Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn dịch tả heo châu Phi

08:03, 15/03/2019

Những ngày này, chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1 ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) giáp với tỉnh Bình Thuận và chốt ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú) giáp với tỉnh Lâm Đồng luôn bố trí lực lượng 24/24 giờ, ngày đêm túc trực để kiểm soát nguồn heo, phun thuốc khử trùng… toàn bộ các xe chở heo từ ngoại tỉnh qua địa bàn Đồng Nai.

Những ngày này, chốt kiểm dịch trên quốc lộ 1 ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) giáp với tỉnh Bình Thuận và chốt ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú) giáp với tỉnh Lâm Đồng luôn bố trí lực lượng 24/24 giờ, ngày đêm túc trực để kiểm soát nguồn heo, phun thuốc khử trùng… toàn bộ các xe chở heo từ ngoại tỉnh qua địa bàn Đồng Nai.

Lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng cho các xe chở heo qua chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) rạng sáng ngày 14-3. Ảnh: H.Quân
Lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng cho các xe chở heo qua chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 (xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) rạng sáng ngày 14-3. Ảnh: H.Quân

Trong khi đó, các địa phương và người chăn nuôi heo cũng chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin thường xuyên về dịch bệnh này, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tăng sức đề kháng cho heo…

* “Trắng đêm” chặn dịch

Khoảng 2 tuần nay, đội ngũ cán bộ, kiểm soát thú y của Trạm kiểm dịch Ông Đồn (huyện Xuân Lộc) cùng các lực lượng chức năng luôn bố trí các đội túc trực cả ngày lẫn đêm tại chốt kiểm dịch ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc để kiểm tra, kiểm soát nguồn heo từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào miền Nam theo quốc lộ 1.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, bên cạnh các cán bộ, chuyên viên về thú y, mỗi nhóm túc trực còn có cảnh sát giao thông, đại diện lực lượng quản lý thị trường, dân quân xã… Các nhóm thay phiên nhau “trực chiến” 24/24 giờ để đảm bảo luôn đủ đội hình kiểm tra, kiểm soát các xe chở heo ngoại tỉnh vào địa phận Đồng Nai.

3 giờ sáng 14-3, chiếc xe tải mang biển số Quảng Ngãi chở heo từ hướng tỉnh Bình Thuận vào địa phận tỉnh Đồng Nai, rất nhanh chóng, nhóm kiểm dịch đã ra hiệu cho xe này vào bãi để tiến hành các thủ tục: kiểm tra niêm phong thùng xe, kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ về thú y liên quan đến số heo nói trên, kiểm tra lâm sàng về tình trạng heo trên xe, cũng như tiến hành khử trùng toàn bộ xe… Các thủ tục được tiến hành nhanh gọn, theo đúng quy trình. Khi tiến hành xong đầy đủ các thủ tục, xe đủ điều kiện sẽ được đóng dấu phúc kiểm của chốt và lưu thông vào địa phận Đồng Nai; trong đó ưu tiên hàng đầu là việc khử trùng cho xe và đàn heo.

Anh Nguyễn Đình Tâm, tài xế xe tải cho biết xe chở khoảng 300 con heo từ thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vào tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. So với trước khi có dịch, lượng heo lần này ít hơn khoảng 100 con. Hơn thế nữa, mỗi tuần xe chỉ chở 2 chuyến thay vì 3 chuyến như trước khi có dịch. “Việc kiểm dịch ở chốt kiểm dịch ở Xuân Hòa là rất cần thiết, đặc biệt đây được xem là nơi đầu tiên đón heo từ các địa phương miền Bắc, miền Trung vào miền Nam nên nếu không hoàn tất các thủ tục, nhận dấu phúc kiểm ở chốt này thì heo sẽ không đi vào được các tỉnh, thành khác ở phía Nam” - anh Đình Tâm nói.

Sau đó khoảng hơn 1 tiếng, một chiếc xe tải khác cũng chở heo từ Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ cũng phải qua chốt kiểm dịch để hoàn tất các thủ tục. Từ khoảng thời gian 4-6 giờ sáng cùng ngày, có thêm 4 chuyến xe chở heo vào chốt, đa phần là xe từ các tỉnh miền Trung như: Quảng Ngãi, Khánh Hòa…

Ông Phạm Văn Toàn, kiểm soát viên thú y thường xuyên trực đêm tại chốt kiểm dịch cho biết, dịp này lượng xe chở heo từ phía Bắc vào đã giảm nhẹ. Thời điểm có nhiều xe qua chốt nhất là khoảng rạng sáng, hầu hết là các xe từ khu vực Nam Trung bộ. Trong khi đó, khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng hôm sau chỉ ghi nhận lác đác một số ít xe chở heo đến từ miền Bắc và miền Trung vào. Khoảng 6 giờ sáng sẽ chuyển giao ca trực, tổng hợp và bàn giao số liệu với ca trực tiếp theo. Việc trực chiến luôn đảm bảo quân số, người này hỗ trợ người kia, nếu ai bận việc sẽ được bố trí người trực thay…

Tương tự, theo ông Vũ Ngọc Lang, Trưởng trạm chăn nuôi - thú y huyện Tân Phú, chốt kiểm dịch trên quốc lộ 20 thuộc xã Phú Bình, huyện Tân Phú cũng đảm bảo đầy đủ các thành phần là thành viên, chuyên viên của trạm, lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường… tham gia. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát xe chở heo được tiến hành xuyên suốt ngày đêm.

* Chống dịch trên nhiều “mặt trận”

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng liên tục cập nhật các tin tức liên quan đến dịch tả heo châu Phi, khẩn trương triển khai các phương thức phòng dịch.

Cán bộ thú y chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ về thú y của xe chở heo qua trạm. Nếu đủ điều kiện sẽ đóng dấu phúc kiểm để lưu thông vào địa phận tỉnh Đồng Nai
Cán bộ thú y chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1 ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ về thú y của xe chở heo qua trạm. Nếu đủ điều kiện sẽ đóng dấu phúc kiểm để lưu thông vào địa phận tỉnh Đồng Nai

Ông Trần Quang Trung, chủ trại có khoảng 200 con heo nái và 1 ngàn con heo thịt ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất cho biết, ngay khi biết được thông tin có địa phương trong nước bị nhiễm dịch tả heo châu Phi, trại heo của ông đã thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại, phun xịt vôi sát khuẩn, giảm mật độ đàn, đảm bảo ánh sáng tại các chuồng trại, cũng như hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trại. “Việc đầu tư các biện pháp phòng dịch khiến chi phí đầu tư tăng khoảng 10-15% so với trước đây. Trong đó, tôi ưu tiên sử dụng thức ăn nhiều dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho đàn heo.

Trong khi đó, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho biết huyện đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về cách phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi trong huyện. Huyện cũng đã cấp 1,3 ngàn lít thuốc khử trùng đến các địa phương trong huyện. Đặc biệt, huyện bố trí lực lượng chức năng bao gồm lực lượng thú y, cán bộ, chuyên viên của Phòng cùng đại diện chính quyền địa phương túc trực cả ngày lẫn đêm, thường xuyên kiểm tra địa bàn, nắm bắt thông tin, tăng cường thông tin về cách phòng chống dịch.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) hiện nay Đồng Nai chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi. Các địa phương đã và đang tiến hành tuyên truyền, tăng cường giám sát dịch tễ, chú trọng phòng chống dịch bệnh bằng phương pháp sinh học. Khi thấy heo có bất kỳ biểu hiện, triệu chứng khác thường sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngay nhằm phát hiện nhanh, chủ động các biện pháp khống chế không để dịch lây lan. Đồng thời, các chốt kiểm dịch cũng tăng cường kiểm tra giám sát đối với những xe heo đến từ các địa phương.

“Thời gian tới, lực lượng thú y trong tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tháng vệ sinh sát trùng tiêu độc, hạn chế tối đa các mầm bệnh có thể có trong môi trường” - ông Quang cho biết thêm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh:

Ngành nông nghiệp từ cấp tỉnh, huyện, xã cần tham mưu ngay để ngày 18-3 trình UBND tỉnh về văn bản thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Đồng Nai sẽ lập thêm một số chốt kiểm dịch trên các tuyến đường lưu thông giáp với các tỉnh, thành khác với tinh thần triệt để, không để lọt heo bệnh vào địa bàn Đồng Nai.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công:

Trong vấn đề kiểm soát vận chuyển phải kiểm tra được số lượng heo trên từng xe vận chuyển từ điểm đầu xuất phát đến nơi tiêu thụ, tránh trường hợp xe có heo chết dọc đường vẫn đưa ra thị trường. Việc dịch lây lan nhanh còn do tâm lý “giấu dịch”, chính quyền địa phương nên công bố sớm mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ để người chăn nuôi yên tâm báo dịch. Để thuận lợi hơn trong triển khai và kiểm soát, việc hỗ trợ nên tính trên đầu heo (phân loại heo con, heo thịt, heo nái…) thay vì hỗ trợ tính theo ký.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng:

Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo trên các tuyến đường, nhất là vùng ven giáp ranh với các tỉnh, thành khác; kiểm soát, quản lý các thương lái kinh doanh mặt hàng thịt heo. Sau dịch, ngành nông nghiệp chủ động về phương án tăng cường chăn nuôi để bù vào nguồn heo hao hụt, tránh trường hợp xảy ra việc heo sốt giá sau dịch như đang xảy ra tại Trung Quốc.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải:

Thịt heo là thực phẩm chính, chiếm phần lớn trong khẩu phần bữa ăn của người dân. Dịch tả heo châu Phi không lây truyền qua con người như những bệnh, dịch thông thường khác… Cần tập trung tuyên truyền về nội dung này để người tiêu dùng không hoang mang dẫn đến tẩy chay nguồn thực phẩm quan trọng này.

Hải Quân

Tin xem nhiều