Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp "than" chật chội

09:03, 20/03/2019

Năm 2012, UBND tỉnh có quyết định các cơ sở sản xuất gốm sứ tại TP.Biên Hòa phải di dời ra khỏi nội ô thành phố. Sau đó, tỉnh thành lập Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh để các cơ sở này có chỗ sản xuất, đồng thời bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nhiều năm qua đi, hiện nay CCN này đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Năm 2012, UBND tỉnh có quyết định các cơ sở sản xuất gốm sứ tại TP.Biên Hòa phải di dời ra khỏi nội ô thành phố. Sau đó, tỉnh thành lập Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh để các cơ sở này có chỗ sản xuất, đồng thời bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Nhiều năm qua đi, hiện nay CCN này đã đi vào hoạt động nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Sản xuất gốm xuất khẩu tại Công ty TNHH Trí Tâm Đức trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa)
Sản xuất gốm xuất khẩu tại Công ty TNHH Trí Tâm Đức trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa)

Theo Sở Công thương, đã có 37 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư vào CCN gốm sứ Tân Hạnh (tại xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa). Trong đó, có 31 doanh nghiệp thuộc diện di dời và 6 doanh nghiệp không thuộc diện di dời.

* Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất

Đến giữa tháng 3-2019, CCN gốm sứ Tân Hạnh có 15 doanh nghiệp gốm xây dựng xong nhà xưởng và đi vào hoạt động; 7 doanh nghiệp đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp ráp máy móc, thiết bị. Số doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng nhà xưởng. Những doanh nghiệp đi vào hoạt động phần lớn có đầu ra ổn định và có nhu cầu mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, diện tích nhà xưởng trong CCN có hạn nên rất khó mở rộng, nâng công suất để đáp ứng các đơn hàng lớn.

“CCN gốm sứ Tân Hạnh phải làm nhà trưng bày để phát triển du lịch, triển lãm. Bởi gốm Đồng Nai nổi tiếng thế giới nên cần xây dựng quy trình sản xuất để đưa khách tham quan nhằm quảng bá và bán hàng” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh. Theo đó, gốm Đồng Nai không chỉ là làng nghề truyền thống có giá trị về kinh tế mà còn ý nghĩa rất lớn về văn hóa, do gắn với cả quá trình phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Thái Vinh ở CCN gốm sứ Tân Hạnh cho biết: “Từ khi vào CCN có nhà xưởng đạt chuẩn, sản phẩm gốm của tôi xuất khẩu trực tiếp được vào nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu. Vừa qua, có nhiều đơn đặt hàng lớn nhưng vì diện tích nhà xưởng có hạn nên tôi đành phải từ chối bớt. Hiện tôi rất muốn thuê thêm 0,5 hécta trong CCN để mở rộng sản xuất và xuất khẩu”.

Năm 2018 và trong gần 3 tháng đầu năm 2019, thị trường xuất khẩu gốm sứ của Đồng Nai khá thuận lợi. Sản phẩm gốm của Đồng Nai đã xuất khẩu vào hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều thị trường đòi hỏi chất lượng cao đã xuất trực tiếp vào được là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức...

Ông Hồ Văn Hội, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tâm Đức ở CCN gốm sứ Tân Hạnh cho hay: “Nhu cầu của công ty khoảng 1 hécta nhưng chỉ được thuê 0,5 hécta nên mặt bằng không đủ nơi chứa hàng. Công ty phải thuê nơi khác để làm hàng thô, sau đó mới chở về CCN gốm sứ Tân Hạnh để nung. Nếu được thuê thêm khoảng 0,4-0,5 hécta nữa trong CCN, công ty sẽ chủ động hơn trong sản xuất, giảm được nhiều chi phí vận chuyển”. Sản phẩm gốm của Công ty TNHH Trí Tâm Đức hiện đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác.

Theo các doanh nghiệp gốm sứ khác cũng di dời vào CCN thì về đây nhà xưởng, máy móc được đầu tư lại bài bản hơn. Các  doanh nghiệp đều bố trí phòng trưng bày mẫu khá đẹp nên khách hàng trong và ngoài nước đến tìm hiểu khá ưng ý và đặt nhiều đơn hàng lớn. Do đó, đầu ra của các doanh nghiệp thuận lợi hơn so với trước đây.

* Chỉ nên ưu tiên cho ngành gốm

Nhiều doanh nghiệp gốm di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh đã đề xuất TP.Biên Hòa và UBND tỉnh cho thuê thêm diện tích để mở rộng sản xuất. Vì đây là CCN gốm sứ để bảo tồn và phát triển nghề gốm của Đồng Nai, nên cần ưu tiên cho các doanh nghiệp gốm sứ di dời vào sản xuất đúng ngành nghề. Những doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khác hoặc những doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng xong nhưng không làm gốm thì nên thu hồi dự án, dành đất cho các doanh nghiệp thực sự làm gốm đang muốn mở rộng sản xuất.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cho biết: “Qua rà soát, TP.Biên Hòa phát hiện 6 doanh nghiệp thuê đất hoạt động không đúng ngành nghề nên đã đề xuất tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư. Diện tích đất thu hồi sẽ ưu tiên cho những doanh nghiệp sản xuất gốm di dời vào thuê, mở rộng sản xuất”. Nếu các doanh nghiệp hoạt động không đúng ngành nghề bị thu hồi đất thì CCN sẽ có thêm gần 7 hécta để bố trí cho các doanh nghiệp gốm có nhu cầu mở rộng sản xuất.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, tỉnh đầu tư CCN gốm sứ Tân Hạnh là để đưa các doanh nghiệp gốm sứ tại TP.Biên Hòa vào nhằm bảo tồn và phát triển nghề gốm. Vì thế, các doanh nghiệp gốm di dời vào CCN sẽ được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất, phí hạ tầng trong 11 năm. TP.Biên Hòa cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát kỹ lại, những doanh nghiệp được thuê đất không sản xuất đúng ngành nghề phải thu hồi lại dự án.

Ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho hay: “Vào CCN, nhà xưởng được các doanh nghiệp đầu tư bài bản, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp mở thêm được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên với doanh nghiệp gốm sứ mà CCN chỉ cho thuê 0,5-0,8 hécta để sản xuất thì quá nhỏ. Có nhiều doanh nghiệp cần diện tích từ 1-2 hécta mới đủ sản xuất”. Nghề gốm Biên Hòa đang từng bước được vực dậy. Nếu được doanh nghiệp đầu tư đúng mức, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, xúc tiến thương mại, gốm Đồng Nai có thể trở lại thời kỳ hoàng kim cách đây gần 20 năm.

Hương Giang

Tin xem nhiều