Báo Đồng Nai điện tử
En

Chọn hướng đi nào?

09:03, 11/03/2019

Nhiều địa phương có diện tích tiêu lớn của Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn trồng tiêu sạch để nâng giá trị cho tiêu xuất khẩu.

Nhiều địa phương có diện tích tiêu lớn của Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn trồng tiêu sạch để nâng giá trị cho tiêu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel tại vườn tiêu của gia đình
Ông Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel tại vườn tiêu của gia đình

Trong đó, cái gốc vẫn chính là sự thay đổi tư duy của nông dân làm nông chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng chất lượng, có doanh nghiệp bao tiêu.

* “Tiếp sức” cho tiêu

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trước thực trạng nông dân ồ ạt trồng tiêu, Sở đã khuyến cáo người dân địa phương ngưng mở rộng diện tích. Để giải bài toán đầu ra bền vững cho nông sản nói chung, cho cây tiêu nói riêng, Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn sản xuất an toàn, liên kết doanh nghiệp bao tiêu. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung phát triển ngành chế biến để tăng giá trị cho nông sản.

Vườn tiêu gần 2 hécta của gia đình ông Nông Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác cụm 2, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) chết vì dịch bệnh, ông vẫn quyết định đầu tư trồng mới bằng giống tiêu mới cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Theo ông Thành: “Tổ hợp tác tiêu của chúng tôi sản xuất đạt chuẩn VietGAP nên ngay cả giai đoạn đầu ra khó khăn vẫn có doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định hơn ngoài thị trường. Với việc chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất và đạt năng suất cao thì tiêu vẫn là cây trồng cho thu nhập ổn định với nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) là người tiên phong trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel. Nói về giải pháp tăng sức cạnh tranh cho cây tiêu trong giai đoạn khó khăn, ông Quang chia sẻ: “Tôi tự bỏ công ủ phân bón hữu cơ; sử dụng các giải pháp sinh học trong phòng và trừ bệnh nên năng suất vườn tiêu của tôi năm sau cao hơn năm trước, lại hạn chế được rủi ro dịch bệnh. Giai đoạn thị trường tiêu khó khăn, nông dân càng cần phải quan tâm đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để vừa giảm giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm an toàn thì mới tạo ra lợi thế cạnh tranh”.

* Phải làm tiêu sạch

Ông Nguyễn Hồng Phúc, nông dân chuyên làm tiêu sạch được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu đi những thị trường khó tính tại huyện Cẩm Mỹ cho rằng: “Điều quan trọng nhất để tăng giá trị xuất khẩu của tiêu Việt Nam vẫn là ở tư duy sản xuất của nông dân. Họ phải thật sự chuyên nghiệp trong đầu tư để có giải pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng. Trong đó, xây dựng được thương hiệu bằng uy tín chất lượng thì ngay cả khi thị trường tiêu gặp khủng hoảng như hiện nay họ vẫn có lợi nhuận”. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) so sánh: “1 tấn tiêu Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn từ 200-300 USD so với mặt bằng chung của thế giới. Nguyên nhân là do tiêu Việt Nam không có thương hiệu, bị đánh giá thấp về chất lượng, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên phải chấp nhận ở phân khúc giá rẻ”.

Để tính bài toán cạnh tranh cho tiêu Việt Nam, ông Luân cho rằng ngành hồ tiêu cần hướng đến phát triển bền vững, nâng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Muốn như vậy, nông dân phải đầu tư khoa học - kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Khâu thương mại cũng cần phải tổ chức lại, giảm bớt trung gian.

 Đây cũng là mục tiêu của tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai chương trình xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất an toàn, liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết: “Toàn huyện hiện còn trên 2 ngàn hécta tiêu. Từ đầu năm 2018, huyện đã triển khai dự án sản xuất tiêu sạch đạt chuẩn GlobalGAP với mô hình điểm khoảng 10 hécta tại xã Thanh Bình, sản phẩm có doanh nghiệp bao tiêu. Từ những mô hình điểm này sẽ nhân rộng ra cho nông dân, khuyến khích họ chuyển hướng sản xuất sạch để có đầu ra bền vững và ngày càng quan tâm đầu tư khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất và lợi nhuận cho vườn tiêu”.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều