Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây: Rộng cửa, vẫn "khó qua"

02:02, 16/02/2019

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây đi 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... cũng đã mở cửa cho trái cây Việt.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây đi 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều thị trường khó tính như: Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... cũng đã mở cửa cho trái cây Việt. Vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng mạnh, đạt trên 4 tỷ USD vào năm 2018.

Xoài rớt giá vì Trung Quốc đang siết lại việc nhập khẩu trái cây qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại huyện Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên
Xoài rớt giá vì Trung Quốc đang siết lại việc nhập khẩu trái cây qua đường tiểu ngạch. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại huyện Định Quán. Ảnh: Bình Nguyên

Trong đó, Đồng Nai có nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu với diện tích lớn như: xoài, chuối, sầu riêng... Thị trường xuất khẩu cũng đã mở cửa với trái cây Đồng Nai. Nhưng thời gian qua, hết xoài lại đến chuối đều cần “giải cứu” vì đầu ra vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

* Diện tích tăng nhanh

Toàn tỉnh hiện có trên 49 ngàn hécta cây ăn trái có thế mạnh về xuất khẩu. Cụ thể, tổng diện tích xoài trên 11,5 ngàn hécta, sản lượng hơn 95 ngàn tấn; trên 4 ngàn hécta sầu riêng với sản lượng gần 34,4 ngàn tấn; 7,3 ngàn hécta chuối với sản lượng gần 105 ngàn tấn…

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Đồng Nai dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng nhiều loại trái cây nhưng chưa giải được bài toán về thị trường tiêu thụ bền vững. Một trong những nguyên nhân chính là địa phương chưa tiếp cận được thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng trái cây chủ lực”.

Thời gian gần đây, nông dân Đồng Nai hết đua nhau trồng chuối, bưởi da xanh rồi sang sầu riêng... đều vì chạy theo những cơn “sốt” giá. Một nghịch lý là trong khi yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu ngày càng khắt khe thì khâu sản xuất vẫn chạy theo phong trào, chưa thật sự quan tâm đầu tư nâng cao về mặt chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) nhận xét: “Tôi từng tiếp rất nhiều đối tác có nhu cầu xuất khẩu trái xoài Đồng Nai đi Nhật, Úc nhưng không dám nhận đơn hàng vì không đủ sản lượng trái cây đạt chuẩn. Tôi vận động nông dân tham gia hợp tác xã trái cây an toàn nhưng họ ngại ngần, bởi chuyển đổi sang sản xuất an toàn đòi hỏi quy trình chăm sóc khắt khe hơn, năng suất lại không cao bằng so với sử dụng phân, thuốc hóa học”.

* Cửa đã mở, nhưng… khó vào

Đồng Nai hiện đã ký kết hợp tác với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc... trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nội dung hỗ trợ về thị trường. Cụ thể, Nhật Bản đã chấp nhận mở cửa cho trái xoài Đồng Nai. Trái chôm chôm của Đồng Nai từng được chào đón tại thị trường Pháp, trái sầu riêng xuất khẩu tốt đi Mỹ… Nhưng đến nay, việc mở rộng kênh xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch vẫn còn chậm chạp.

Đầu ra cho trái sầu riêng nhiều rủi ro vì diện tích tăng nóng và hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Đóng gói sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc tại một vựa trái cây ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Đầu ra cho trái sầu riêng nhiều rủi ro vì diện tích tăng nóng và hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Đóng gói sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc tại một vựa trái cây ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Nói về thực tế xuất khẩu trái cây Đồng Nai, Ông Võ Văn Vịnh, thành viên Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), người có hơn 20 năm kinh doanh các mặt hàng trái cây cho biết: “Trái cây Đồng Nai rất nhiều, rất ngon nhưng chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc. Đây chưa thể gọi là xuất khẩu bền vững vì vẫn đi theo đường tiểu ngạch, trái cây dán nhãn, mã vạch của Trung Quốc nên khi đến tay người tiêu dùng, không mấy ai biết đây là trái cây Đồng Nai”.

Cũng theo ông Vịnh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm đến chợ đầu mối Dầu Giây đặt vấn đề xuất khẩu trái cây nhưng rồi đều bỏ cuộc vì không tìm được nguồn cung đạt yêu cầu cả về sản lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, từng có doanh nghiệp đến chợ đầu mối tìm nguồn cung chuối già xuất khẩu nhưng đành chuyển qua địa phương khác vì không cạnh tranh được với các vựa chuối chuyên đóng hàng xuất khẩu đi Trung Quốc.

Điều đáng buồn là rất khó để xây dựng được một thương hiệu uy tín cho mặt hàng trái cây xuất khẩu, nhưng một vài nơi xây dựng được rồi lại để mai một vì không giữ được vùng nguyên liệu. Tiêu biểu như thương hiệu sầu riêng Dona của Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TX.Long Khánh) từng nổi tiếng khi xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ. Nhưng hiện thương hiệu này chỉ còn trong hoài niệm vì để mất vùng nguyên liệu do liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bị phá vỡ. Hiện nay, sầu riêng vẫn đang là sản phẩm xuất khẩu mạnh của Đồng Nai nhưng chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc và hầu như không có nhãn hàng nào được nhận diện.

Vùng nguyên liệu trái cây ngon bị mai một cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai không thể đi xa. Thời gian trước, chỉ tính riêng xã Bình Lộc đã có trên 1 ngàn hécta chôm chôm Java và chôm chôm nhãn. Nhưng hiện hơn 50% diện tích chôm chôm giống địa phương đã đổi thành giống chôm chôm Thái Lan và đa số trồng xen canh với nhiều giống cây trồng khác.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc (TX.Long Khánh) nhận xét, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất Long Khánh. Trái chôm chôm Java cũng từng vượt qua quy trình kiểm tra chặt chẽ để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Pháp. Theo đó, doanh nghiệp cũng đặt hàng bao tiêu trái chôm chôm với sản lượng lớn để xuất khẩu. Nhưng Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Bình Lộc không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm Java.

Diện tích trồng các loại cây ăn trái có thế mạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Diện tích trồng các loại cây ăn trái có thế mạnh xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

“Diện tích chôm chôm Java ngày càng giảm vì nông dân mới nhìn được cái lợi trước mắt khi chuyển đổi cây trồng chứ chưa nhìn xa đến cán cân cung - cầu. Chôm chôm Thái chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong khi đầu ra của chôm chôm Java rất lớn vì được thị trường xuất khẩu ưa chuộng và có thể đưa vào chế biến” - ông Tâm nói.       

* Thách thức ngày càng lớn

Chỉ ra những thách thức không nhỏ cho thị trường trái cây trong tương lai, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích: “Chỉ tính riêng nhóm 10 loại trái cây xuất khẩu chính của Việt Nam như: thanh long, chuối, xoài... thì diện tích dự kiến đạt trên 800 ngàn hécta vào năm 2020 và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Với tốc độ tăng nhanh về diện tích này, nếu Việt Nam không đẩy mạnh và mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây thì sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thừa”.

Tiềm năng của thị trường xuất khẩu trái cây còn rất lớn nhưng để nắm bắt được cơ hội là điều không dễ vì nhiều nước không ngừng nâng cao tiêu chuẩn cho trái cây xuất khẩu. Ông Trần Văn Nhật, Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên về kiểm nghiệm thực phẩm và quan trắc môi trường, nhận xét: “Các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật trong kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn nhập khẩu rau quả Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... mỗi năm đều cập nhật thêm hàng loạt chất cấm mới không được phép tồn dư trong sản phẩm”.

Vừa qua, giá xoài, thanh long… giảm xuống mức chưa từng thấy trong nhiều năm nay là do Trung Quốc bắt đầu siết lại việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Nếu nông dân không thực hiện ngay việc chuẩn hóa về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho trái cây thì ngay cả thị trường được cho là “dễ dãi” như Trung Quốc nhưng trái cây Việt Nam cũng sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào như trước nữa.

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều