Báo Đồng Nai điện tử
En

Sẽ không còn thị trường "dễ dãi"

09:02, 11/02/2019

Trong quý IV của năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một số loại trái cây chủ lực của Việt Nam rơi vào cảnh rớt giá khá mạnh như: thanh long, dưa hấu, quýt, cam... Có nơi, giá giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước, thậm chí, nhiều thương lái đã đặt cọc tiền mua "mão" các vườn cũng bỏ cọc vì sợ thua lỗ. Nguyên nhân rớt giá được xác định là do thị trường Trung Quốc bớt "ăn" hàng, dẫn đến cung vượt cầu, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không cao.

Trong quý IV của năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một số loại trái cây chủ lực của Việt Nam rơi vào cảnh rớt giá khá mạnh như: thanh long, dưa hấu, quýt, cam... Có nơi, giá giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước, thậm chí, nhiều thương lái đã đặt cọc tiền mua “mão” các vườn cũng bỏ cọc vì sợ thua lỗ. Nguyên nhân rớt giá được xác định là do thị trường Trung Quốc bớt “ăn” hàng, dẫn đến cung vượt cầu, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước lại không cao.

Không mấy ai nhớ, đây là một hệ quả được báo trước từ 1-2 năm nay, kể từ khi thị trường Trung Quốc “đánh tiếng” về việc sẽ siết chặt hơn các tiêu chuẩn nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nông sản qua biên giới. Lâu nay, từ khâu kiểm soát chất lượng đến kiểm soát số lượng hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tương đối lỏng lẻo, song có vẻ điều này sẽ thay đổi trong thời gian tới một cách mạnh mẽ hơn.

Trước đó, đầu tháng 1-2019, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã có thông báo gửi các doanh nghiệp thành viên, thông tin rõ hơn về việc Trung Quốc tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, trong đó có mặt hàng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, Hải quan Trung Quốc thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Trung Quốc đối với hoạt động thương mại biên giới, bao gồm cả hoạt động tại các cặp chợ biên giới, đặc biệt là đối với trái cây, gạo (nếu không có hạn ngạch nhập khẩu) khoai lang, thủy hải sản... Riêng với trái cây Việt Nam, Hải quan Trung Quốc tại khu vực nêu trên chỉ đồng ý làm thủ tục nhập khẩu đối với 8 loại trái cây đã được phép nhập khẩu chính thức vào Trung Quốc gồm: xoài, nhãn, chuối, vải thiều, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long (nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam).

Trên thực tế, phía Trung Quốc cho rằng những động thái siết chặt nói trên thực ra là để làm nghiêm ngặt hơn những quy định sẵn có của nước này về nhập khẩu nông sản, song đã gây không ít khó khăn cho trái cây và nông sản Việt Nam. Việc Trung Quốc yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, làm chặt việc truy nguyên nguồn gốc, đăng ký mã số vườn trồng, cải tiến chất lượng, bao bì... cho thấy, quan điểm về sự “dễ dãi” của một số thị trường lớn dần dần sẽ thay đổi và nông dân, doanh nghiệp trong nước buộc phải thay đổi để thích nghi sớm, bởi những động thái này ảnh hưởng đến họ tức thời chứ không có nhiều thời gian chuyển tiếp.

Không chỉ thế, các thị trường khác cũng ngày càng khó khăn hơn trong việc kiểm soát chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tăng sức cạnh tranh cho nông sản của chính nước họ làm ra. Vậy nên, nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá, sẽ không có nhiều thị trường “dễ dãi” nữa. Do đó, nông dân Việt Nam cũng không nên giữ tư duy “dễ dãi” trong sản xuất, trái lại, cần thay đổi thật nhanh để vừa cạnh tranh được trên sân nhà, vừa giữ vững được thị trường xuất khẩu.

Vi Lâm

Tin xem nhiều