Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổ nợ với cây tiêu

03:03, 12/03/2019

Một thời chưa lâu, cây tiêu được mệnh danh là "vàng đen" do giá cao, lợi nhuận lớn, tương tự cây cao su được coi là "vàng trắng" lúc hoàng kim. Nhưng giờ đây, nông dân trồng tiêu đang bị vây khốn bởi nợ nần.

Một thời chưa lâu, cây tiêu được mệnh danh là “vàng đen” do giá cao, lợi nhuận lớn, tương tự cây cao su được coi là “vàng trắng” lúc hoàng kim. Nhưng giờ đây, nông dân trồng tiêu đang bị vây khốn bởi nợ nần. Nhiều hộ dân đang thế chấp sổ đỏ vay nợ duy trì vườn tiêu nhưng hiện giá tiêu rớt xuống thấp nhất trong 3 năm trở lại đây với mức chỉ hơn 40 ngàn đồng/kg.

Vườn tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân (TX.Long Khánh) bị chặt bỏ ngay sau vụ thu hoạch
Vườn tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy Vân (TX.Long Khánh) bị chặt bỏ ngay sau vụ thu hoạch

[links()]Vụ thu hoạch năm nay, nhiều vườn tiêu chín đỏ cây, rụng đầy gốc vì không kịp thu hoạch do khó khăn về công lao động. Thu không đủ bù chi khiến nhiều nông dân bỏ mặc vườn tiêu dần lụi tàn vì dịch bệnh, khô hạn. Tại nhiều địa phương, nông dân tiếp tục chặt bỏ cây tiêu vì càng làm càng lỗ. 

* Khốn đốn vì thu hoạch tiêu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2018, toàn tỉnh có trên 19 ngàn hécta tiêu, sản lượng thu hoạch đạt trên 29,3 ngàn tấn. Kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn trên 18,9 ngàn hécta tiêu nhưng năng suất sẽ đạt gần 30,4 ngàn hécta. Trong khi đó, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, về quy mô diện tích của cây tiêu chỉ đạt từ 9-10 ngàn hécta.

Chỉ những gốc tiêu đầy những chùm trái chín rụng, ông Lê Văn Đảo, nông dân trồng tiêu tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) xót xa: “Năm ngoái thời điểm này, vườn tiêu của tôi đã thu hoạch gần xong nhưng hiện mới thu được một nửa vì chỉ có 2 vợ chồng già làm do giá công hái quá cao. Thu trễ, nông dân thiệt hại nhiều đường vì không chỉ bị hao hụt lớn về năng suất vụ này mà sức cây cũng bị ảnh hưởng vụ sau”.

Theo ông Đảo tính toán, năng suất vụ tiêu năm nay không bằng một nửa năm ngoái. Cả vụ, 2 vợ chồng ông không dám nghỉ trưa để lo thu hoạch tiêu nhưng cầm chắc lỗ vốn vì tiêu đang dưới giá thành sản xuất. 3 năm nay, chi phí sinh hoạt trong nhà đều nhờ con cái đi làm gửi về thêm vì vườn tiêu không có thu nên với vợ chồng ông Đảo vốn đầu tư cho vườn tiêu trong vụ tới là bài toán chưa có lời giải.

Khi tiêu còn có giá, nhà vườn thường chỉ phải bán một phần nhỏ tiêu thu hoạch là đủ tiền trả công người hái. Năm nay, nhiều nhà vườn chọn cách chia 50-50 lượng tiêu hái để tính công thu hoạch. Nhưng những vườn bị mất mùa, công hái yêu cầu trả tiền mặt vì bán tiêu không đủ tiền công ở mức 250 ngàn đồng/người/ngày.

Ông Lê Văn Đảo (huyện Cẩm Mỹ) lo lắng vì vườn tiêu chín rụng mà không có công thu hoạch  Ảnh: B.Nguyên
Ông Lê Văn Đảo (huyện Cẩm Mỹ) lo lắng vì vườn tiêu chín rụng mà không có công thu hoạch Ảnh: B.Nguyên

Vụ thu hoạch tiêu năm nay, bà Nguyễn Thị Bay, Tổ trưởng Tổ hợp tác cụm 3 xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) sụt cân vì quá vất vả, vừa hái tiêu vừa lo vì giá tiêu lại rớt xuống mức đáy mới. Thời điểm vườn nhà bà Bay thu hoạch, giá tiêu giảm chỉ còn hơn 40 ngàn đồng/kg nhưng hái xong bà buộc phải bán ngay mới có tiền trả công thợ. Theo bà Bay: “Rất nhiều hộ đã buộc phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng trồng tiêu, chăm vườn giờ không có khả năng trả vì 3 năm liên tiếp trở lại đây, giá tiêu luôn ở mức thấp, thu không đủ bù chi. Nhiều nông dân kiệt quệ không còn tiền để duy trì vườn tiêu nên đi đâu cũng thấy những vườn tiêu đang lụi tàn dần, có vườn đã chết khô vì dịch bệnh”.

* Tiếp tục chặt tiêu

Vừa thu hoạch xong 1 hécta tiêu 5 năm tuổi, thời điểm vườn tiêu đạt năng suất cao nhất nhưng bà Nguyễn Thị Thúy Vân, nông dân tại xã Hàng Gòn (TX.Long Khánh) vẫn quyết định chặt bỏ tiêu để chuyển sang trồng mít siêu sớm. Bà Vân tính toán: “Vốn trồng 1 hécta tiêu và chăm sóc cho đến khi được thu hoạch không thể ít hơn 400-500 triệu đồng. Tôi mới thu hoạch tiêu được 1-2 vụ nhưng vẫn quyết định chặt bỏ dù chưa thu được vốn đầu tư vì càng làm càng lỗ. Thu hoạch tiêu lại tốn quá nhiều công lao động nên cứ vào vụ thu hoạch là lo”.

Ông Bành Văn Vũ, người chuyên mua cây gỗ tại các vườn tiêu của bà Vân cho hay: “Từ cuối năm ngoái đến nay, tôi toàn đi mua củi, mua gỗ tại các vườn tiêu, vườn điều bị dân chặt bỏ. Tôi làm không hết việc vì các nhà vườn chặt tiêu, bán củi rất nhiều. Vụ thu hoạch năm nay, vùng quanh đây rất nhiều vườn tiêu tiếp tục bị chặt bỏ”.

Trảng Bom là địa phương có diện tích trồng tiêu lớn của Đồng Nai. Từ khi cây tiêu rớt giá, nông dân địa phương chặt bỏ cây tiêu khá nhiều, chủ yếu chuyển sang trồng chuối xuất khẩu cho lợi nhuận cao. Theo Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài vừa qua nên nông dân trên địa bàn huyện đã chặt bỏ 750 hécta hồ tiêu. Diện tích tiêu bị chặt bỏ này đa số là các vườn già cỗi, năng suất kém để chuyển sang trồng chuối, bưởi da xanh…

Biểu đồ thể hiện diễn biến giá tiêu ở thị trường trong tỉnh qua các năm từ 2015 đến nay và sản lượng, giá trị xuất khẩu tiêu của tỉnh từ năm 2017 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện diễn biến giá tiêu ở thị trường trong tỉnh qua các năm từ 2015 đến nay và sản lượng, giá trị xuất khẩu tiêu của tỉnh từ năm 2017 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

* Thị trường khó khởi sắc

Không chỉ nông dân gặp hạn vì cây tiêu mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng rơi vào cảnh khó khăn vì nông sản liên tục rớt giá. Ông Phạm Đây, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hoàng Long Tân (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết, doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng nông sản vì giá cả thị trường biến động quá bất thường dẫn đến rất nhiều rủi ro. “Giá hồ tiêu liên tục rơi theo chiều thẳng đứng, có ngày giảm giá đến vài lần khiến doanh nghiệp càng trữ hàng càng lỗ vốn. 2-3 năm trở lại đây, Trung Quốc giảm nhập hàng, đầu ra thu hẹp trong khi nguồn cung luôn dư thừa khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị bạn hàng chèn ép, càng làm càng thua lỗ” - ông Đây nói.  

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (tỉnh Bình Dương) - doanh nghiệp thu mua tiêu tại Đồng Nai dự báo: “Giá tiêu có thể sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp trong thời gian tới vì nguồn cung cho thị trường vẫn rất dồi dào do nhiều nước trên thế giới đang vào mùa thu hoạch. Mặt khác, nông dân lâm vào cảnh nợ nần cũng buộc phải bán đổ bán tháo sau một thời gian dài cầm cự, tỷ lệ người tiếp tục trữ tiêu rất ít”.

Cũng theo ông Lâm, hiện thị trường thế giới, nguồn cung vẫn đang vượt hàng trăm ngàn tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tiêu mỗi năm chỉ tăng từ 10-15% trên tổng sản lượng nên về dài hạn, cán cân cung - cầu của thị trường tiêu có cân bằng lại hay không lại tùy vào việc bao nhiêu nông dân giữ lại vườn tiêu và bao nhiêu nông dân bỏ cây trồng này.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều