vốn được xem như một loại ngôn ngữ chung dành cho giao tiếp. Nhìn ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhắc nhở và không chào đón những du khách thiếu ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ danh lam thắng cảnh hoặc có những ứng xử thiếu văn minh tại đất nước mình, mặc dù rất muốn nâng cao doanh thu từ
du lịch.

Kinh tế du lịch phải đi kèm với văn hóa du lịch là vậy.

Vi Lâm

Tin xem nhiều