Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính phủ đốc thúc dự án cao tốc Bắc - Nam

08:02, 24/02/2019

Chưa khi nào dự án giao thông đường bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại được đốc thúc một cách liên tục như hiện nay. Cuối năm 2018, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phải quyết liệt hoàn thiện hồ sơ để đầu tư dự án.

Chưa khi nào dự án giao thông đường bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại được đốc thúc một cách liên tục như hiện nay. Cuối năm 2018, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải (GTVT) phải quyết liệt trong công tác hoàn thiện hồ sơ để đầu tư dự án này đúng tiến độ.

Tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối vào tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để thông suốt từ TP.Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn giao quốc lộ 51, thuộc huyện Long Thành
Tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nối vào tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để thông suốt từ TP.Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đoạn giao quốc lộ 51, thuộc huyện Long Thành

Ngày 21-2, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vào TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chủ trì buổi làm việc với Bộ GTVT và 13 tỉnh, thành phố có dự án đi qua để đôn đốc về tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.

* Thông xe năm 2021

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đồng Nai cho biết, tại buổi làm việc ở Nha Trang vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh việc dứt khoát phải đảm bảo tiến độ dự án. Chỉ có như thế mới đạt được mục tiêu lớn là trong năm 2020 phải hoàn thành công tác xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông để thông xe vào năm 2021. Muốn đạt được mục tiêu này, trong năm 2019 dự án phải khởi công được một số đoạn. Cũng theo ông Hưng, Phó thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt về tiến độ của dự án này đối với Bộ GTVT và các địa phương. Trong đó, vai trò của địa phương trong việc giải phóng mặt bằng rất quan trọng, quyết định tiến độ của dự án.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài hơn 2 ngàn km, bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 khu vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, tuyến Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh dài hơn 1.500km và một số đoạn đã đưa vào khai thác.

Hiện tuyến này còn lại hơn 1.300km đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư thêm 654km với tổng mức đầu tư hơn 118.700 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, thành phố và bằng một nửa nhu cầu đầu tư của toàn tuyến.

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

* Địa phương sẵn sàng

 Cũng tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Nha Trang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ GTVT, đơn vị quản lý dự án) bàn giao mốc thực địa của dự án tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước ngày 31-3-2019, như vậy mới đảm bảo thời gian giải phóng mặt bằng. Theo lãnh đạo tỉnh thì công tác kiểm tra, kiểm đếm tài sản trên đất và di dời các công trình cũng như bố trí tái định cư mất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết đến nay Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã chỉ đạo các huyện trong tỉnh - những nơi có dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua - rà soát lại thủ tục để khi được bàn giao mốc giải phóng mặt bằng là triển khai ngay. “Theo tôi, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án này sẽ đảm bảo, bởi trước đây dự án đã được bàn giao mốc mặt bằng cho 4 làn xe, hiện tại tăng lên 6 làn xe nên các địa phương cũng nắm được cơ bản diện tích và số hộ đền bù” - ông Hưng nói.

Đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai của tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 51km, đi qua các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TX.Long Khánh. Trong đó, hơn một nửa chiều dài thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc.

Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho hay để chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, hiện tại huyện đang cử người khảo sát các hộ dân để tính toán, bố trí tái định cư. Ông Sơn cho biết: “Với mốc thu hồi đất cho 4 làn xe trên địa bàn Xuân Lộc thì diện tích đất thu hồi cho dự án vào khoảng 230 hécta, ảnh hưởng 950 hộ dân. Khi tăng lên 6 làn xe, chúng tôi ước tính diện tích cần thu hồi sẽ tăng lên hơn 100 hécta nữa. Hiện nay huyện đang chờ bàn giao mốc thực địa mới để tiến hành thực hiện các bước giải phóng mặt bằng”.

Tại các địa phương khác của Đồng Nai, diện tích đất cần thu hồi cho dự án không lớn, đặc biệt là số hộ phải bố trí tái định cư ít nên đây cũng là một thuận lợi. Đơn cử, đoạn qua TX.Long Khánh, diện tích cần phải bồi thường để có mặt bằng sạch cho dự án này có toàn bộ diện tích nằm trong đất cao su.

Khắc Giới

Tin xem nhiều