Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát, phòng ngừa nhiều dịch bệnh trong chăn nuôi

09:03, 29/03/2019

Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức buổi họp "nóng" về tình hình phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức buổi họp “nóng” về tình hình phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Các xe chở heo từ các tỉnh miền Bắc đều được phun thuốc sát trùng tại Trạm kiểm dịch trên quốc lộ 1 A (huyện Xuân Lộc)
Các xe chở heo từ các tỉnh miền Bắc đều được phun thuốc sát trùng tại Trạm kiểm dịch trên quốc lộ 1 A (huyện Xuân Lộc)

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, ngoài 7 chốt kiểm dịch do tỉnh lập để kiểm soát nguồn heo ngoại tỉnh, các địa phương phải chủ động lập các chốt nội bộ vừa kiểm soát nguồn heo từ ngoài vào, vừa kiểm soát nguồn heo tại địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý trong trường hợp xuất hiện ổ dịch.

Quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn là ở người chăn nuôi nên phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và có giải pháp xử lý với những trang trại, hộ chăn nuôi cố ý không thực hiện các biện pháp phòng, chống khiến dịch bệnh lây lan.

* Lo “dịch chồng dịch”

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn heo diễn biến khá phức tạp khi ngoài nguy cơ dịch tả heo châu Phi thì dịch lở mồm long móng, dịch heo tai xanh đang tái xuất hiện; đàn gia cầm cũng bị đe dọa bởi dịch cúm gia cầm khi hiện đã có tỉnh xuất hiện ổ dịch này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tập trung rà soát, thống kê lại tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh vì đây là cơ sở rất quan trọng trong công tác điều hành, nhất là trong trường hợp xảy ra dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai.  Các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, đặc biệt xử lý mạnh tay, quyết liệt các lò giết mổ ngoài quy hoạch, giết mổ lậu. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh để người dân không “quay lưng” lại với thịt heo nhưng cũng không thờ ơ trước dịch.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, hiện vài địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch heo tai xanh, lở mồm long móng. Cụ thể cách đây vài ngày ở huyện Cẩm Mỹ có trang trại heo quy mô lớn xuất hiện tình trạng heo chết hàng loạt do vừa bị dịch lở mồm long móng vừa bị dịch heo tai xanh. Nguy hiểm nhất là dịch tả heo châu Phi đang có dấu hiệu lan vào miền Nam, sát sườn với Đồng Nai khi 2 tỉnh của Campuchia giáp ranh với các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh đã xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ ngày 14-12-2018 đến ngày 24-1-2019, huyện Cẩm Mỹ đã xuất hiện các ổ dịch lở mồm long móng trên đàn heo của 68 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong tháng 12-2018, ổ dịch cúm trên vịt đã xuất hiện ở 2 hộ chăn nuôi tại ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) với tổng đàn 12 ngàn con. Hiện các ổ dịch trên đã được khống chế.

Tuy nhiên, việc dịch lở mồm long móng và dịch heo tai xanh tái phát gần đây cũng đã cảnh báo về nguy cơ dịch chồng dịch xảy ra trong chăn nuôi. Đồng Nai đã thực hiện đồng loạt các biện pháp phòng chống. Trong đó, các địa phương rất chú trọng công tác giám sát dịch tễ.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, trong năm 2018, hơn 21 ngàn mẫu các loại đã được lấy đưa đi xét nghiệm về kháng thể lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm... để giám sát sau tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai đã đưa đi xét nghiệm hàng chục mẫu về dịch tả heo châu Phi nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện heo bị bệnh. “Trong công tác tiêu độc, khử trùng từ đầu năm đến nay, trên 9,3 ngàn lít thuốc sát trùng đã được cung cấp về các địa phương. Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cũng kiến nghị lên UBND tỉnh có giải pháp nhanh chóng bổ sung thêm nguồn thuốc sát trùng, tiêu độc để tiếp tục tăng cường cho các địa phương trong thời gian tới”  - ông Trần Văn Quang nói.

* Kiểm soát chăn nuôi nhỏ lẻ

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh thông báo kết quả đợt kiểm tra của tỉnh đối với các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa trong công tác phòng, chống dịch. Đa số các địa phương thực hiện rất tốt từ viêc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống đến công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề  tồn tại như: ở một số địa phương có tổng đàn heo ít như huyện Long Thành và Nhơn Trạch, công tác phòng chống dịch tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là.

Công tác phun thuốc sát trùng, tiêu độc được các địa phương thực hiện thường xuyên trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Cán bộ thú y huyện Thống Nhất phun thuốc sát trùng trên những tuyến đường nơi công cộng dẫn vào các khu chăn nuôi. Ảnh: B.Nguyên
Công tác phun thuốc sát trùng, tiêu độc được các địa phương thực hiện thường xuyên trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Cán bộ thú y huyện Thống Nhất phun thuốc sát trùng trên những tuyến đường nơi công cộng dẫn vào các khu chăn nuôi. Ảnh: B.Nguyên

Nguyên nhân có thể là do người chăn nuôi chưa hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh này. “Đề nghị các địa phương cần rà soát, thống kê hết lại tổng đàn heo, số lượng hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ nuôi 1-2 con heo cũng cần được kiểm soát. Vì chính những hộ chăn nuôi rất nhỏ này mới lơ là trong công tác phòng, chống dịch và có thể đây là nơi ổ dịch xuất hiện và lây lan” - ông Vinh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Huyện đã cho rà soát lại tổng đàn heo trên địa bàn có gần 200 ngàn con của 150 trang trại và trên 3 ngàn hộ chăn nuôi. Tuy địa phương đã chỉ đạo đầy đủ về mặt văn bản cũng như tổ chức tuyên truyền, cấp vôi bột để khử trùng chuồng trại cho hộ chăn nuôi… nhưng chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Địa phương sẽ khắc phục bằng cách tăng cường ngay công tác kiểm tra, giám sát, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ”.

Nhơn Trạch là huyện có đàn heo ít nhất tỉnh với tổng đàn khoảng 21 ngàn con của 9 trang trại và khoảng 300 hộ chăn nuôi. Khó khăn không nhỏ trong việc triển khai công tác phòng dịch tại địa phương này là nhận thức của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn kém. Theo đại diện UBND huyện Nhơn Trạch, hiện địa phương đang tập trung di dời các hộ chăn nuôi ngoài quy hoạch vào các khu tập trung chăn nuôi. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường giám sát, thống kê lại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là những hộ chăn nuôi heo rừng.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Thành phố đã cho kiểm tra và phát hiện một số trang trại chăn nuôi heo vẫn tiếp tục sử dụng nguồn thức ăn thừa từ các khu công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Biên Hòa đang làm việc với lãnh đạo ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi khi dịch tả heo châu Phi đang lan nhanh như hiện nay”.

Về công tác phòng, chống dịch, thành phố đã giao trách nhiệm đến từng phường, xã. Địa phương cũng đang tập trung cho phương án lập các chốt kiểm dịch trên những tuyến đường có kết nối với các tỉnh, thành khác để kiểm soát nguồn heo ngoại tỉnh vào địa bàn; lập các chốt chặn ở các điểm giết mổ lậu phức tạp như phường Long Bình, An Hòa.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều